Giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô Hà Nội
- Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2022 | 4:06:55 Chiều
Giải pháp đề xuất là lấy nước từ hồ Hòa Bình, dẫn về các hộ dùng nước trên toàn TP. Hà Nội, tận dụng các công trình hạ tầng nước đã có sẵn, với phương thức cấp nước mới.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nước đã trở thành một yếu tố thực sự cấp bách trong đời sống của nhân dân Thủ đô thời gian qua. Đặc biệt là nước môi trường các sông, nước sạch và nước tưới vụ đổ ải đông xuân rất khó khăn trong cấp nước thường xuyên. Đáy hệ thống sông Hồng ngày càng bị hạ thấp làm mực nước mặt trên sông xuống rất thấp, mực nước ngầm cũng hạ thấp và hầu như phải dùng bơm là chính càng khó khăn hơn. Môi trường sông hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải các nguồn khác nhau và sự tù đọng của các ao hồ. Nguy cơ thiếu nước và khó khăn trong khai thác và ô nhiễm môi trường cho Thủ đô ngày càng trầm trọng đã thực sự hiện hữu.
Việt Nam lâu nay chưa có một nghiên cứu khai thác trực tiếp nguồn nước từ hồ Hòa Bình để cấp cho hạ du mà hồ chỉ phát điện là rất đáng tiếc. Nhu cầu dùng nước tự chảy của các hộ phía hạ du hồ đến hàng tỷ m3 nước một năm. Với lượng nước chứa trong hồ Hòa Bình và luân chuyển các hồ khác ở thượng lưu Hòa Bình rất lớn, đủ cấp cho đa số các khu vực trong vòng 100 km và cấp nguồn bổ sung, dự trữ ngay tại khu vực sử dụng nước bằng các công trình hiện có, đây là cơ sở thực hiện giải pháp cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình.
Địa hình từ hồ về khu vực Thủ đô Hà Nội thoải dần, tuy đồi núi có địa hình phức tạp, nhưng có khả năng xây dựng tuyến dẫn nước thuận lợi với chi phí hợp lý.
Nội dung chính của đề xuất là:
Lấy nguồn nước của sông Đà ngay trong hồ Hòa Bình với cột nước cao, trực tiếp chuyển lượng nước này về Thủ đô Hà Nội để cấp nước một cách tổng hợp: Nước cho môi trường sông hồ, nước cho sinh hoạt và nước cho nông nghiệp khu vực chính của Thủ đô Hà Nội.
Đảm bảo cho sự phát triển lâu dài về an ninh nguồn nước là sử dụng nguồn nước hồ Hòa Bình và sông Đà là chính để cấp nước cho toàn bộ nhu cầu nước ở Hà Nội và mở rộng đến một số tỉnh Bắc bộ.
Hà Nội là một TP lớn, là Thủ đô của một Đất nước, có gần 10 triệu dân sinh sống, là trung tâm kinh tế chính trị cả nước, đáng được hưởng phương thức cấp nước trực tiếp đó.
Tìm một tiếng nói chung về giải pháp khoa học kinh tế - kỹ thuật cấp nước trực tiếp từ nguồn nước lớn từ hồ Hòa Bình cho Thủ đô với kinh phí hợp lý là yêu cầu thiết thực.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu là các hộ dùng nước của toàn bộ TP. Hà Nội đến năm 2030; Hồ Hòa Bình khả năng cấp nước và chất lượng nước cho dân sinh - kinh tế khu vực Hà Nội.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Lượng nước sử dụng của Hà Nội hàng năm đến năm 2030;
Dựa vào bài toán nhu cầu nước của toàn TP ở 3 hộ dùng nước chính là:
Nước sinh hoạt cho từ 10 triệu người x 150 lít/người/ngày, xấp xỉ 600 triệu m3/năm; Nước nông nghiệp cho 125.000 ha x 12.000 m3/ha/năm, hết khoảng 1,65 tỷ m3/năm và cấp theo nhu cầu tháng; Nước cho môi trường các sông Hà Nội mỗi tuần luân phiên nước một lần trong vòng 9 tháng (trừ tháng 6, 7, 8 mùa mưa) 40 tuần, mỗi tuần 30 triệu m3 cho toàn bộ sông hồ Hà Nội.
