Dân chưa di dời, không tích được nước
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 8:26:34 Sáng
Chưa đồng ý về mức giá và diện tích đất đền bù ít hơn số diện tích đất thực tế bà con đang canh tác lâu nay, một số hộ dân trong vùng lòng hồ chưa di dời khiến Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 chưa thể tích nước.
Triển khai dự án Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 – Thanh Hóa, có 104 hộ dân thuộc diện phải di dời. Theo Quyết định số 4194 ngày 13/12/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định mức giá đền bù đất nông nghiệp trung bình 75 nghìn đồng/m2, đất ở dao động từ 120 – 200 nghìn đồng/m2, tùy từng vị trí.
Ông Phạm Bá Khửu ở thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung (huyện Bá Thước) – một trong số những hộ dân chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng – cho biết: Gia đình tôi có hơn 800m2 đất nông nghiệp, trong đó có cả đất 2 vụ lúa/năm, mỗi năm cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Theo mức giá đền bù hiện nay, gia đình tôi được khoảng 60 triệu đồng, mức giá này còn quá thấp. Ông Khửu lo lắng: “Khi đất nông nghiệp không còn, chưa biết phải bố trí cuộc sống mới thế nào?”.
Theo ông Nguyễn Văn Quy- Chủ tịch UBND huyện Bá Thước: “Đến cuối tháng 5/2013, còn 3 hộ dân thuộc diện phải di dời nhà đến khu tái định cư mới và 18 hộ dân ở bản Chiềng Ai, xã Hạ Trung thuộc diện đền bù đất nông nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. “Lý do là bà con không đồng ý với bộ đơn giá của UBND tỉnh quy định về mức giá đền bù” – ông Quy nói.
Ông Trương Hồng Bin- Chủ tịch UBND xã Hạ Trung: “Chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động và xem xét hồ sơ cụ thể từng trường hợp để giải quyết đền bù. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đang hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế nếu các hộ dân không di dời trong thời gian tới” |
Theo ông Lê Văn Đại – Phó giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa- việc lắp đặt 4 tổ máy đã cơ bản đã hoàn thành, nhưng lượng nước trên sông Mã mới được tích ở cao trình 37m. Do chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng nên việc tích nước đạt cao trình 41m theo đúng thiết kế vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, sản lượng điện mới đạt một nửa so với công suất thiết kế, gây thiệt hại cho chủ đầu tư.
Đang vào mùa mưa, việc tích nước cho thủy điện là rất cần thiết. Ông Lê Văn Đại mong muốn: “Các ngành chức năng địa phương sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng khu lòng hồ, để nhà máy tích nước đúng cao trình, nhằm đưa 4 tổ máy vào hoạt động ổn định theo thiết kế, phục vụ nhu cầu dùng điện trên hệ thống lưới điện quốc gia”.
Thực tế, ngoài chính sách hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với các hộ dân trong vùng lòng hồ dự án thủy điện Bá Thước 2, Công ty Hoàng Anh Thanh Hóa cũng đã có chính sách hỗ trợ đồng bào kinh phí vận chuyển đồ đạc từ nơi ở cũ đến khu tái định cư; hỗ trợ 15.000 đồng/m2 đất bãi bồi ven sông mà bà con tự khai hoang, trồng hoa màu.
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.