Sa Pa cạn kiệt nước sạch một phần là do thủy điện?
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2019 | 3:45:57 Chiều
(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Khoảng 1 tuần trở lại đây, thị trấn Sa Pa đang rơi vào cảnh thiếu nước từ đó đẩy giá mặt hàng này tăng cao hơn bình thường.
Theo người dân địa phương, gần như năm nào, Sa Pa cũng thiếu nước sinh hoạt vào thời điểm tháng 3, tháng 4. Nhưng năm nay, việc thiếu nước diễn ra trầm trọng nhất khi Chi nhánh cấp nước huyện Sa Pa, nguồn cung cấp nước chính đang bị cạn kiệt kéo dài. Với những hộ kinh doanh nhà nghỉ, không có nước sạch đã khiến việc kinh doanh ngừng trệ, không dám mở cửa đón khách.
Trao đổi với VietnamNet, anh Minh, chủ một khách sạn tại Sa Pa cho hay, việc thiếu nước xảy ra từ đầu tháng 3 nhưng khoảng hơn một tuần này thì bắt đầu nghiêm trọng hơn.
Mỗi ngày, nhà máy nước tiến hành bơm nước luân phiên theo khung giờ nhất định, tuy nhiên do nhu cầu quá lớn, nên nguồn cung cấp nước không đủ đáp ứng. Để có nước duy trì hoạt động kinh doanh, nhiều nhà hàng, khách sạn phải chấp nhận mua nước ngoài thị trường với giá cao “cắt cổ” từ 200-500 nghìn m3 nước sạch.
“Khách sạn tôi có 40 phòng, tiêu thụ mỗi ngày khoảng 30-40m3 nước. Hiện, để có nguồn nước sử dụng, tôi phải bỏ thêm rất nhiều chi phí để mua nước trên thị trường”, anh Minh nói.
Trong khi đó, anh Hùng, đại diện một khách sạn 5 sao tại Sa Pa cho biết, đơn vị anh vừa quyết định hủy đơn đặt phòng của khách trong dịp 30/4-1/5 vì không đủ nguồn nước sạch dự trữ. Quyết định này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là khi Sa Pa đang bước vào đợt cao điểm đón khách du lịch trong năm.
Theo người dân địa phương, hồ Thác Bạc, nguồn cung cấp nước chính cho Nhà máy nước Sa Pa, đã xuống dưới mực nước chết do nắng nóng kéo dài trong suốt những ngày qua, dẫn tới thực trạng thiếu nước sinh hoạt đang ngày càng trầm trọng.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chi nhánh cấp nước huyện Sa Pa (Công ty cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai) cho biết tình trạng thiếu nước vào mùa khô năm nay nặng nề hơn các năm trước do ít mưa. Một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ nhu cầu nước tại Sa Pa tăng nhanh so với các năm trước, do tình trạng đô thị hóa, lượng khách du lịch đông...
Ông Ngọc cũng cho biết hiện tại nguồn nước ở Thác Bạc cơ bản đã hết, chỉ phụ thuộc vào dòng chảy yếu tự nhiên. Hiện chi nhánh cấp nước cùng lãnh đạo UBND huyện Sa Pa đã tìm thêm giải pháp lấy thêm nước từ nguồn Suối Hồ bổ sung cho nhu cầu.
"Khi có thêm nguồn Suối Hồ, tình trạng thiếu nước từ bây giờ sẽ được khắc phục", ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, lý giải về nguyên nhân sâu xa khiến Sa Pa lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho rằng, một phần do thời tiết không có mưa, nhưng nguyên nhân khác còn do tình trạng nước ngầm bị suy giảm và ảnh hưởng từ các thủy điện.
"Việc suy cạn nước mặt ít nhiều có liên quan tới việc xây dựng các đập chứa hồ thủy điện. Khi xây dựng các đập thủy điện nguyên tắc số 1 là phải bảo đảm cung cấp đủ nước cho khu vực vùng hạ lưu. Tuy nhiên, vì vào mùa khô, cạn nước, các thủy điện tích nước để phát điện, chặn nguồn nước của dân khiến tình trạng thiếu nước khu vực hạ du càng thêm trầm trọng", vị PGS nói.
Nhấn mạnh vai trò của các thủy điện trong việc điều hòa nguồn nước, hạn chế ngập lụt và cung cấp nguồn nước vào mùa khô... nhưng PGS Phùng Chí Sỹ cho rằng, khi xây dựng thủy điện với mật độ quá dày, cùng với việc chặt phá rừng bừa bãi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế xã hội của người dân.
Vị chuyên gia lo ngại, hậu quả mà người dân Sapa đang gánh chịu là tác động điển hình nhưng chưa phải là tất cả. Hơn nữa, Sapa còn là một thành phố du lịch
Do đó, cần thực hiện nghiên cứu, so sánh giữa cái được và cái mất, phân tích thiệt hơn để cân nhắc nên giữ lại thủy điện hay nên xóa bỏ thì tốt hơn.
Theo đó, vị PGS kiến nghị giải pháp khắc phục đầu tiên là phải trồng lại rừng, tiếp đến là rà soát lại quy hoạch các thủy điện, phải xóa bỏ các dự án không phù hợp và chỉ giữ lại những thủy điện bảo đảm được lợi ích chung.
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.