Tổng lượng nước yêu cầu và khả năng cấp phải bằng nhau, được biểu thị ở Bảng 1. Phương pháp dẫn nước từ hồ Hòa Bình để chuyển nước đến các hộ sử dụng một cách khoa học và thuận lợi nhất, với giá thành hợp lý nhất.
2.3. Kết quả nghiên cứu
Thực tiễn các phương thức cấp nước hiện nay của Hà Nôi: Cấp nước lạc hậu, manh mún, bằng hàng trăm trạm bơm nhỏ cho các ngành một cách độc lập, riêng lẻ. Khoan nước ngầm nguy cơ lún, mất ổn định nền móng của TP. Bên cạnh đó, cấp nước cho nông nghiệp Hà Nội hiện nay phụ thuộc nhiều vào việc xả nước của các trạm thủy điện, trong đó chủ yếu từ hồ Hòa Bình.
Nguồn nước cho các sông hồ bị thiếu hụt hàng năm làm cho các phân lưu của sông Hồng trên địa bàn Hà Nội bị trơ đáy, không có dòng chảy thường xuyên, tạo cho sông hồ thành ao tù, nước đọng vừa mất vệ sinh, mỹ quan và ảnh hưởng đến việc lấy nước phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong vùng.
Phương pháp nghiên cứu dựa vào bài toán nhu cầu nước hàng năm của khu vực Hà Nội. Xem xét khả năng cung cấp nguồn nước cho vùng một cách chủ động tiện lợi được bao nhiêu. Từ đó, bổ sung nguồn nước từ hồ Hòa Bình kết hợp với hạ tầng của khu vực để thực hiện chức năng cung cấp nước cho toàn bộ khu vực Hà Nội.
Tìm biện pháp dẫn nước từ hồ Hòa Bình về Hà Nội với lượng nước hàng năm, lưu lượng thiết kế, tuyến dẫn hợp lý nhất về khối lượng và kinh phí đầu tư.
3. MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU TÍNH TOÁN VÀ PHƯƠNG PHÁP SUY LUẬN
Bài toán tính bổ sung nguồn nước yêu cầu từ hồ Hòa Bình dựa vào việc cân bằng sơ bộ nguồn nước từ nhu cầu nước sinh hoạt, nông nghiệp và nhu cầu nước cho sông hồ Thủ đô.
3.1. Nhu cầu sử dụng nước Hà Nội đến năm 2030
Phương pháp cấp nước hiện trạng: Gần như bơm ở các sông Hồng và các giếng nước ngầm là chính.
- Cấp nước Nông nghiệp: Chủ yếu dùng các trạm bơm từ sông Hồng lên các sông nhánh, từ sông nhánh lên đồng ruộng. Phải bơm nhiều cấp mới đưa nước đến được nơi cần sử dụng nước. Đặc biệt, giai đoạn đổ ải hàng năm phải xả nước từ Nhà máy thủy điện, trong đó chủ yếu hồ Hòa Bình từ 5 - 7 tỷ m3, trong khi đó Hà Nội chỉ sử dụng được trong vòng 300 triệu m3 ở giai đoạn đổ ải cho Thủ Đô, gây lãng phí nguồn nước.
- Cấp nước sinh hoạt: Hoàn toàn dùng bơm từ các sông: Đà, Hồng, Đuống và các giếng bơm nước ngầm. Trong đó, nguồn nước lấy từ sông Đà chỉ đạt ¼ lượng nước dùng (80 triệu m3/năm), mà nước ngầm, nước sông Hồng chất lượng nước không được tốt, cần phải xử lý với chi phí tốn kém.
- Cấp nước môi trường cho các sông hồ Hà Nội chưa có quy hoạch cấp còn phụ thuộc chủ yếu về thời tiết.
- Kế hoạch hàng năm xả phát điện phục vụ cho đổ ải là 6 tỷ m3 nước. Nếu chỉ lấy nước cho các khu vực khác trừ Hà Nội, chỉ yêu cầu xả nhỏ hơn 3 tỷ m3/kỳ đổ ải là đủ khả năng lấy nước đổ ải cho các tỉnh Bắc bộ.
