Trục trặc thị trường nước sạch
- Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2022 | 4:03:16 Chiều
“Biết mà không làm được”, “muốn mà không dám”… từ ý kiến của đại diện doanh nghiệp đụng đến “bức tường” thể chế, ngăn cản sự phát triển của thị trường nước sạch.
Bức tranh loang lổ
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng, sử dụng nước sạch là quyền con người. Cấp nước thuộc nhóm dịch vụ công, đảm bảo tính liên tục, quyền tiếp cận bình đẳng của người dân và giá cả phù hợp.
Sử dụng dữ liệu Tổng Điều tra dân số năm 2019, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS - thông tin tỷ lệ sử dụng nước sạch của đô thị khoảng 52%, khu vực nông thôn còn thấp hơn, khoảng 35%.
Tiếp cận nước sạch cũng là một nội dung quan trọng trong báo cáo thường niên Đo lường hiệu quả quản trị cấp tỉnh (PAPI) thực hiện tại 63 tỉnh, thành trên cả nước với cỡ mẫu khoảng 14 ngàn người. Năm 2020, khoảng 60% người dân được cung cấp nước sạch tại nhà hoặc các trạm cấp nước tập trung. Nhiều khu vực chưa được cấp nước, buộc phải phụ thuộc vào nguồn nước gần nơi ở. Khoảng 20% người dân được hỏi cho biết nguồn nước gần nhà đủ sạch để giặt giũ, bơi lội, trong khi chỉ 4,5% tin rằng nguồn này đủ sạch để nấu ăn.
Quan sát giai đoạn 2016-2020, chất lượng nguồn nước gần nhà có xu hướng suy giảm. Một trong những yếu tố có tính tương quan là 25% số người được hỏi tin rằng có tình trạng cơ quan quản lý nhà nước nhận "chung chi” để bỏ qua cho doanh nghiệp xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định ra môi trường.
Xả thải gây ô nhiễm nguồn nước có tác động liên vùng. Chẳng hạn như TP. HCM, phụ thuộc đáng kể vào nguồn nước mặt thuộc địa phận Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh. Những khu công nghiệp quy hoạch quay mặt ra thượng nguồn tăng nguy cơ gây ô nhiễm, đẩy chi phí xử lý nước tăng cao ở phía hạ lưu. Thế nhưng, TP.HCM gặp không ít khó khăn khi thảo luận chủ đề cấp nước liên vùng với những địa phương này, theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS. Chừng nào trung ương chưa thay đổi cơ chế khuyến khích đối với chính quyền địa phương thông qua chỉ tiêu tăng trưởng, địa giới kinh tế còn bị chia cắt bởi ranh giới hành chính.
Viện dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, đề nghị khẩn trương hành động bảo vệ nguồn nước và môi trường. "Thế hệ con cháu chúng ta trong hai, ba thập niên tới sẽ không còn nước sạch để sử dụng”, ông cảnh báo. Theo kịch bản này, WB ước tính Việt Nam cần nguồn lực tương đương 6% GDP để sửa chữa những sai lầm, khắc phục những tổn thương môi trường vào 2035.
Điều 32 khoản 1 Nghị định 117/2007 quy định "mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước”. "Chính sách hiện hành chưa được thực hiện nghiêm túc”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho biết có một số vùng cấp nước nhiều hơn một đơn vị cấp nước, vừa trái quy định, vừa dẫn đến tình trạng cạnh không lành mạnh…
Về chất lượng nước, ông Nguyễn Quang Huân bình luận ngành này hiện vẫn dùng clo để khử trùng như cách thế giới đã làm những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Ô nhiễm càng nặng đòi hỏi hàm lượng clo sử dụng càng cao, nhưng vẫn không đảm bảo loại bỏ hết virus trong nước trước khi cấp cho hộ gia đình. Nồng độ clo cao còn khiến "răng người Việt dễ bị vàng, không sáng bóng như… Tây”, ông Huân cho biết thế giới đã đi qua giai đoạn khử trùng bằng công nghệ ozone, hiện sử dụng tia cực tím.
Về tỷ lệ sử dụng nước sạch, ông Huân dẫn nguồn từ Bộ Xây dựng và một số nghiên cứu độc lập, cho biết khu vực đô thị khoảng 92% và 80% khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cũng theo ông Huân, Bộ Tài nguyên và môi trường năm nay mới được giao thu thập số liệu về cấp thoát - nước trên toàn quốc. Như vậy, sớm nhất cũng phải 2023 mới có bộ cơ sở dữ liệu thống nhất.
Lợi nhuận định mức
Quá trình sản xuất, phân phối nước sạch đến người tiêu dùng có sự tham gia của 6 cơ quan cấp bộ. Nguồn nước - đầu vào của các nhà máy sản xuất nước sạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Khâu sản xuất và phân phối nước sạch ở đô thị do Bộ Xây dựng phụ trách, nhưng khu vực nông thôn lại thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định giá bán lẻ nước sạch. Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nước. Quản lý nhà nước bị phân mảnh nhìn từ cấu trúc thị trường.
Nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng là ba trụ cột của thị trường nước sạch. Khâu sản xuất đã mở cửa cho tư nhân tham gia, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch nhưng dịch vụ cấp nước lại phụ thuộc vào mạng lưới đường ống. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật này đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong khi trần giá nước bị Bộ Tài chính khống chế. Nhà nước lại không đủ nguồn lực đầu tư. Cơ chế hợp tác công - tư (PPP) như thế nào để người dân tiếp cận dịch vụ công (như quan điểm của ông Nguyễn Sĩ Dũng) nhưng đồng thời hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.
Doanh thu bán nước phải đảm bảo cho nhà sản xuất trang trải chi phí hợp lý, có lợi nhuận hợp lý để duy trì sản xuất, tái đầu tư. Bằng không, chất lượng dịch vụ công sẽ giảm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tình thế lưỡng nan này được dự báo trở thành thách thức đáng kể đối với những vùng nông thôn chuyển đổi lên đô thị cũng như những khu vực đô thị hóa, đòi hỏi mở rộng mạng lưới cấp nước mới do nhu cầu phát sinh.
Nhiều địa phương chưa điều chỉnh giá nước trong suốt 10 năm qua, trong đó có Hà Nội. Đây là địa phương có mạng lưới phân phối nước hỗn hợp với sự tham gia của cả doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân. Người dân một số huyện ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Mê Linh, Ba Vì, Thường Tín chưa có nước máy trong khi nguồn cung dư thừa, theo ông Nguyễn Quang Đồng: "Quy hoạch đến 2020, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (VIWASUPCO) đạt công suất 600 ngàn m3/ngày nhưng phát thực tế 85%; Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống phát 50% công suất 300 ngàn m3/ngày”.
Dòng vốn tư nhân vẫn chảy vào sản xuất nước sạch bởi ngành này có lợi thế rất lớn nhờ lượng khách hàng có sẵn, ổn định, kéo theo dòng tiền ổn định, chưa kể nhu cầu tăng thêm theo thời gian", PGS-TS Vũ Sỹ Cường.
Chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân của nghịch lý này nhưng quan sát sơ bộ tại một số đô thị có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cao như TP.HCM (91,5%), Huế (92,4%), TP. Hải Dương (90,1%), ông Đồng phỏng đoán dường như việc nhà nước độc quyền phân phối giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Đến từ Học viện Tài chính, PGS-TS Vũ Sỹ Cường nhận dạng nước sạch là hàng hóa bán công, có tính chất độc quyền tự nhiên. Thế giới kiểm soát loại hàng hóa này bằng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp. Ở Đức và Pháp, một ủy ban chuyên trách sẽ tính toán chi phí sản xuất nước sạch của từng vùng (do điều kiện sản xuất, phân phối, số lượng khách hàng… khác nhau) làm cơ sở để áp lợi nhuận định mức, công khai kêu gọi đầu tư. Dòng vốn tư nhân vẫn chảy vào sản xuất nước sạch bởi ngành này có lợi thế rất lớn nhờ lượng khách hàng có sẵn, ổn định, kéo theo dòng tiền ổn định, chưa kể nhu cầu tăng thêm theo thời gian. Ở khâu phân phối, nhiều nước thuộc nhóm G7 vẫn duy trì vị thế độc quyền nhà nước. Nếu có tư nhân hóa, chẳng hạn như Mỹ, thì nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối.
Nhìn lại Việt Nam. Nhà sản xuất và thị trường có quan điểm trái chiều về giá nước. "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” là cơ sở yêu cầu cơ quan kiểm toán độc lập tham gia đánh giá, ông Vũ Sỹ Cường khuyến nghị.
Làm được mà không được làm, muốn làm không dám
Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội (nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối 97,6%) là đơn vị cấp nước cho khoảng 200 ngàn khách hàng ở cả khu vực đô thị (quận Long Biên) và nông thôn (huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh). Doanh nghiệp này thuộc "nhóm hỗn hợp”, vừa sản xuất (tự chủ 30%, 70% còn lại mua từ các nhà cung cấp), vừa truyền dẫn - phân phối.
Liên quan đến tính liên tục của dịch vụ công, đại diện công ty cho biết yếu tố này phụ thuộc vào kỹ thuật hơn là chính sách. Cấp nước không liên tục bất lợi cho doanh nghiệp. Đường ống bị lắng cặn, ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng nước. Thêm nữa, cấp nước không liên tục dẫn đến thay đổi áp suất, tác động đến tuổi thọ của đường ống.
