Hải Phòng: Dân “kêu trời” vì nước sạch... nhiễm bẩn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2019 | 3:22:24 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Gần chục năm nay, hàng trăm người dân xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) liên tục “đội” đơn đến các cơ quan chức năng TP Hải Phòng kiến nghị về việc nhà máy nước minni cung cấp nước sạch trên địa bàn không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Nước sạch...nhiễm bẩn

Bà Nguyễn Thị Ngàn (SN 1949), thôn Đoài, xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) cùng hàng chục người dân khác trong xã Ngũ Phúc nhiều năm liên tục làm đơn gửi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng TP Hải Phòng, thậm chí cả Trung ương để kiến nghị về việc nhà máy nước mini đóng trên địa bàn xã cung cấp nước nhiễm bẩn.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Ngàn cho hay: Nhà máy nước sạch được đặt tại thôn Xuân Chiếng, ngay đầu kênh thủy nông của xã. Mọi nguồn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt đều đổ xuống kênh. Đặc biệt, đầu nguồn là khu vực chợ cá Tú Đôi, tiếp đến là bãi rác của xã Du Lễ rồi đến 2 trang trại chăn nuôi lợn của các hộ dân cũng đều xả ra kênh. Hệ thống nước đầu vào nhiễm bẩn như vậy liệu nước có bảo đảm? Khi mở vòi, chúng tôi thường xuyên thấy nước đen đục, để vài tiếng cặn đen, đất đá bám đầy đáy chậu.

Ngồi kế bên, bà Nguyễn Thị Luyến, 52 tuổi, người thôn Đoài bức xúc: Nghe tin được dùng nước sạch, chúng tôi mừng lắm và kêu gọi nhau bỏ tiền lắp ống dẫn nước về dùng. Nhưng thật sự không thể tin nổi, nước đục như nước mương lại toàn mùi hóa chất, không thể dùng được vì quá bẩn. Thường chúng tôi chỉ dùng rửa chân tay, rửa rau và tắm. Nhưng rồi tắm cũng ngứa mẩn đỏ, dị ứng hết người nên đành chỉ để rửa tay chân, hay vệ sinh chuồng trại.

Theo tìm hiểu, xã Ngũ Phúc có 7.000 nhân khẩu chia làm 5 thôn gồm: Đoài, Đông, Nghi Dương, Mai Dương, Xuân Chiếng với hàng nghìn hộ dân. Ban đầu, số hộ đăng ký dùng nước sạch do nhà máy nước mini cung cấp lên đến 90%. Nhưng chất lượng nước không bảo đảm, người dân không dùng nhiều thậm chí quay lại dùng nước giếng khoan và nước mưa nên hệ thống đường ống dẫn bỏ ngỏ.

  • Nhà máy nước xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) lấy nước từ hệ thống kênh cấp 1

Trường học mua nước sạch giá đắt

Bà Ngàn cho biết: Dân chúng tôi phải chịu cảnh dùng nguồn nước này từ rất lâu rồi, nhiều người mắc bệnh cũng từ đó mà ra. Nhưng già cả đã đành, chúng tôi chỉ lo cho con cháu, tương lai lâu dài mà dùng mãi nguồn nước này thì không biết sẽ ra sao. Trường mầm non của xã với hơn 400 cháu hằng ngày không biết ăn uống, sinh hoạt bằng nguồn nước nào?

Trước những băn khoăn của người dân, bà Phạm Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngũ Phúc cho biết: Nhà trường dùng nước cấp từ nhà máy mini để sinh hoạt, còn nấu và uống phải dùng nước mưa. Nhưng gần đây, do bể chứa nước mưa cạn, mùa mưa chưa tới nên phải đi mua nước sạch từ nhà máy nước Cầu Nguyệt thuộc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng để cung cấp nước nấu ăn và uống cho các con.

Trường Mầm non Ngũ Phúc có 416 cháu, để có đủ nước phục vụ ăn, uống của trẻ trong 1 tháng nhà trường phải mua 20 khối nước, với đơn giá mỗi khối là 78.500 đồng (giá bao gồm cả công chở). Và sẽ phải mua nước như này từ 3 - 4 tháng mới đến mùa mưa.

Cần giải “cơn khát”

Theo ghi nhận, không chỉ người dân xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) nghi ngại về chất lượng nước của các nhà máy nước mini, mà nỗi lo này cũng là của chung nhiều người dân các huyện ngoại thành của Hải Phòng như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, An Dương....

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Xuân Ban, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai cho biết: Chúng tôi có nhận được kiến nghị của người dân liên quan đến chất lượng nhà máy nước mini không bảo đảm. Nhưng nhiều lần đoàn kiểm tra liên ngành đến lấy mẫu nước mang về xét nghiệm thì kết quả cho thấy chất lượng nước vẫn đạt các tiêu chí quy định.

Trước những kiến nghị của người dân về việc muốn dùng nước của Công ty CP cấp nước Hải Phòng, ông Ban cho biết: Tại Nghị định 117 của Chính phủ quy định mỗi vùng chỉ được một nhà máy cấp nước và không được phép chồng lấn. Chính vì vậy, biết nguyện vọng của nhân dân là chính đáng nhưng chính quyền cơ sở cũng đang bị vướng bởi quy định này.

Ông Ban cho biết thêm, để giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân, TP Hải Phòng có chủ trương cấp nước cho nông thôn tương đương thành thị, tức là chất lượng nước theo quy chuẩn 01 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn, uống) của Bộ Y tế. Bởi nước mà các nhà máy nước mini đang cung cấp cho dân theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn chỉ đạt quy chuẩn 02 (nước sạch sinh hoạt).

Chính vì vậy, cơ quan chức năng đã hướng dẫn các địa phương rà soát lại các nhà máy nước mini, vận động họ hợp tác với nhà máy nước có chất lượng tốt hơn để phục vụ nhân dân. Hoặc thỏa thuận hạ tầng để phân phối nước cho nhà máy nước bảo đảm chất lượng.

Một số địa phương đã có sự thỏa thuận và thống nhất về hạ tầng, các phương án và điều kiện cấp nước sạch bảo đảm quy chuẩn tới người dân như xã Tân Dân (An Lão), Hoàng Động (Thủy Nguyên), Nam Hưng (Tiên Lãng).

Hiện, Hải Phòng còn 169 công trình cấp nước mini đang hoạt động trong khi TP đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn, uống (QCVN 01:2009, Bộ Y tế). Để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi TP sớm thực hiện những giải pháp đã đề ra để đáp ứng nguyện vọng bức thiết và chính đáng của người dân.

Nguyễn Dịu

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.