Hiện nay, cấp nước cho Thủ đô của toàn bộ khu vực xấp xỉ 650 triệu m3/năm. Nguồn nước thiếu để cấp nước tổng hợp các ngành là 3 tỷ m3 sẽ được dùng từ hồ Hòa Bình.
3.2. Quy hoạch sơ bộ sử dụng nước của Hà Hội đến năm 2030
a) Nước cho nhu cầu sinh hoạt
Tổng cộng: 600 triệu m3/năm, bờ hữu sông Hồng 400 triệu m3/năm, bờ tả 200 triệu m3/năm.
b) Nước cho nhu cầu môi trường: 1,450 tỷ m3
Toàn bộ sông hồ Hà Nội: 1,20 tỷ m3/năm cho toàn bộ sông hồ nội, ngoài thành Hà Nội với việc giữ nguyên mực nước yêu cầu, cấp luân phiên trong năm theo nhu cầu thực tế của các sông hồ.
c) Nước cho nhu cầu nông nghiệp: Toàn bộ diện tích nông nghiệp cần tưới là 125.000 ha, yêu cầu 1,65 tỷ m3 nước/năm. Về cơ bản Quy hoạch thủy lợi dựa vào Quyết định số 4673 ngày 18/10/2012 của UBND TP. Hà Nội. Chỉ khác nội dung thay thế cấp nguồn từ hệ thống sông Hồng sang hồ Hòa Bình là chính, kết hợp với một số phương thức cấp nước hiện nay, duy trì độc lập, ít phụ thuộc vào mực nước sông Hồng.
Bảng 1: Tổng hợp sơ bộ quy hoạch sử dụng nước những năm 2030
(Diện tích nông nghiệp, nhu cầu các hộ dùng nước: Sinh hoạt, môi trường và nông nghiệp trong năm, cấp độc lập, cấp từ hồ Hòa Bình)
TT |
Nhu cầu / vực |
Tổng diện tích (ha) |
Lượng nước yêu cầu hàng năm (triệu m3) |
||
Lượng nước cấp (triệu m3) |
Cấp độc lập |
Cấp từ hồ Hòa Bình |
|||
(triệu m3) |
(triệu m3) |
||||
I |
Nước sinh hoạt |
600 |
100 |
500 |
|
Bờ hữu |
400 |
400 |
|||
Bờ tả |
200 |
100 |
100 |
||
II |
Cấp nước Môi trường |
1.450 |
250 |
1.200 |
|
Bờ hữu |
1.200 |
200 |
1.000 |
||
Bờ tả |
250 |
50 |
200 |
||
III |
Nước Nông nghiệp |
125.000 |
1.600 |
300 |
1.300 |
a |
Bờ hữu |
100.000 |
1.250 |
250 |
1000 |
Trạm bơm trên sông Hồng, Nam Hà Nội |
15.000 |
150 |
150 |
||
Khu vực địa hình cao khu vực Tây, Bắc cấp nước tự chảy |
30.000 |
450 |
100 |
350 |
|
Khu hai bên các nhánh sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ |
55.000 |
650 |
650 |
||
2 |
Bờ tả |
25.000 |
350 |
50 |
300 |
Bắc sông Đuống |
20.000 |
300 |
300 |
||
Nam sông Đuống |
5.000 |
50 |
50 |
||
Tổng cộng |
125.000 |
3.650 |
650 |
3.000 |
3.3. Giải pháp xây dựng công trình cấp nước
Xây dựng công trình lấy nước từ hồ Hòa Bình bằng cống lấy nước qua đập chính, dẫn nước về khu vực sử dụng nước, nước nông nghiệp và nước môi trường cùng dẫn về các sông, hồ và kênh trên toàn bộ khu vực sử dụng nước. Nước cho sinh hoạt cùng được dẫn chung từ hồ về khu cấp nước thứ cấp 1, sau đó tiếp tục dẫn về các trung tâm xử lý nước trước khi cấp sử dụng. Nước cấp cho sinh hoạt thay thế hoàn toàn nước bơm từ sông Đà, các giếng ngầm và sông Hồng.
