Có gì cần hơn nước sạch!
- Cập nhật: Thứ hai, 16/10/2023 | 4:15:16 Chiều
Với rất nhiều người nước quá bình thường. Bạn sẽ không nhớ đến nó cho đến khi giếng nhà mình cạn khô hay đang rửa chén thì vòi nước trong nhà bạn ngừng chảy.
Các nhà địa lý thường nói thực chất trái đất phải được gọi là trái Nước, bởi bao phủ 3/4 bề mặt của nó là sông ngòi, biển và đại dương. Thế nhưng đa phần nước đó lại không uống được do mặn hoặc bẩn. Các dòng sông đang ô nhiễm đã ảnh hưởng khốc liệt đến đời sống và sinh kế của người dân. Do đó, những cú điện thoại gọi lúc đêm muộn đến máy di động của ông chủ tịch Công ty Cấp nước Hải Phòng kêu cứu là "chuyện thường ngày ở huyện”.
Xã X. giống như rất nhiều xã khác
Xã X. nằm cách trung tâm TP Hải Phòng 14km. Gần 7.000 dân trong xã "ăn” nước ngọt từ nhà máy "mini” của một doanh nhân địa phương, đầu tư vào những năm đầu thiên niên kỷ này. Một ngày giữa thu, chúng tôi về X. Sau sự kiện nước ô nhiễm ở xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, nhà báo không phải hạng khách được các ông bà chủ nhà máy nước nông thôn chào đón. Người dân thì trái ngược lại. Anh cán bộ xóm phởn phơ vì có chút rượu trong người đưa chúng tôi đến đầu nguồn của nhà máy nước, và rất hào hứng nói về chương trình” Nông thôn mới” của quê mình. Thế rồi dưới ánh sáng hiu hắt của một ngày ảm đảm, dòng sông hiện ra im lìm như con rắn chết và bẩn đến nỗi chẳng còn ai biết anh ta nói gì. Chúng tôi bị choáng! Con sông có màu của nước thải trong máy giặt, đầy bèo tây và rác rưởi. Những cơn gió ẩm ướt thổi qua đám cây dại, cất tiếng rên rỉ và mang theo mùi xác động, thực vật phân hủy. Đồng nghiệp của tôi cảm thán :” Nước bẩn thế này thì chỉ có dân Do Thái mới hòng lọc thành nước sạch!”
Chúng tôi vào nhà bà T ở ngay đầu làng. Một em bệch bạc như vải phai màu, thiếu hẳn cái vẻ rạng rỡ lành mạnh của cô gái quê bưng nước ra mời. Chúng tôi nhìn nhau. Do vừa thực mục sở thị dòng sông, thế nên lời mời uống nước có vẻ giống với lời đề nghị cho một vụ ngộ độc! Bà T đang ở cái thời sắc đẹp và vẻ duyên dáng chỉ vừa mới bị thời gian tịch thu mất rồi, ánh nhìn mệt mỏi của người mắc bệnh ung thư. Bà nói làng này ung thư nhiều lắm, chứ ngứa ngoài da thì chẳng thèm kể! Ông chồng bà thì ủ rũ như một miếng giẻ ướt vắt trên sào. Một tháng đôi lần vực dậy tinh thần nhờ uống rượu để hòa loãng nỗi thống khổ vì nước bẩn làm mắt mờ đục như mắt con cá trong buổi chợ chiều.
Rời nhà bà T tôi có cảm giác nước bẩn đã hóa thành chất ăn mòn đến tận tinh thần. Tâm hồn buồn bã sẽ giết chết người nhanh hơn vi trùng.
Một vòng quanh xã, hỏi bất kỳ người dân nào họ mong muốn gì lúc này? "Nước sạch” là câu trả lời. Giới chủ các nhà máy nước mini luôn có tờ giấy chứng nhận nước của họ sạch, thế nhưng người dân giữ một thái độ hoài nghi chua chát. Họ đã nhìn thấy nước máy có màu nước thải, ngửi thấy có mùi hôi thối, nếm thấy vị mặn. Họ tin giác quan của mình hơn tin vào cái tờ giấy! Ai cũng sợ bị ung thư hay ngồi gãi ghẻ. Họ muốn được "ăn” nước từ thành phố ( Nước của Công ty Cấp nước Hải Phòng). Thứ nước đã được Hiệp hội các nhà cấp nước quốc gia đánh giá vào hàng tốt nhất Việt Nam.
