Phú Thọ: "Đắp chiếu" 25 công trình nước sạch tiền tỷ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 10:27:52 Sáng

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt ở những xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện miền núi Yên Lập (Phú Thọ), thông qua nhiều nguồn vốn khác nhau, các xã, thị trấn trong huyện đã được Nhà nước đầu tư cả trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sạch tự chảy phục vụ cho người dân vùng khó.

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, đến nay các công trình này đã xuống cấp trầm trọng và đang trong tình trạng “chết yểu” nằm phơi nắng, dầm mưa dưới tán rừng keo. Trong khi đó, người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Từ năm 2002 đến 2004, huyện miền núi Yên Lập đã được đầu tư hàng chục công trình nước sạch tự chảy ở 13 xã, thị trấn trong huyện với tổng kinh phí cả chục tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, hầu hết các xã đều không có cơ chế quản lý, nên công trình hư hỏng, khiến nhiều hộ dân ở đây đang lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ông Hoàng Tiến Quý, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Long cho biết năm 2002, Thượng Long được đầu tư xây dựng hai công trình nước sinh hoạt tự chảy tại thôn Ói Lốc và thôn Đồng Hù với tổng kinh phí lên tới hơn 1,3 tỷ đồng để phục vụ cho 540 hộ dân. Năm 2003, hai công trình này được bàn giao, đưa vào sử dụng, người dân hai thôn Ói Lốc và Đồng Hù vui lắm. Thế nhưng niềm vui của người dân mới được vài năm thì nước sạch ngừng chảy do hỏng bể lọc, bể chứa và đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về. Nhiều hộ trong thôn phải tự tìm nguồn nước để sinh hoạt.

Anh Triệu Phú Vi, nhà ở gần khu bể lọc công trình nước tự chảy thôn Ói Lốc cho biết công trình nước tự chảy có cũng như không. Đã hơn 2 năm nay, gia đình anh phải lấy nước suối về để sử dụng, bình quân mỗi ngày từ vài chục lít đến nửa khối. Mà nước suối chỉ để tắm giặt chứ nước đun nấu gia đình phải mang can đi xin hàng xóm…

“Bể thì trơ, van thì hỏng, đường ống thì bị dập nát, thậm chí đồng hồ đo nước cũng đã được người dân tháo ra treo trên gác bếp” - anh Vi nói.

Không riêng gì xã Thượng Long, phần lớn các xã được thụ hưởng chương trình nước sạch tự chảy đều rơi vào tình trạng có cũng như không.

Ông Triệu Văn Liên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nga Hoàng cho biết xã được đầu tư xây dựng hai công trình nước tự chảy nhưng đến nay hiệu quả sử dụng kém, một công trình mới được sửa chữa lại chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của 30 hộ dân còn lại một công trình đã “đắp chiếu” nhiều năm nay. Hay như công trình ở xóm Mơ thị trấn Yên Lập sau vài năm đi vào hoạt động, nguồn nước đã bị cạn kiệt, đập đầu nguồn bị rò rỉ, thấm nước, đường ống thép đầu nguồn bị tháo trộm dẫn đến công trình ngừng hoạt động nằm phơi nắng, dầm mưa dưới tán rừng keo xanh ngút... Trong khi đó, người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trong nhiều năm qua.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Lập, toàn huyện hiện có 25 công trình nước sạch tự chảy ở 13 xã, thị trấn trong huyện đã ngừng hoạt động cần được sửa chữa phục hồi và kiện toàn lại đơn vị quản lý vận hành.

Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo các xã cho rằng, việc quản lý hệ thống nước sinh hoạt ở các xã miền núi hiện nay vẫn là tình trạng “cha chung không ai khóc”, Nhà nước đầu tư tiền của nhưng không ràng buộc cơ chế quản lý nên các địa phương hết sức lúng túng khi đề ra các quy định quản lý, xã muốn thu tiền các hộ dùng nước để thực hiện duy tu sửa chữa khi hỏng hóc nhưng nhiều hộ dân không đóng.

Ông Phùng Mạnh Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Long cho biết ở các khu được thụ hưởng chương trình nước sạch tự chảy, xã giao cho khu tự điều hành và ra quy chế hoạt động. Mỗi khu thành lập một tổ vận hành quản lý và thu phí từ 200-300 đồng/m3 để lấy tiền đó chi cho công tác quản lý sửa chữa nhưng hầu hết dân không đóng tiền nên khi hư hỏng không có kinh phí để sửa chữa...

Theo ông Đào Kim Phương, Phó phòng Nông nghiệp huyện Yên Lập, nguyên nhân ngừng hoạt động chủ yếu do đường ống đầu nguồn bị lũ cuốn trôi, nhiều đoạn ống bị bục vỡ, hỏng bể lọc bể chứa, van khu xử lý bị hỏng, bể lọc bị tắc, bể chứa bị xuống cấp rò rỉ nước… Có những công trình xây xong chưa kịp bàn giao đã cạn nguồn nước như công trình xóm Mít thị trấn Yên Lập; công trình ở khu Lèn xã Đồng Thịnh phải “đắp chiếu” do van đầu nguồn bị hỏng, tuyến ống dẫn nước đầu nguồn vào các khu xử lý đều bị hỏng...

Mặt khác, là do chính quyền địa phương và người dân thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng. Đặc biệt nhiều người dân chưa được hưởng lợi đã cố tình gây hư hỏng bể chứa, hệ thống đường ống. Việc hệ thống công trình nước tự chảy trên địa bàn huyện bị xuống cấp, hư hỏng đang là vấn đề rất nan giải đối với huyện và cần phải khắc phục ngay tình trạng “cha chung không ai khóc” tại cơ sở địa phương, có như vậy các công trình này mới có thể hoạt động thường xuyên và liên tục.

Năm 2012, bằng nguồn vốn từ chương trình 134, huyện Yên Lập đã sửa chữa 8 công trình với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng đảm bảo đủ nguồn nước cho các hộ dân các xóm, bản động vùng cao của 6 xã là Xuân Thủy, Xuân Viên, Thượng Long, Mỹ Lương, Mỹ Lung và Phúc Khánh. Hiện vẫn còn rất nhiều hộ dân của 25 khu có công trình nước tự chảy đang “đắp chiếu” thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, đơn vị cũng đã có kế hoạch khắc phục, đồng thời đề nghị cấp trên giải quyết những hư hỏng của 25 công trình này.

Trong khi các công trình được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng đang trong thời gian “chết yểu” chờ được sửa chữa thì người dân các xóm, bản được hưởng lợi đang thiếu nước sạch sử dụng. Thiết nghĩ, người dân và chính quyền địa phương nên xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên nước, người sử dụng nước phải thực hiện trả tiền với một mức hợp lý để họ ý thức hơn nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên, mặt khác đây cũng là nguồn thu quan trọng để duy trì hoạt động duy tu bảo dưỡng hệ thống.

Trước khi xây dựng một công trình nước sạch sinh hoạt, yêu cầu chính quyền phải xây dựng được một quy chế quản lý và có sự cam kết của người dân về trách nhiệm sử dụng, địa phương nào chưa làm được thì chưa đầu tư vì nếu có đầu tư mà không có quy chế quản lý sử dụng thì hệ luỵ của những công trình này vẫn còn kéo dài, thậm chí có nguy cơ “chết yểu” nhiều hơn, vừa lãng phí tiền của vừa lãng phí tài nguyên.
(TTXVN)
  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.