Đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân tỉnh Tuyên Quang
- Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2022 | 4:06:56 Chiều
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (lần thứ XVII), nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu, đến năm 2025, trên 99% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Tuyên Quang là địa phương có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với mạng lưới sông, suối khá dày đặc và chế độ thủy văn của sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Ngoài ra, địa phương còn có trên 500 sông ngòi nhỏ và trên 2.000 ao hồ có ảnh hưởng lớn đến nguồn nước mặt, nước ngầm. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang luôn đẩy mạnh giải quyết các vấn đề về bảo đảm nguồn nước cho người dân.
Về cấp nước đô thị:
Với vai trò chủ đạo trong khai thác, điều tiết, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân đô thị, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang đầu tư, nỗ lực vận hành, khai thác, cung cấp nguồn nước sạch phục vụ nhân dân khu đô thị.
Trạm khai thác xử lý nước mặt Minh Xuân ,TP Tuyên Quang được đưa vào vận hành từ tháng 1-2019 đã bổ sung 1 lượng lớn nước vào hệ thống cấp nước sạch của thành phố.
Theo anh Trần Quang Hải, đội trưởng đội vận hành, đây là địa bàn tập trung đông dân cư sinh sống và nhiều cơ quan, đơn vị. Do vậy để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng, công ty đã đầu tư xây dựng trạm khai thác, xử lý với công suất lớn nhất hiện nay là 5.000 m3/ngày, đêm. Nguồn nước thô được bơm từ sông Lô lên hệ thống bể lắng và được xử lý đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định trước khi hòa vào hệ thống cấp nước sạch của thành phố. Theo anh Hải, đây mới chỉ là giai đoạn 1, giai đoạn 2 trạm sẽ nâng công suất lên gấp đôi để đáp ứng tốt hơn, đầy đủ hơn nhu cầu sử dụng nước của người dân thành phố Tuyên Quang.
Các tuyến ống thép cũ trên mạng cấp nước, máy móc thiết bị tại trạm khai thác nước km 7, xã Trung Môn (Yên Sơn) cũng đã được thay thế để đảm bảo cho việc cấp cũng như chống thất thoát nước trong quá trình vận hành. Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang cho biết, công ty hiện quản lý 30 trạm khai thác và 12 công trình cấp nước sạch nông thôn, với tổng công suất khai thác thiết kế là 30.900 m3/ngày, đêm; hiện năng lực khai thác thực tế khoảng 27.800 m3, đạt gần 90% công suất thiết kế. Với lượng nước khai thác đã đảm bảo cung cấp nước 24/24 giờ thay vì luân phiên 1/2 ngày như trước đây tại các khu vực thành phố Tuyên Quang, thị trấn các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và Na Hang. Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 97%, trong đó khu vực nội thị thành phố Tuyên Quang đạt tỷ lệ 98,8%; thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) 97,8%; thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) đạt 97,7%...
Đầu tư cơ sở hạ tầng, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn nước cũng được công ty đặc biệt quan tâm. Các chỉ số, hàm lượng vi chất được kiểm nghiệm nghiêm ngặt, đảm bảo các yêu cầu chất lượng nước theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Chị Kiều Thị Thúy Ngân, tổ 31, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, chất lượng nước được đảm bảo, nước cũng được cung cấp cả ngày, đêm nên rất thuận lợi cho người dân. Tình trạng mất nước đột xuất gần như không còn.
Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng nước máy khai thác trên 49 triệu m3, sản lượng nước máy tiêu thụ 38 triệu m3, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang đã có kế hoạch rà soát các vùng ven, nắm bắt nhu cầu, mở rộng các trạm khai thác, đấu nối đường ống nâng cao hơn nữa tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch. Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, thời tiết diễn biến bất thường là những khó khăn, thách thức cho việc cung cấp nước sạch tại đô thị. Bởi vậy, cùng với nỗ lực của đơn vị khai thác, mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cần nêu cao ý thức, trách nhiệm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước bền vững .
Về cấp nước nông thôn:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 82 công trình cấp nước nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, với trên 9.600 hộ sử dụng. Để phát huy hiệu quả các công trình, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, Trung tâm luôn quan tâm nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình.
Công trình cấp nước tập trung thôn Cây Chanh 1, Cây Chanh 2, xã Đức Ninh (Hàm Yên) đi vào hoạt động từ năm 2019, với 140 hộ thuộc 2 thôn và thôn Cây Xoan sử dụng. Đến nay, số hộ đăng ký sử dụng đã tăng lên 150 hộ thuộc 3 thôn. Anh Hoàng Đức Huân, cán bộ quản lý công trình cấp nước tập trung thôn Cây Chanh 1, Cây Chanh 2 cho biết, hằng ngày, công trình cấp nước vào các khung giờ từ 10-12 giờ trưa và từ 17-19 giờ tối. Qua thời gian quản lý, vận hành công trình, chất lượng nước bảo đảm, người dân có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt đều rất phấn khởi và yên tâm.
Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Cây Chanh 2 nói, gia đình anh sử dụng nước máy của công trình từ năm 2019 đến nay. Trước đó, nhà anh sử dụng nước giếng khoan, nước có hôm rất đục, không bảo đảm vệ sinh. Vì vậy, được sử dụng nguồn nước sạch, mọi người đều cảm thấy yên tâm, nhất là trong sinh hoạt, nấu ăn, bảo đảm cho sức khỏe các thành viên trong gia đình. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh sử dụng hết khoảng 70-80 nghìn đồng tiền nước, phù hợp với mức thu nhập của gia đình.
Theo anh Nguyễn Đình Tâm, Trưởng Ban Quản lý khai thác các công trình cấp nước nông thôn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, trong số 82 công trình cấp nước tập trung do Ban quản lý, có 62 công trình hoạt động bền vững và hoạt động trung bình trở lên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Ban đã thành lập tổ quản lý và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ trực tiếp quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng của các công trình. Hiện toàn tỉnh có 45 cán bộ hợp đồng quản lý công trình. Các cán bộ được tham gia khóa đào tạo vận hành hệ thống cấp nước và kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ trình độ sơ cấp; thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt được giao theo đúng quy định. Do đó, bảo đảm phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn còn tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tiêu biểu như sử dụng phần mềm quản lý khách hàng, đọc chỉ số đồng hồ qua các thiết bị di động; phần mềm quản lý mạng nước. Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cho các học viên là thành viên của các tổ quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Anh Quan Văn Mình, Tổ trưởng Tổ quản lý công trình xã Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, Tổ hiện có 6 thành viên thực hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng 4 công trình cấp nước tập trung tại các thôn trên địa bàn xã. Tổng số hộ sử dụng nước sạch từ các công trình là 1.200 hộ. Để nâng cao chất lượng quản lý các công trình, các thành viên trong tổ đều ứng dụng phần mềm quản lý khách hàng, đọc chỉ số đồng hồ qua các thiết bị di động và phần mềm quản lý mạng nước. Nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, khai thác, sử dụng các công trình, góp phần nâng tổng số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện lên 90%.
Nhờ khai thác và phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh hằng năm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh chiếm 90,5%, đến nay đã nâng lên 95%. Qua đó, bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương./.
Hạ Vân
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.