Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng tại nhiều nơi ở Gia Lai
- Cập nhật: Thứ tư, 6/5/2020 | 11:02:46 Sáng
Giếng nước của gia đình chị Siu Thư, làng Bông Bay, xã Chư Á, thành phố Pleiku, đã hầu như cạn kiệt từ 1 tuần nay. Chị Thư cho biết, để có nước sinh hoạt, gia đình chị phải cử người túc trực, cứ khoảng 1 tiếng mở máy hút nước 1 lần, nhưng cũng không đủ nước.
"Bơm nước cũng không lên, sáng bơm nước để giặt đồ, sau đó hết nước chờ bơm tiếp mới có nước tắm. Trong làng nhiều nhà khác cũng thiếu nước”- chị Siu Thư nói.
Cũng tại làng Bông Bay, đã 2 tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã phải xin nước hàng ngày để sử dụng vì giếng bị cạn khô. Chị Nguyệt cho biết, vì khó khăn nên gia đình chị và 2 gia đình khác đào và sử dụng chung 1 giếng. Năm nay, giếng nước cạn khô trơ sỏi. Mỗi ngày gia đình chị Nguyệt xin được 1 phi nước 500l và mọi sinh hoạt đều được gói gọn trong lượng nước này. Để tiết kiệm nước, những hoạt động thiết yếu như nấu cơm, rửa bát, tắm, giặt quần áo sẽ được chị Nguyệt ưu tiên trước hết, tuy nhiên nước cho sinh hoạt hết sức ít ỏi.
"Gia đình tôi có khi 1 tuần mới giặt đồ 1 lần, nhiều khi tiết kiệm, tận dụng rửa rau, rửa chén xong để dùng. Trẻ con nghịch bẩn, mình còn phải dặn, rửa tay ít thôi, rửa nhiều phí nước”, chị Nguyệt nói.
Mặc dù hiện nay, tại Gia Lai thỉnh thoảng đã có mưa, nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn đang diễn ra khốc liệt ở nhiều địa phương. Ở Plei Ku, thiếu nước xảy ra ở hầu hết những phường, xã chưa có đường dẫn nước máy. Các huyện đông và đông nam tỉnh như An Khê, Đăk Pơ, Kbang, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng hơn. Trong đó, Đăk Pơ, gần 800 giếng đào bị khô cạn, khiến khoảng 1000 hộ dân thiếu nước. Huyện KBang, bị nhẹ nhất trong số 3 huyện, cũng có hơn 200 giếng bị cạn.
Ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kbang cho biết, hiện nay, giải pháp cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn là người dân chủ động sử dụng nước tiết kiệm và chia sẻ nước cho nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân sử dụng hiệu quả các giếng nước, công trình nước sinh hoạt tập trung. Các hộ dân giếng vẫn còn nước thì chia sẻ nguồn nước; tiếp tục nạo vét các giếng để có nước; sử dụng các bể, bồn để tích trữ nước”, ông Mã Văn Tình cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt là do từ tháng 12/2019 đến trung tuần tháng 3/2020, tại địa phương hầu như không có mưa, cộng thêm tình trạng nắng hạn kéo dài nên mực nước tại các ao hồ, sông suối, nước ngầm giảm mạnh.
"Ngành nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai cùng chính quyền các địa phương đang triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Sử dụng nước giếng đào của các thôn làng, sửa chữa các công trình cấp nước. Ngoài ra, chúng tôi chuyển chở nước ở nơi đủ tới nơi thiếu để cung cấp nước cho dân”, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết./.
Theo NGUYỄN THẢO/VOV
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.