Quyền tiếp cận bình đẳng dịch vụ công là vướng mắc cần tháo gỡ, đại diện công ty nước sạch số 2 thừa nhận. Ở khu vực đô thị, người dân có khả năng chi trả cao, dùng nhiều nhưng suất đầu tư trên mỗi hộ gia đình lại thấp. Mật độ dân cư cao giảm chi phí mở rộng mạng lưới, đồng thời giảm chi phí nhân viên ghi đồng hồ nước hằng tháng. Khu vực nông thôn thì ngược lại. Nước là tài nguyên khan hiếm, nhà nước khuyến khích tiết kiệm, nên biểu giá nước được thiết kế lũy tiến. Giá bán bậc một (dưới 10m3/hộ/tháng) tại thị trường Hà Nội là 5.900 đồng/m3, thấp hơn giá mua sỉ từ nhà cung cấp là 7.700 đồng/m3. Người dân nông thôn chủ yếu sử dụng nước máy trong phạm vi giá bậc một phục vụ cho nhu cầu ăn uống, còn những nhu cầu khác như tắm rửa, giặt giũ… thì sử dụng nguồn phụ (nước ngầm, nước mặt). Chưa bán đã lỗ làm thui chột động cơ mở rộng mạng lưới cấp nước ở khu vực nông thôn. Chịu trách nhiệm bảo toàn phần vốn của nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp không dám đầu tư.
Nhiều khu vực tại một số huyện ngoại thành Hà Nội chưa tiếp cận được nước máy. NĐ117 quy định tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp nước đối với những vùng chưa có dịch vụ công. Tư nhân không tham gia là cơ sở để chỉ định thầu. Nhưng giờ đây, cơ quan nhà nước cũng rất ngại ra quyết định chỉ định thầu? Hai năm nay, 18 xã thuộc huyện Sóc Sơn và 4 xã thuộc huyện Đông Anh chưa triển khai được dịch vụ cấp nước. "Là doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi muốn đầu tư công nhưng không làm được”, vị đại diện Công ty cổ phần nước sạch số 2 bày tỏ.
Về giá nước, đại diện doanh nghiệp trình bày bất cập liên quan đến giá bán buôn. Suất đầu tư ban đầu của những nhà máy sản xuất nước sạch khác nhau, chi phí sản xuất khác nhau (do điều kiện nguồn nước, vị trí…) nhưng phải cạnh tranh giá bán buôn cho đơn vị bán lẻ. Hệ quả là có những đơn vị cấp nước bán buôn đạt doanh thu 100% công suất trong khi những đơn vị khác chỉ bán được 50% công suất.
"Tôi nghĩ cần một cơ quan Nhà nước đủ mạnh làm đầu mối, có quyết tâm thực hiện chức năng điều tiết như cách thế giới vẫn làm”, đại diện công ty giãi bày. Bất cập này khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào những khu vực có điều kiện thuận lợi, suất đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao. Cũng có nghĩa rằng những khu vực bất lợi có khả năng bị thị trường bỏ trống, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công.
Sau 20 năm nỗ lực, Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội đã giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống mức dao động từ 7% - 8%, thấp hơn mức trần 18% theo quy định. Doanh nghiệp còn có thể cải thiện tình trạng rò rỉ đường ống nhưng "không thể làm được” do rào cản suất đầu tư ban đầu. Khi lập hồ sơ dự án, doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đường ống sản xuất trong nước, nhưng bằng kinh nghiệm, doanh nghiệp đề xuất nhập khẩu mối nối có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm tăng tuổi thọ của mạng lưới, giảm thiểu nguy cơ rò rỉ từ những mối nối. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể sử dụng "kinh nghiệm” để thuyết phục hội đồng thẩm định chấp thuận lựa chọn thiết bị nhập khẩu có giá bán cao hơn thiết bị nội địa.
"Biết nhưng không làm được”, đại diện doanh nghiệp cho biết tỷ lệ thất thoát của công ty đang tiệm tiến dần về phía những nước tiên tiến, chẳng hạn như Nhật Bản đang dừng lại ở mức 4% thất thoát do rò rỉ đường ống.
Cần một đạo luật thống nhất về cấp nước sạch
"Biết mà không làm được”, "muốn mà không dám”… từ ý kiến của đại diện doanh nghiệp đụng đến "bức tường thể chế", ngăn cản sự phát triển của thị trường nước sạch.
Hành lang pháp lý của hoạt động cấp nước (gồm sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch) là Nghị định 117/2007/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 124/2011/NĐ-CP (NĐ124). Căn cứ của NĐ124 là Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2003. Việc hai đạo luật này đều lần lượt sửa đổi, bổ sung năm 2017 và 2014, 2020 (Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung hai lần) là cơ sở để điều chỉnh khung pháp lý. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý dừng lại ở văn bản có tính chất điều hành cấp Chính phủ chưa đủ độ rộng, độ sâu để quản lý, điều tiết thị trường nước sạch.
Xới lên những trục trặc hướng đến mục tiêu xây dựng một đạo luật thống nhất, điều chỉnh loại hàng hóa thiết yếu liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự sống của gần 100 triệu dân mỗi ngày.
Nguồn nguoidothi.net.vn
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.