Hội nghị thảo luận các giải pháp ứng phó với xâm nhập nặm và kiến nghị đối với Dự án Cấp nước liên vùng Khu vực ĐBSCL do Hội CTN VN tổ chức tại Sóc Trăng, ngày 26/5/2016
1. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng cực Nam của Việt Nam, bao gồm một thành phố và 12 tỉnh. Tổng diện tích tự nhiên của vùng là 40.605 km2, dân số năm 2016 là gần 20 triệu người, chiếm 12% dân số và 20% tổng diện tích của cả nước. Với đóng góp 50% sản lượng lương thực hàng năm, gần 70% sản phẩm thủy sản xuất khẩu và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của đất nước, ĐBSCL giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Dự án được thực hiện tại 7 tỉnh và thành phố bao gồm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ là một phần của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (MDR) ở phía nam sông Hậu. Khu vực dự án có tổng dân số khoảng 9,4 triệu người vào năm 2016 và dự kiến sẽ đạt khoảng 9,7 triệu vào năm 2025.
Hiện nay dịch vụ cấp nước trong khu vực được các công ty Cấp thoát nước ở các khu đô thị và các Trung tâm Cấp nước và Vệ sinh Nông thôn ở các vùng nông thôn cung cấp. Việc sản xuất ước đạt khoảng 700.000 m3/ngày đêm và dự kiến đến năm 2025 nhu cầu nước sẽ tăng lên 1.500.000 m3/ngày đêm. Nguồn cung cấp nước trong khu vực chủ yếu là nước mặt và nước ngầm. Các tỉnh phía thượng nguồn chủ yếu sử dụng nước mặt từ sông Hậu và các nhánh sông, ở các tỉnh phía hạ lưu gần bờ biển (Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), nguồn nước mặt đã bị xâm nhập mặn và nước bị nhiễm phèn, hiện nay đang dựa hoàn toàn vào khai thác nước ngầm. Việc khai thác nguồn nước ngầm này vượt quá khả năng cấp bù dẫn đến suy giảm của mực nước ngầm, xâm nhập mặn và gây sụt lún đất.
Do tác động của biến đổi vấn đề cấp nước cho vùng này đã, đang và sẽ gặp nhiều khó khăn. Năm 2016 cho thấy nước mặn đã vào sâu đến 60 km đến 93 km và trực tiếp ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Trên sông Hậu, ranh giới mặn đã đi sâu vào trong đất liền khoảng 15-20 km so với những năm trước. Số liệu tương tự trên sông Cái Lớn là 5-10 km và sông Vàm Cỏ là 10-15 km.
Với các vấn đề nêu trên, sáu tỉnh này và thành phố Cần Thơ (sau đây gọi chung là các tỉnh) gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nước an toàn do:
(a) Những khó khăn trong việc mở rộng dịch vụ cấp nước đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng;
(b) Nguy cơ ngày càng tăng do các hệ thống cung cấp nước hiện tại (nước ngầm và nước mặt) không đáp ứng đủ nhu cầu do nguồn nước bị xuống cấp.
Trong bối cảnh này cùng với tác động của Biến đổi khí hậu, việc làm cần thiết là phải tìm nguồn cung cấp nước an toàn, bền vững hơn, đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo cung cấp cho 9,7 triệu dân (đến năm 2025) của 7 tỉnh này.
2. Dự án cấp nước an toàn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vay vốn ngân hàng thế giới:
Ngày 11/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục Dự án chuẩn bị dự án “Cấp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long”, vay vốn Ngân hàng Thế giới. Việc đàm phán Hiệp định cho khoản vay này được tổ chức vào ngày 29/4/2016.
Theo dự kiến hiện nay, dự án đầu tư giai đoạn 1 có tổng nguồn vốn đầu tư ước tính 440 triệu USD, trong đó: vốn vay WB 400 triệu USD, vốn đối ứng 40 triệu USD. Dự án được thực hiện trong tài khóa 2017 của WB, thời gian triển khai từ năm 2018 - 2023.
Trên cơ sở khảo sát thực địa chi tiết tại các địa phương và thu thập, cập nhật các số liệu có liên quan về hiện trạng, tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguồn nước… Tư vấn dự án đã nghiên cứu và đề xuất các phương án đầu tư hệ thống cấp nước đáp ứng nhu cầu đến năm 2025 cho khu vực Tây Nam Sông Hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Các kết quả nghiên cứu đến nay tư vấn đề xuất 3 phương án:
- Phương án cấp nước tập trung được đề xuất phù hợp với Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
- Phương án hệ thống cấp nước vùng kết hợp với khai thác nguồn nước ngầm tầng sâu tại chỗ.
- Phương án hệ thống cấp nước vùng kết hợp với xử lý nước mặn và nước lợ và hồ chứa.
Trong quá trình triển khai nghiên cứu các doanh nghiệp ngành nước trong vùng đã hỗ trợ tư vấn lập dự án đi thực địa, khảo sát chi tiết tại cơ sở của mình đồng thời tham gia có trách nhiệm trong các cuộc họp, hội thảo tư vấn về các phương án cấp nước. Một số ý kiến tham gia chủ yếu tập trung vào: Lựa chọn nguồn nước, phương án cấp nước (ưu tiên các vùng khó khăn thiếu nước, vùng bị nhiễm mặn, vùng sâu, xa), sử dụng hiệu quả các cơ sở vất chất hiện có (nhà máy, mạng lưới), trách nhiệm của các cơ quan có liên quan (Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, người dân), lộ trình thực hiện, mô hình quản lý vận hành, đặc biệt một vấn đề quan trong đó là Giá nước.
Hội Cấp thoát nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến dự án này. Lãnh đạo Hội đã tham gia các cuộc họp do Bộ Xây dựng tổ chức. Trong các cuộc họp, Hội đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cấp nước an toàn cho người dân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc lựa chọn các phương án cấp nước cũng như tổ chức triển khai thực hiện dự án. Các ý kiến của Hội được Lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá cao và đề nghị tư vấn lập dự án nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội CTN VN