Ước vọng nước sạch của dân xã X hoàn toàn tự nhiên như của 7 tỷ người trên trái đất. Nước không phải nguồn tài nguyên thiên nhiên vô hạn, nhưng là một phần tất yểu của cuộc sống, nền tảng sức khỏe của tất cả mọi người. Quyền được tiếp cận nước sạch là vấn đề sống còn để con người có cơ hội sống khỏe mạnh. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính gần 80% bệnh tật trên toàn cầu bị lây truyền qua nguồn nước. Bất kỳ lúc nào cũng có một nửa số dân ở các nước đang phát triển mắc những chứng bệnh liên quan đến thiếu nước sạch như tiêu chảy, giun móc hay đau mắt hột. Cội nguồn cái chết của con người ở trong nước. Ủy ban thuộc LHQ về các Quyền Kinh tế Văn hóa và Xã hội đặt ra mục tiêu đến năm 2030 đạt được "tiếp cận đầy đủ, công bằng” đối với nước uống an toàn. Đó là điều kiện tiên quyết dể hiện thực hóa quyền con người. Thực tế còn nhiều khu vực nông thôn Việt Nam vẫn đang chờ nước sạch trong vô vọng như dân thành phố đứng đợi một chuyến xe bus không bao giờ đến!
Cởi cái nút thắt "Đông Phương”
Nhân loại đã bước sang thời mà quyền con người là điều bắt buộc . Khi sự kiện "nước bẩn” bị đẩy xa đến mức khủng hoảng tại xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng người dân phải sử dụng các giải pháp cực đoan: Xuống đường, treo băng zôn tẩy chay nhà máy nước trước trụ sở Ủy ban xã, thậm chí rủ nhau kéo về thành phố kiến nghị! Nước ở nông thôn đã trở thành vấn đề nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự xã hội. Tháng 9 năm nay, Bí thư thành ủy Hải Phòng đã vi hành đến nhiều nhà máy nước mini nằm trong địa bàn thành phố. Và nước sau đó có sạch hơn đươc đôi chút.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng: Nếu không có bước đột biến về tài chính, khoa học và công nghệ (Chuyện viễn tưởng với các ông chủ nhà máy nước mini) thì nước "máy” ở nông thôn sẽ ngày càng bẩn. Bởi lẽ chỉ các công ty cấp nước " đại gia” mới trang bị được máy móc hiện đại, công nghệ lọc nước tiên tiến, đồng thời lại có khả năng bảo vệ được nguồn nước thô đang bị ô nhiễm liên tục do chính con người và Mẹ Thiên nhiên. Đặc biệt, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan gia tăng vì biến đổi khí hậu là áp lực rất lớn đe dọa chất lượng nguồn nước.
Một trong những nhà chính trị biết được điều đó chắc là ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư huyện ủy Kiến Thụy, Hải Phòng.
Ngày nay, giới chủ các nhà máy nước mini Hải Phòng có người hiểu được thực tế họ vừa đóng xong vai trò lịch sử của mình, song có người vẫn tiếc nuối. Các chính quyền xã đã ký với họ những bản hợp đồng hết sức lỏng lẻo, thiếu các điều khoản cơ bản về trách nhiệm nhà sản xuất với chất lượng nước, giải quyết tranh chấp… Họ được phép có thời gian vô hạn để "cải thiện” nước khi bị người tiêu dùng chê là bẩn!
Thế là họ bám riết vào quy định về vùng phục vụ cấp nước (" Mỗi rừng chỉ có một hổ”) theo Nghị định 117 năm 2007 của chính phủ như bánh xe lửa bám vào đường tàu. Theo đó, các doanh nghiệp cấp nước khác không thể tự ý "nhảy vào” nếu họ không chịu tự nguyện "nhảy ra”! Ai dám, họ kiện ra tòa và trên thực tế họ đã thắng kiện.
Ông bà chủ nhà máy nước xã Đông Phương cũng định thế!
Vậy ai có thể tháo cái nút thắt mâu thuẫn quyền lợi giữa người địa phương và chủ nhân nhà máy nước? Tại cuộc đối thoại đầu tiên ở xã, ông Đỗ Đức Hòa khẳng định: Chính quyền sẽ không bao giờ hy sinh hạnh phúc người dân vì quyền lợi cỏn con của doanh nghiệp! Sau đó, huyện đã nhiều lần mời chủ nhà máy nước lên nói chuyện. Câu chuyện xoay quanh Nhà máy của ông lạc hậu. Nâng cấp nó là một "Nhiệm vụ bất khả thi”. Người dân Đông Phương đã mất lòng tin vào ông. Con người không thể tồn tại bình thường trong sự ghẻ lạnh của cộng đồng được. Đừng thành một kẻ lưu đày trên chính quê hương của mình.
Nói phải củ cải cũng nghe. Ông chủ nước nhận xin lỗi bà con vì tình trạng nước bẩn những ngày qua, hứa sẽ tự nguyện chấm dứt hợp đồng với xã để thành phố về cấp nước cho dân. Tuy nhiên, ông xin chính quyền "hỗ trợ” để chuyển đổi nghề kinh doanh như một điều kiện tiên quyết! Thực chất là ông đã đem sức khỏe người dân ra "thế chấp” để xin tiền nhà nước. Thế nhưng, về mặt pháp lý, nhà nước không thể lấy tiền ngân sách ra "hỗ trợ” cho doanh nghiệp. Do đó, chính quyền phải dùng "hạ sách” (Cũng vì quyền lợi của dân) là xã hội hóa- Bà con đóng góp kinh phí- để nước thành phố sớm chảy đến xã, không mất thời gian chờ đợi bởi các tranh chấp pháp lý kéo dài với nhà máy nước.
