Hà Nội đã có 264/413 xã được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch
- Cập nhật: Thứ hai, 18/7/2022 | 3:46:43 Chiều
Tính đến cuối tháng 6/2022, Hà Nội đã có 264/413 xã (hơn 82%) được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch. Đây là một tín hiệu vui, bước đệm giúp Thủ đô sớm cán đích là 93 - 95% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch.
Riêng với Hà Nội đã sớm về đích, đạt mục tiêu "phổ cập” nước sạch cho khu vực nội thành, đô thị vệ tinh với tỷ lệ 100%, trong khi mục tiêu quốc gia, đến năm 2025, cả nước sẽ có 95 - 100% người dân thành thị và 93 - 95% người dân nông thôn có nước sạch.
Để đạt được những kết quả kể trên, trong suốt những năm qua, Hà Nội đã xác định các danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo định hướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô; Đồng thời, huy động và tập trung các nguồn lực cho phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn.
Trong những năm qua, thành phố đã cho xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày - đêm; Xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai công suất 200.000m3/ngày - đêm (lấy nguồn cấp từ nước mặt sông Đà; Nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đuống lên 450.000m3/ngày - đêm...
Nhờ đó, đến thời điểm này, tổng nguồn nước sạch tập trung cấp cho thành phố đã đạt khoảng 1.530.000m3/ngày - đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước của Nhân dân trong phạm vi cung cấp của hệ thống cấp nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện công tác đưa nước sạch về nông thôn tại một số khu vực đang gặp nhiều khó khăn như: Việc thi công đường ống gặp nhiều khó khăn; Lượng nước tiêu thụ chủ yếu là nước phục vụ sinh hoạt của người dân (mức sử dụng thường dưới 10m3/tháng) nên số tiền phải trả thường không đủ bù đắp tiền sản xuất cho các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp nước sạch; Thiếu các chính sách hỗ trợ việc đưa nước từ nhà máy đến các hộ dân vùng nông thôn… khiến tỷ lệ người dân khu vực này có cơ hội sử dụng nước sạch chưa đạt được như kỳ vọng.
Sở Xây dựng Hà Nội đã làm việc với UBND các huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố rà soát tình hình cấp nước và đề xuất giải pháp thực hiện. Trong đó, các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành đúng tiến độ các dự án nguồn; các dự án phát triển mạng nhằm mở rộng cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn…
Những nút thắt ngăn cản việc đưa nước sạch về với khu vực nông thôn đã và đang được các đơn vị chức năng quan tâm khắc phục. Với những nỗ lực của thành phố, Hà Nội sẽ sớm cán đích mục tiêu của Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 mà Quốc hội đã đề ra, đặc biệt là tiêu chí 93 - 95% người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự kiến thời gian cao điểm nắng nóng mùa Hè năm nay nhu cầu sử dụng nước là khoảng 1.250.000 - 1.350.000 m3/ngđ. Khi nhu cầu sử dùng nước tăng cao, nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đà giảm công suất hoặc gián đoạn cấp nước (trường hợp sự cố) thì các nhà máy nước ngầm vận hành khai thác quá công suất dẫn tới chất lượng nước tại một số nhà máy bị ảnh hưởng, đồng thời xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ đặc biệt là tại khu vực cuối nguồn, khu vực cốt địa hình cao.
Tuy nhiên, các đơn vị cấp nước của thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án giải pháp cấp nước chi tiết cho từng khu vực (bổ sung bơm tăng áp di động, vận hành van cấp nước theo giờ…) để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn nước cấp an toàn, liên tục với chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.