'Giải hạn' nước sinh hoạt cho vùng hạn mặn Gò Công Tây

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2020 | 10:30:45 Sáng

Mùa khô năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt, kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống trên diện rộng tỉnh Tiền Giang.

Chú thích ảnh
Người dân thị xã Gò Công xếp hàng lấy nước ngọt từ một điểm cáp nước miễn phí. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Nằm về duyên hải phía Đông, huyện Gò Công Tây là một trong những địa phương gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Nhiều nơi nhân dân phải chịu đựng thiếu nước ngọt gay gắt, đời sống hết sức khó khăn.

Huyện Gò Công Tây hiện có 29 trạm cấp nước sinh hoạt phục vụ trên 29.000 hộ dân nông thôn với tổng công suất thiết kế 22.530 m3/ngày đêm, trong đó, có 21 trạm sử dụng nước ngầm, còn lại sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước Đồng Tâm (thành phố Mỹ Tho).

Trong số trạm  sử dụng nguồn nước nhà máy nước Đồng Tâm thì trừ trạm Bình Phú đang cấp ổn định cho 1.823 hộ dân, 7 trạm còn lại trên địa bàn huyện Gò Công Tây có tổng công suất thiết kế 10.440 m3/ngày đêm phục vụ cho 14.556 hộ dân. Trong điều kiện bình thường thì các trạm này cấp đủ nước phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, trong mùa khô hạn 2020, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, áp lực nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm không ổn định nên một số khu vực cuối nguồn nước chảy yếu, chưa đảm bảo liên tục. Do vậy, các trạm này vẫn phải luân phiên sử dụng nguồn nước từ các kênh trục, kênh nội đồng của vùng ngọt hóa Gò Công để bổ cấp. Chất lượng nước và độ mặn không ổn định bởi phải phụ thuộc vào nguồn nước của vùng dự án.

Hơn nữa, thời điểm sau Tết Nguyên đán, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, các kênh mương trong vùng dự án khô kiệt, trơ đáy. Nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng trở nên hết sức bức thiết. Rất nhiều hộ dân ở các địa bàn sâu xa thiếu nước thậm chí không có nước sinh hoạt để dùng, cuộc sống rất khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, trước tình hình trên, huyện thực hiện nhiều giải pháp cấp thiết nhằm tạo nguồn nước, phục vụ sinh hoạt nhân dân qua mùa khô hạn 2020. Địa phương đã mở thêm 19 vòi nước công cộng tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời, huyện còn đặt 35 bồn chứa nước tại 22 điểm trên địa bàn 11 xã trong huyện phục vụ bà con những nơi khó khăn, tạo thuận lợi để người dân đến lấy nước đáp ứng nhu cầu đời sống. Ước tính, từ khi lắp đặt đến nay, các vòi nước, điểm cấp nước nói trên đã cung cấp được gần 13.000 m3 nước sinh hoạt phục vụ nhân dân.

Ngoài ra, chia sẻ khó khăn với địa phương, Gò Công Tây còn được các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện - xã hội trong ngoài tỉnh giúp đỡ, đến tặng thùng chứa, bồn chứa, thiết bị lọc nước mặn cùng các giải pháp cấp nước khác hỗ trợ bà con, góp phần giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, Công ty Cổ phần Đại Nam (Bình Dương) còn đầu tư 9 km đường ống dẫn nước ngọt về phục vụ 1.500 hộ dân ở các xã Long Vĩnh, Yên Luông, Bình Phú - đây là những địa bàn đang thiếu nước sinh hoạt gay gắt của huyện Gò Công Tây. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 4/2020 đã tháo gỡ khó khăn về nước sinh hoạt cho bà con.

Theo MINH TRÍ/TTXVN

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.