3.3.1. Khu vực cấp nước sơ cấp hồ Hòa Bình
Xây dựng cống dẫn nước từ thượng lưu qua đập về hạ lưu hồ Hòa Bình gọi là khu sơ cấp.
3.3.2. Tuyến dẫn của công trình
Tuyến dẫn nước từ hồ Hòa Bình đến khu nhận nước thứ cấp số 1 là tuyến chính độc lập. Tuyến dẫn này có thể bằng đường ống áp lực dẫn thẳng từ hồ; hoặc kênh kết hợp đường ống áp lực, đường hầm và xi phông…
Địa điểm khu thứ cấp số 1 tại vị trí giáp ranh giữa Hà Nội và Hòa Bình, khu vực đường giao thông BOT Hòa Lạc - Hòa Bình. Thứ tự cấp nước:
+ Trước khi cấp cho khu thứ cấp 1, cấp cho Nhà máy nước sông Đà mức độ 150 triệu m3/năm, thay thế cấp nước bằng bơm 2 cấp dưới sông Đà lên nhà máy, để nhà máy xử lý nước cấp cho Hà Nội.
+ Phần nước môi trường và nước nguồn nông nghiệp thay thế hoàn toàn bơm từ sông Hồng lên các sông của Tây Hà Nội, nước cho chảy xuống Khe Cò 1,75 tỷ m3/năm. Mở rộng, gia cố khe Cò hợp lý để dẫn nước về hồ Đồng Mô đổ xuống sông Tích, hồ Suối Hai và các hồ khác... Nước từ sông Tích dẫn qua sông Đáy, Nhuệ, Tô Lịch, kết hợp với các trạm bơm phía Nam Hà Nội để tưới cho 55.000 ha dọc hai bờ và các nhánh sông Tích, Đáy và sông Nhuệ liên thông nhau.
+ Phần nước sinh hoạt và nước môi trường, nông nghiệp còn lại 1,05 tỷ m3, dẫn chung một đường ống để cấp cho bờ tả sông Hồng, Hồ Tây và nước sinh hoạt phần còn lại của bờ hữu sông Hồng.
+ Nâng cấp các đoạn nối sông Tích với sông Đáy để chuyển nước từ sông Tích (chợ Săn) sang sông Đáy (Đường Cối), nâng cấp kênh từ sông Đáy sang sông Nhuệ (sông La Khê Hà Đông) và tạo dòng chảy từ sông Nhuệ sang sông Tô Lịch (sông Cầu Đá). Các sông chính đã có nước thì việc cấp nước cho các hồ trong nội đô có thể vừa cấp tuyến dẫn bằng sông tự nhiên vừa lựa chọn cấp bằng các đường ống áp lực chạy cùng tuyến với các đường cấp nước dùng (Hình 2).
Các giải pháp cụ thể sẽ được tính toán, lựa chọn trong giai đoạn nghiên cứu sau, trong giai đoạn quy hoạch, lập dự án đầu tư.
4. KẾT QUÁ ĐÁNH GIÁ LỰA CHỌN SUY LUẬN KHOA HỌC
Về cơ sở cho việc nghiên cứu: Giữ nguyên nhiệm vụ của hồ Hòa Bình đã duyệt là: Chống lũ cho Hà Nội, phát điện và cấp nước cho khu vực hạ du. Chỉ điều chỉnh từ phương thức cấp nước gián tiếp sau khi phát điện rồi lại bơm lên bằng việc cấp nước trực tiếp riêng cho Hà Nội không qua phát điện.
Lập một số chỉ tiêu cơ bản để so sánh giữa phương pháp cấp nước hiện nay của Hà Nội và phương án đề xuất nghiên cứu (Bảng 2).
