Cà Mau: Lo nước ngọt cho hơn 20.850 hộ
- Cập nhật: Thứ hai, 30/3/2020 | 2:05:45 Chiều
Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 20.850 hộ gia đình thiếu nước và không có nước sinh hoạt, khó khăn nhất là vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 20.850 hộ gia đình thiếu nước và không có nước sinh hoạt, khó khăn nhất là vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.
Qua báo cáo của các địa phương và rà soát, kiểm tra thực tế, được phân chia làm 4 nhóm đối tượng thiếu nước sinh hoạt.
Theo đó, nhóm 1 là cư dân sống thưa thớt, phân tán gồm 4.193 hộ; nhóm 2 là dân cư sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng có 6.184 hộ; nhóm 3 là dân cư sinh sống ở khu vực có hệ thống nối mạng, nhưng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt với 6.384 hộ; nhóm 4 là dân cư sinh sống tập trung, nhưng chưa có công trình cấp nước là 4.090 hộ.
"Sẽ tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh, cấp phát 01 bồn nhựa loại 1m3 để trữ nước và 04 can nhựa 30 lít, để vận chuyển nước sinh hoạt (do hệ thống kênh rạch đã khô cạn, phải vận chuyển bằng xe hai bánh) cho hộ nghèo hộ đặc biệt khó khăn, không có dụng cụ trữ nước gồm 1.636 hộ, kinh phí 3,468 tỷ đồng”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, còn lại 2.557 hộ, đã có dụng cụ hỗ trợ từ chương trình, dự án khác hoặc có điều kiện kinh tế, thì sẽ tự trang bị dụng cụ trữ và vận chuyển nước để sinh hoạt.
Về lâu dài, sẽ xây dựng thí điểm, giới thiệu và vận động người dân thực hiện mô hình dự trữ nước mưa để sử dụng trong mùa khô, theo công nghệ hầm nuôi tôm công nghiệp như lót thảm bạc, tránh thất thoát nước.
Hiện tại, qua rà soát có đủ điều kiện để mở rộng và kéo dài đường ống tại 09 công trình cấp nước tập trung, tổng chiều dài đường ống khoảng 195km, có thể cấp nước cho hơn 6.224 hộ sử dụng.
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, trước mắt huy động lực lượng địa phương tham gia lắp đường ống nổi trên mặt đất và lắp vòi nước công cộng (vòi cách nhau khoảng 500m), để người dân có thể lấy nước sử dụng. Sau khi kết thúc đợt hạn hán, từng bước hoàn thiện toàn bộ đường ống để tiếp tục cung cấp nước phục vụ người dân sinh hoạt.
Còn 10.474 hộ thiếu nước thuộc nhóm 3 và 4, nguyên nhân là do các hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, nhu cầu sử dụng của người dân lại nhiều trong mùa khô nên không đủ đáp ứng khi người dân sử dụng đồng loạt.
Nếu nâng cấp, cải tạo, sửa chữa để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ, phải có thời gian dài và nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, người dân cần luân phiên thay nhau lấy nước để mọi người có nước sử dụng.
Trước đó, ngày 8/3, tại buổi làm việc với một số tỉnh ĐBSCL về hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ cho 5 tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang và Cà Mau mỗi tỉnh 70 tỷ đồng. Còn lại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Bạc Liêu, mỗi tỉnh được hỗ trợ 60 tỷ đồng.
Số kinh phí trên nhằm thực hiện các giải pháp cấp bách như bơm nước, nạo vét kênh mương, đào ao, giếng trữ nước ngọt, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt, mua thiết bị lọc, trữ nước, vận chuyển nước cho người dân… |
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.