Nếu Hải Phòng không bảo vệ tốt nguồn nước từ các dòng sông thì khó có nguồn nước thay thế để phục vụ hơn 2 triệu dân đang sinh sống tại thành phố này.
Tại Hải Phòng, các con sông lớn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước gồm: sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng. Hiện tại, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng là doanh nghiệp cung ứng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh lớn nhất Hải Phòng, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của toàn thành phố.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng, nguồn nước tại các con sông, kênh lớn đều có những điểm có nguy cơ ô nhiễm cao như: sông Rế có 41 điểm, dọc trục sông Đa Độ có 20 điểm, sông Giá và sông Hòn Ngọc có 8 điểm, kênh Chanh Dương, Ba Đồng có 7 điểm.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân tạo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước gồm: rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, chất thải chăn nuôi, nước thải từ nông nghiệp, xăng dầu.
Trong năm 2019, Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng kiểm soát khoảng 1.700 mẫu nước thô, trong đó về mùa mưa các mẫu nước thô thường có một số chỉ tiêu không đạt theo quy chuẩn và đang có chiều hướng gia tăng như các hợp chất hữu cơ, amoni, nitrit, mangan, vi khuẩn.
Ngoài các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước từ sinh hoạt thì biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn cũng tác động không nhỏ đến chất lượng nước thô tại Hải Phòng.
Vẫn theo báo cáo của Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng, năm 2018 do mùa mưa kết thúc sớm và đến muộn nên đã gây ra hiện tượng cạn kiệt, thiếu nước ở đảo Cát Bà, huyện Cát Hải. Đó là năm đầu tiên Cát Bà bị thiếu nước, mặc dù lượng mưa trung bình năm ở đây khá lớn. Bên cạnh đó, hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp. Tháng 11/2019, độ mặn tăng cao tại tất cả các hệ thống thủy lợi tại Hải Phòng.
Để bảo vệ nguồn nước thô phục vụ sinh hoạt tại Hải Phòng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng Cao Văn Quý đề xuất một số biện pháp như: quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất trong lưu vực các nguồn nước, tránh phát sinh các điểm ô nhiễm mới; di dời các bãi rác, nghĩa trang dọc các dòng sông; từng bước thu gom, xử lý nước thải nông thôn, trước mắt tập trung vào các khu dân cư dọc các dòng sông; tu bổ bờ kè, giải tỏa lấn chiếm các kênh, mương thủy lợi; sửa chữa, xây dựng bổ sung cống ngăn giữa các tuyến kênh, mương để ngăn nước thải, điều tiết tưới tiêu; hoàn thiện và xây mới các hồ chứa đủ lớn để điều hòa giữa mùa mưa và mùa khô; kiểm soát chặt chẽ độ mặn tại các cửa cống lấy nước vào hệ thống thủy lợi.
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho biết, từ năm 2013, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành nghị quyết riêng về bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, do một số bất cập trong quy hoạch và tồn tại từ trước đó nên vẫn tiếp diễn tình trạng tại một số điểm, nước sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi vẫn đổ thẳng ra sông.
Hải Phòng hiện có 9 khu công nghiệp thì đã có 8 khu có hệ thống xử lý nước thải. Còn 1 khu công nghiệp đang chờ cấp phép hoạt động nên sẽ xây dựng khu vực xử lý nước thải sau. Việc quản lý nước thải, chất thải tại 39 làng nghề tự phát là một trong những thách thức lớn đối với việc quản lý nước thải tại những điểm này. Hiện tại, đã có làng nghề Tràng Minh, quận Kiến An và làng nghề Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, được cấp kinh phí để triển khai thí điểm xây dựng trạm xử lý nước thải.
Về lâu dài, ông Trần Văn Phương đề xuất thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các làng nghề. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kết hợp với các ngành liên quan để quản lý chặt chẽ việc cấp phép xả thải, cắm mốc bảo vệ tài nguyên nước, xây dựng hệ thống bờ kè để hạn chế nước thải trực tiếp từ môi trường vào các dòng sông.
Một giải pháp mà tại các hội nghị liên quan đến bảo vệ nguồn nước ngọt của Hải Phòng nhiều đại biểu đều đồng tình và đề cập, đó chính là sự chung tay, góp sức của cộng đồng trong giữ gìn, bảo vệ môi trường sống nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng.
"Tất cả nguồn nước sinh hoạt của thành phố Hải Phòng đều dựa vào các dòng sông, con kênh. Nếu mỗi người không nâng cao ý thức tự bảo vệ nguồn nước, đến thời điểm nhất định, việc xả thải vào các con sông vượt ngưỡng thì người bị ảnh hưởng trực tiếp, đầu tiên không ai khác mà là chính chúng ta." - ông Trần Văn Phương nhấn mạnh.
Theo TTXVN