Bảng 2. So sánh giải pháp cấp nước đề xuất với giải pháp đang sử dụng
Các yếu tố so sánh |
Giải pháp đạng sử dụng cho Hà Nội |
Giải pháp cấp nước đề xuất |
Nguồn nước |
Nước của Sông Hồng và khai thác nước ngầm là chính, chất lượng nước không tốt |
Nước hồ Hòa Bình là chính, đảm bảo ít tạp chất, ổn định, tỷ lệ Do cao. Sử dụng cơ bản hệ thống cấp nước trực tiếp đang vận hành của hệ thống |
Hình thức Cấp nước |
Chủ yếu bằng bơm nhiều cấp mới đến nơi sử dụng Khu vực cấp ít trên cao độ 15 m |
Chủ yếu bằng tự chảy khu vực Hà Nội có thể cấp đến cao độ 50 m, mức độ tự chảy cao Có thể cấp hầu hết các khu vực Hà Nội một cách hoàn toàn tự động |
Các hộ sử dụng nước và phương thức cấp |
Nước nông nghiệp và sinh hoạt riêng lẻ. Chưa có quy hoạch nguồn nước sử dụng cho môi trường sông hồ Hà Nội |
3 nhu cầu nước: Sinh hoạt, nông nghiệp, môi trường một tuyến dẫn Dùng tuyến dẫn bằng sông ngòi tự nhiên kết hợp đường ống áp lực Bổ sung quy hoạch nước môi trường cho sông hồ Hà Nội |
Đầu tư |
Thường xuyên phải thay đổi, điều chỉnh do thiếu cao độ sử dụng để bơm tạo nguồn nước |
Đầu tư đến đâu hiệu quả ngay đến đấy, thỏa mãn mọi cao độ để khống chế cấp nước tự chảy Đầu tư một lần hiệu quả hàng trăm năm sau |
Lượng nước sử dụng cho Hà Nội |
Hàng năm, Hà Nội chỉ lấy được dưới 10%, khoảng 300 triệu m3 khi xả gia tăng |
Hà Nội chỉ cần sử dụng lượng nước 3 tỷ m3 nước từ hồ Hòa Bình cho cả năm, không cần xả gia cường thủy điện |
Nước để làm sạch các sông nội Đô Hà Nội |
Không thể lấy nước môi trường bằng tự chảy nên sông hồ tù đọng cạn, mất vệ sinh và mỹ quan |
Lấy nước môi trường quanh năm tự chảy và điều phối theo nhu cầu thực tế đảm bảo sông hồ Hà Nội trong xanh quanh năm |
Sử dụng điện năng |
Cần tốn điện năng cho bơm nhiều cấp |
Lấy nước trực tiếp trong hồ Hòa Bình thì không thể phát điện được, nhưng không tốn điện năng trong vận hành bơm và chuyển đổi năng lượng |
Kinh phí đầu tư |
Vẫn phải bổ sung cho 40.000 tỷ VNĐ đầu tư các công trình cấp nước tổng hợp, chi phí quản lý hàng nghìn tỷ/năm |
Đầu tư 1 lần 46.000 tỷ VNĐ cho Hà Nội Giảm chi phí chỉ quản lý hàng nghìn tỷ/năm Công trình có hiệu quả lâu dài |
Nguyện vọng nhân dân |
Muốn thay đổi do thiếu nguồn nước sạch, thiếu ổn định, môi trường ô nhiễm |
Hưởng ứng được tiếp cận nước nông nghiệp, nước cho cải tạo môi trường và nước sạch sinh hoạt một cách toàn diện và bền vững |
5. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
Đây là một giải pháp đề xuất cấp nước hoàn toàn mới cho Hà Nội, cấp nước lấy trực tiếp từ hồ Hòa Bình kết hợp với hệ thống cấp nước hiện trạng của các ngành để cấp nước một cách tổng hợp và toàn diện cho tất cả nền kinh tế - xã hội của Thủ đô, thay thế dần dần các phương pháp cấp nước hiện tại của Hà Nội. Những lợi ích về cấp nước trực tiếp từ hồ Hòa Bình là rất lớn bao gồm:
Một hệ thống công trình mà có thể cấp nước cho 3 loại hình dùng nước khác nhau là: nước cho sinh hoạt, nước cho môi trường sông hồ và nước cho nông nghiệp cùng một tuyến dẫn nhờ chất lượng nước sông Đà cơ bản đạt tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt, đồng thời đạt yêu cầu cho nước nông nghiệp và môi trường sông hồ, là tiết kiệm nước dùng và giảm được giá thành sử dụng nước.
