Miền Trung gồng mình cứu lúa

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/6/2013 | 11:58:26 Sáng

Hạn kéo dài và mặn đến sớm bất thường, trước nguy cơ bỏ hoang hàng ngàn héc ta lúa vụ hè thu, chính quyền và người dân miền Trung gồng mình chống hạn, cứu lúa.

Trưa nắng như đổ lửa, đội thi công đập tạm ngăn mặn qua sông Vĩnh Điện vẫn không ngừng bơm cát từ tàu để lấp đầy lòng đê. “Chúng tôi làm cả ngày lẫn đêm để đáp ứng kịp tiến độ, bà con gần như tuyệt vọng vì đất đai bỏ hoang rồi” – ông Nguyễn Văn Dũng, đội trưởng đội thi công đê tạm nói.

Theo ông Dũng, đập tạm bắt đầu được khởi công từ giữa tuần trước, chắn ngang con sông Vĩnh Điện với mục đích đẩy mặn về phía hạ lưu nhằm cứu hàng ngàn ha đất đang khô hạn. Cả ngày lẫn đêm lúc nào cũng có 50 – 70 công nhân, dân quân tự vệ túc trực khẩn trương làm đập.

Ông Nguyễn Văn Đức – Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Điện Bàn cho biết, thời khắc quan trọng nhất là từ 16 giờ ngày 5 đến 2 giờ sáng ngày 6/6. Bởi theo tính toán, độ sâu của sông Vĩnh Điện là 7 – 8m, phải cắm cọc ít nhất vài mét.

Thời điểm khoảng nửa đêm ngày 6/6 là lúc thủy triều xuống thấp nhất, vì thế phải huy động toàn lực để ngăn sông. Khoảng 150 công nhân, dân quân cơ động của các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên đã được huy động cho đêm 5 rạng sáng 6/6. Vất vả nhất là đội thợ lặn, phải lặn sâu xuống 8m nước cắm cọc tiêu.

Theo Giám đốc Cty CPĐT Phú Quang Nguyễn Nho Lực, đơn vị nhận thi công đập tạm, cần ít nhất 1 tuần nữa để có thể hoàn thành, nhưng thời điểm này nông dân đã có thể thở phào vì vụ hè thu được cứu kịp thời.

“Chi phí làm đê tạm hết khoảng 1,7 tỷ nhưng chúng tôi tính toán, lợi nhuận bà con nông dân thu về là trên 30 tỷ cho hơn 2 ngàn ha lúa hè thu được kịp thời gieo sạ mà không lo bị nhiễm mặn” – ông Nguyễn Văn Đức cho hay – không chỉ nước tưới tiêu đồng ruộng mà vấn đề khó khăn nước sinh hoạt cũng tạm thời được giải quyết cho người dân 8 xã, 1 thị trấn và thành phố Đà Nẵng.

Nhờ trời và… thủy điện

Mặc dù con đập ngăn mặn ở sông Vĩnh Điện tạm thời giải quyết bài toán lúa cho gần 3 ngàn ha đất vụ hè thu, tuy nhiên theo ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, tình hình sẽ tiếp tục căng nếu nắng nóng kéo dài và thủy điện thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn tiếp tục xả nước cầm chừng để phát điện như hiện nay.

“Tình hình sẽ tiếp tục căng nếu nắng nóng kéo dài và thủy điện thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn tiếp tục xả cầm chừng, chủ yếu để phát điện như hiện nay”Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng

Ông Thắng thừa nhận, hiện nay chỉ còn biết nhờ trời đổ mưa và thủy điện chấp hành cam kết. “Đòi mãi rồi, bây giờ trông chờ ý thức chấp hành thôi”- ông Thắng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, độ mặn phía thượng lưu sau khi đập tạm chặn dòng chỉ còn 0,1 phần ngàn, trong khi hạ lưu là 19 phần ngàn. Con số cao chưa từng thấy. Nếu để độ nhiễm mặn 19 phần ngàn này tràn qua hệ thống bơm, xuống đồng ruộng thì hậu quả còn lớn hơn mất vụ hè thu nhiều.

Hai ngày trở lại đây, nước qua trạm bơm Tứ Câu đã đổ đầy về các cánh đồng ở Điện Bàn. Nông dân khẩn trương ra đồng gieo sạ. Chị Nguyễn Thị Lộc (thôn Ngân Giang, Điện Ngọc) cười tươi dưới mảnh ruộng ắp nước: “Thế là 5 sào ruộng đã được cứu, chúng tôi giờ yên tâm ra đồng gieo sạ”.

Theo Nam Cường/Tiền Phong, 11/06/2013
  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.