Lo thiếu nước sinh hoạt, Đà Nẵng tiếp tục thi công đập tạm ngăn mặn số 2 trên sông Cẩm Lệ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/3/2020 | 8:27:28 Sáng

Trước tình trạng xâm nhập mặn gia tăng ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ đã có công văn số 1478/UBND-SXD về việc triển khai xây dựng tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 trên sông Cẩm Lệ.

Theo đó, cho phép Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng tiếp tục tổ chức triển khai thi công tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 nhằm tăng khả năng ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ tại hạ lưu cầu Nguyễn Tri Phương với chiều dài đập khoảng 90m, cao hơn mực nước sông trung bình 0,63m, kết cấu đập bằng cừ thép larsen.


Đập tạm ngăn mặn số 1 trên sông Cẩm Lệ

Khoảng rộng lòng sông còn lại với chiều dài khoảng 30m giữ nguyên hiện trạng để tạo dòng chảy. Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải thông báo đến các chủ tàu thuyền về chủ trương xây dựng tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 và đề nghị tạm dừng hoạt động tại khu vực sông này trong thời gian vận hành 2 tuyến đập tạm.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng tổ chức thi công tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 bảo đảm tiến độ, chất lượng, phù hợp với địa chất, dòng chảy tại khu vực và tiết kiệm tối đa chi phí thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành.

Đại diện Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, mùa khô năm 2020, lượng dòng chảy tại sông Vu Gia – Thu Bồn sẽ bị thiếu hụt từ 40 – 90% tùy nơi, mực nước trung bình sẽ xuống thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước và xâm nhập mặn diễn ra phức tạp. Tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông khả năng sớm hơn và ở mức cao tương đương hoặc cao hơn năm 2019.

Theo Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng, những ngày vừa qua độ mặn nước sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng đột biến, có hôm  lên mức 5.793mg/l, cao gấp 19 lần so với quy chuẩn cho phép, cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay và cao hơn cùng kỳ năm 2019 (5.109mg/l). Tình trạng nhiễm mặn tại đây đã kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay với tổng cộng là 36 ngày có độ mặn lớn hơn 1.000mg/l.


Đà Nẵng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt

Hiện Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang khai thác nước ngọt từ đập dâng An Trạch về với công suất tối đa để hòa trộn một phần nước sông Cầu Đỏ nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Tuy nhiên, do độ mặn của nước sông Cầu Đỏ trong những ngày qua quá lớn nên độ mặn sau trạm bơm cấp 2 đưa nước vào mạng lưới đường ống cấp nước cho thành phố có nhiều giờ cao hơn 250mg/l nên nước có vị lợ, thậm chí có lúc lên đến 298mg/l (đêm 9-3), gần giới hạn tối đa cho phép của chất lượng nước ăn uống (300mg/l).

Trước đó, tháng 1/2020, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cũng đã triển khai công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ dài 178,54m, bố trí về phía thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương cách cầu khoảng 150m góp phần chủ động ứng phó với tình huống nước nhiễm mặn có nguy cơ xảy ra trong dịp Tết.
Theo báo Tài nguyên và Môi trường
  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.