Rất nhiều cuộc họp giữa xã và dân Đông Phương diễn ra bế tắc, chủ yếu vì nhiều bà con nhầm hiểu sự " hỗ trợ” với "bồi thường”. Hỗ trợ là tùy Tâm của người dân, còn Bồi thường là nghĩa vụ. "Tâm” thì người dân có đủ, "nghĩa vụ” thì dân không chịu! Tuy nhiên mức hỗ trợ là bao nhiêu để dân và nhà máy nước đều thấy hài lòng, bởi một bàn tay không thể vỗ được? Vấn đề chỉ được giải quyết sau một cuộc họp căng thẳng ( được xem như là cuối cùng) dài gần 4 giờ của chính quyền huyện với các đại diện người dân Đông Phương trong buổi chiều ngày 10.7.2023. Hai bên thống nhất mỗi hộ gia đình trong xã (Trừ 300 hộ thuộc diện nghèo khó được miễn) hỗ trợ cho nhà máy nước 1.200.000 đồng giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp, mở đường cho thành phố về cấp nước cho dân.
Chuyện rằng tưởng thế là xong. Tuy nhiên, rất bất ngờ là sau gần 3 tháng chỉ có 25% hộ dân thực hiện thỏa thuận với chính quyền huyện.
Một buổi chiều đầu tháng 10 chúng tôi lại về Đông Phương. Làng quê êm đềm. Một người đàn ông ngồi bên ấm trà có nụ cười bình thản như hoàng hôn trên mặt nước sông Đa Độ mời tôi vào chơi. Sau vài lời về mùa màng, thời tiết, tôi thận trọng đề cập đến chủ đề nhạy cảm -chuyện hỗ trợ nhà máy nước. Ông nói:” Không phải dễ dàng buộc được chủ nhà máy nước xin lỗi dân đâu. Thế là dân thắng rồi đấy. Tuy nhiên, giờ phút chiến thắng không phải là lúc chà đạp "đối thủ”, mà có khi cần thể hiện sự tha thứ của người dân! Ấy vậy mà ít người nghĩ như tôi. Nhiều người còn hận nhà máy nước lắm! Đến mức chẳng cần suy nghĩ vào thời điểm này điều gì là cấp bách hơn: Giải quyết ân oán với nhà máy nước hay có nước sạch thành phố mà dùng? "
Tình cờ gặp lại một thằng đàn em, về quê sống nhiều năm nay. Nhà nó vợ ốm con đau. Nói đến chuyện nước, hai lỗ mũi nó co rúm lại vì giận dữ. Nó cương quyết không hỗ trợ. Khi tôi thử hỏi:” Liệu có cần phải hy sinh lợi ích to lớn do có nước sạch để thỏa mãn những cơn giận đời thường hay không?”, sự tin tưởng vào đàn anh của nó biến thành một nỗi ngờ vực như vẻ mặt con mèo già đang gầm gừ trong góc bếp. Nó tưởng tôi là thuyết khách!
Còn có lớp người thứ ba, ít thôi, vẫn câu hỏi ấy, họ im lặng như con cá bơi dưới lớp nước phủ bèo. Chẳng lẽ họ có toan tính gì đó bên ngoài chuyện nước?
Đóng 1,2 triệu đồng rải trong 9 tháng (khoảng thời gian để Công ty cấp nước Hải Phòng đưa được nước về đến xã) không phải là một gánh nặng tài chính cho người dân ở Đông Phương. Tất cả chỉ là vấn đề tâm lý. Một vị lão thành nói rằng:” Tôi có cảm giác bộ máy chính quyền ở xã bất lực, nhường quyền định hướng tâm lý bà con cho một vài người dàn ông ngạo mạn, khát khao chỉ huy mọi thứ. Sau khi trải nghiệm mùi vị gây nghiện của việc tạo ảnh hưởng đến cuộc sống người khác, họ muốn trở thành "anh hùng” nông dân, nhưng rốt cuộc lại trở thành nô lệ cho những hoang tưởng của mình với những đòi hỏi không thể vượt qua”.
Tôi ra về với lời nói tiễn chân của vị lão thành:"Thỏa thuận cuối cùng giữa chính quyền huyện và bà con xã Đông Phương vào ngày 10.7.2023 phải được tôn trọng. Bởi phá vỡ nó thì dân Đông Phương sẽ chờ đợi đến bao giờ mới có nước sạch?” Vậy thì bây giờ quả bóng đang ở trong chân người dân!
Theo Hà Linh Quân/diendandoanhnghiep.vn
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.