Nguy cơ đáng lo: dân TP.HCM thiếu nước sạch

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/10/2019 | 9:24:57 Sáng

Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết hiện TP.HCM trung bình 5 năm tăng 1 triệu dân. Trong khi đó, "TP vẫn không có bể trữ nước để phân phối, chủ yếu dẫn nước trực tiếp từ nhà máy đến các hộ...".

 
Công nhân Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Định sửa chữa ống nước trên đường Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận - Ảnh: NGUYỆT NHI
 
Cần xây dựng hồ trữ nước thô, đầu tư thay mới ống dẫn nước chất lượng, khuyến khích tư nhân vào đầu tư sẽ giúp TP.HCM đảm bảo an toàn nguồn nước sạch trong thời gian tới.

Các hiến kế trên được đưa ra tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân - Khuyến nghị cho TP.HCM trong giai đoạn 2019 - 2035" do UBND TP.HCM tổ chức ngày 27-9.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước thô

Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá hiện TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao, trung bình 5 năm TP tăng 1 triệu dân. Do đó, việc có đủ nước sạch để người dân sử dụng trong tương lai là một thách thức lớn.

Theo ông Hoan, những năm qua TP có nhiều nỗ lực, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 100% người dân tiếp cận và sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển. Nguồn nước thô đầu vào từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Do nằm ở hạ lưu nên TP.HCM không thể kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thô đầu nguồn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm nguồn nước sông bị xâm nhập mặn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn nguồn nước là rất cao.

Chia sẻ thêm về những bất cập, tồn tại trong công tác cung cấp nước sạch ở TP.HCM, ông Hoan cho biết hiện hệ thống hạ tầng chuyển nước được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều đường ống xây dựng đã lâu chưa được cải tạo.

Cũng theo ông Hoan, chính hệ thống đường ống quá cũ, có ống hơn 50 năm dẫn đến tỉ lệ thất thoát nước cao, chất lượng nước sạch giảm.

"TP vẫn không có bể trữ nước để phân phối, chủ yếu dẫn nước trực tiếp từ nhà máy đến các hộ dân. Vì vậy, có thực trạng chất lượng nước ở nhà máy có thể dùng ăn uống trực tiếp, nhưng khi qua ống dẫn đến với các hộ dân thì không đạt chỉ tiêu, chất lượng. Thời gian lưu nước trên hệ thống dài gây lắng cặn trong ống dẫn" - ông Hoan dẫn chứng thêm.

Nhằm giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cho biết TP đang quyết tâm kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống thấp hơn nữa (hiện tỉ lệ thất thoát là 23,31%).

Cấp bách quy hoạch ngành nước

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý ngành nước quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế cho TP trong việc cung cấp nước sạch.

Ông Paul Smith - trưởng ban hợp tác quốc tế Hội nước Úc - nói: "Muốn đảm bảo an ninh nguồn nước thì TP.HCM cần phải xây dựng nhiều đập chứa nước thô lớn. Đồng thời cần khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư cung ứng nước, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng".

Theo ông Paul Smith, những giải pháp trên được xem là sự chủ động cho an toàn nguồn nước được quốc tế học tập và áp dụng hiện nay. Ngoài ra, ông Paul Smith cũng cho rằng cần thay đổi và cải tiến ngành nước liên tục thông qua cơ chế cạnh tranh. Bởi trong bất cứ ngành nào cũng cần có sự minh bạch để cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp.

"Các TP cần suy nghĩ quy trình tuần hoàn nước để tái sử dụng nước, và cần phác thảo khung quản lý rủi ro để quản lý tốt hơn chất lượng nước" - ông Paul Smith nói.

Còn ông Arnold Jether - Công ty Manila Water (Philippines) - cho biết Manila cũng trải qua nhiều giai đoạn xây dựng hệ thống ống dẫn nước khác nhau. Thủ đô Manila cũng thực hiện hợp tác công tư để phát triển cung cấp nguồn nước cho người dân. Hiện nay, tỉ lệ thất thoát nước của Manila chỉ còn 10%.

Về giá nước, dựa trên nhu cầu khách hàng, công ty đưa ra chi phí cần thiết cung cấp các dịch vụ. Từ đó xây dựng kế hoạch tài chính để đầu tư hạ tầng nhằm đưa ra giá bán nước. Cứ 5 năm, giá nước lại được điều chỉnh một lần.

Ông Sytze Jarigsma - giám đốc dự án thường trú của Chương trình hỗ trợ chuyên ngành cấp nước Hà Lan - đề xuất TP cần xây dựng hồ chứa để dự trữ nước thô song song với việc sử dụng hồ có sẵn như hồ Dầu Tiếng, Trị An. Cụ thể hơn, ông Sytze Jarigsma cho rằng TP cần xây thêm hồ trữ nước đủ cho một ngày vận hành các nhà máy phía tây nam và hồ chứa đủ nước hoạt động 20 ngày trên sông Sài Gòn.

"Hiện nhà máy nước cách trung tâm TP khá xa, hệ thống dẫn nước không đồng đều, cũ. TP cần thay đổi ống nước tốt, lưu tâm các chỗ nối, từ đó hạn chế thất thoát, nâng chất lượng nguồn nước" - chuyên gia Hà Lan nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, ông Võ Văn Hoan khẳng định việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để cung cấp nước sạch trong tương lai rất cấp bách và quan trọng. Cung cấp nước sạch thì nguồn nước phải sạch, TP phải kết hợp với các địa phương giữ gìn nguồn nước có chất lượng. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng đang đứng trước biến đổi khí hậu, nên cần sớm có giải pháp.

"Các quốc gia có ý thức sử dụng tiết kiệm nước, tái tạo vòng nước. Mình chưa tái tạo được nên đang lãng phí tài nguyên. Người dân vẫn chưa xây dựng ý thức tiết kiệm nước. Quy hoạch phải gắn với xử lý nước thải, phải quy hoạch vùng, phải sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm mới mang lại hiệu quả" - ông Hoan nói.
 
Ông Trần Anh Tuấn (phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng): Xây dựng Luật cấp nước
Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ sớm có kiến nghị đề án xây dựng Luật cấp nước nhằm quản lý, vận hành công tác cung cấp nước sạch. Sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang ô nhiễm, nhiễm mặn nên TP.HCM cần có hệ thống hồ trữ nước thô.
Ông Lê Hòa Bình (giám đốc Sở Xây dựng): Rà soát quy trình cấp nước
Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ cùng nhóm chuyên gia nước ngoài nghiên cứu và xây dựng lại quy hoạch cấp nước. Ngoài ra, sở cũng kiểm tra các hồ chứa, ống dẫn nước, rà soát quy trình xử lý, cung ứng nước. Sở sẽ áp dụng công nghệ dò tìm các điểm rò rỉ, hư hỏng ống dẫn truyền tải nước nhằm giảm tỉ lệ thất thoát nước.

(Theo Tuổi trẻ Online)

 

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.