Tận dụng hoàn toàn cơ sở hạ tầng đã có tại hồ Hòa Bình và khu vực sử dụng nước ở Hà Nội, chỉ cần chuyển nước từ hồ về Hà Nội sau đó phối hợp tốt cơ sở hạ tầng có sẵn, sẽ mang lại lợi ích cao hơn nhiều việc sử dụng nguồn nước đó để phát điện.
Sử dụng chỉ khoảng 3 tỷ m3 nước hàng năm cho Hà Nội, so với lượng nước trung bình hàng năm chảy về hồ Hòa Bình là 44 tỷ m3 là một tỷ lệ không đáng kể.
Lượng điện do cấp trực tiếp của Nhà máy thủy điện Hòa Bình bị giảm khoảng 300 triệu kwh điện, so với sử dụng lượng nước đó chạy thủy điện với tổng lượng điện trung bình hàng năm của nhà máy là 8.160 triệu kwh là tỷ lệ 4%, nhỏ không đáng kể.
Giải pháp này đảm bảo việc sử dụng nước thuận lợi về mọi mặt cả chất lượng nước, phương thức cấp nước bằng tự chảy lớn cho Hà Nội, tạo cho sự phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt cấp nước tự chảy cho gần 50.000 ha đất nông nghiệp và hàng tỷ m3 nước cho môi trường sinh thái của sông hồ và hầu như toàn bộ nước sinh hoạt Thủ đô là lợi ích lớn nhất không có bài toán nào về kinh tế - xã hội có thể so sánh được.
Quyết định đảm bảo an ninh nguồn nước cho Thủ đô và đồng bằng Bắc bộ.
Trên cả nước không có bất kỳ một hồ thủy điện nào có lợi thế về cấp nước trực tiếp cho hạ du bằng hồ Hòa Bình cấp nước cho Hà Nội.
Thời điểm này là cơ hội vàng cho việc đầu tư xây dựng công trình. Nếu để muộn quá thì khu vực Hòa Bình về Hà Nội cơ sở hạ tầng mọc lên càng nhiều, bồi thường giải phóng mặt bằng quá cao, không thực hiện được dự án.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quy hoạch tổng thể Kinh tế - xã hội TP Hà Nội: Quyết định số 222/QP-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ:
2. Quy hoạch phát triển Nông nghiệp Hà Nội: Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 09/7/2012 phê duyệt quy hoạch phát triển Nông nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020 định hướng phát triển đến năm 2030.
3. Quy hoạch Thủy lợi TP Hà nội số 4073/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
4. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8641:2011 về công trình thủy lợi - Kỹ thuật tưới tiêu nước cho cây lương thực và thực phẩm.
5. Tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống - QCVN 01:2009/BYT.
6. Tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng để sinh hoạt - QCVN 02:2009/BYT.
7. Quy chuản Việt Nam QCVN-39:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu.
8. Giáo trình thủy lực công trình tập 1, tập 2 - Trường Đại học Thủy lợi - xuất bản năm 2002.
SOLUTION SUPPLY WATER DIRECTLY FROM HOA BINH RESERVOIR TO HANOI CITY
ABSTRACT
The purpose of the proposal is to take the water source directly from Hoa Binh reservoir to supply general water for Hanoi Capital including: domestic water, environmental water of rivers and lakes and water for agriculture in Hanoi city mainly by self-flow. To replace the current method of water supply is single, mainly using water in the Red River, pumping too many levels, expensive, high cost and completely passive. The proposed solution is to take water from Hoa Binh reservoir, bring it to water users throughout Hanoi city, make use of existing infrastructure works, with a new water supply method. The proposed solution has a very good water quality in Hoa Binh reservoir, a convenient path to ensure immediate water supply and water security for Hanoi capital.
Keywords: Hanoi, Hoa Binh reservoir, direct water supply, water source security.
Nguồn tapchimoitruong.vn
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.