Điểm cấp nước tập trung tại Bình Thuận vừa thiếu vừa yếu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2020 | 3:32:02 Chiều

Nhiều công trình cấp nước tập trung chưa được đầu tư nâng công suất, mở rộng mạng lưới đường ống nên không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 58 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế 61.145 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 103.493 hộ với 437.260 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ trên 48% dân số nông thôn của toàn tỉnh. Tuy nhiên, do các công trình cấp nước đầu tư đã lâu, công suất nhỏ, khai thác nước ngầm, nước trên suối, hồ nhỏ nên cũng không đảm bảo nguồn vào mùa khô hạn. Nhiều công trình cấp nước tập trung chưa được đầu tư nâng công suất nhà máy, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước nên không đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế của người dân.

diem cap nuoc tap trung tai binh thuan vua thieu vua yeu hinh 1
Trạm bơm xã Phan Thanh.
 Gia đình chị Tồn Thị Hồng ở thôn Châu Hanh, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận vẫn không quên được cảnh đi đào giếng ven lòng sông Lũy để lấy nước mang về nhà sinh hoạt vào đỉnh điểm mùa nắng hạn vừa qua. Chị Hồng cho biết, gia đình cũng đã bỏ tiền ra dẫn nước máy về để sinh hoạt nhưng vào mùa nắng hạn thì thường không có nước. Chị Hồng nói: "Vừa qua tình trạng hạn hán, ở xã Phan Thanh này bà con không có nước sinh hoạt. Khô nước trong 4 ngày, dân phải đi xuống sông đào giếng lấy từng giọt nước mang về nhà sinh hoạt. Ở nhà cũng có nước máy nhưng không có để xài do nguồn nước từ sông khô cạn, nên nước máy cũng không có. Chất lượng nước thì hôi, dơ quá nên thành hôi, lâu lâu mới có một lần".
diem cap nuoc tap trung tai binh thuan vua thieu vua yeu hinh 2
Bể nước dã chiến được sử dụng tại thôn Hoài Trung, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình.
 Trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Phan Thanh được đưa vào sử dụng từ năm 1995 với tổng lượng nước khai thác 490m3/ngày đêm, cấp nước cho hơn 1.800 hộ. Toàn xã có 7 thôn, trong đó 5 thôn ở gần trung tâm xã, 2 thôn còn lại cách xa trung tâm xã hơn 6 km. Đối với khu trung tâm xã thì trạm bơm thuộc Ban Quản lý công trình công cộng của huyện quản lý, lấy nước trực tiếp từ sông Lũy. Còn đối với hai thôn xa là Tịnh Mỹ và Cảnh Diễn thì được cấp nước bởi trạm bơm của xã khác, thuộc quản lý của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh.
diem cap nuoc tap trung tai binh thuan vua thieu vua yeu hinh 3
Dòng sông Lũy - nguồn cung cấp nước thô cho nhà máy bơm Phan Thanh.
 Ông Đào Văn Lượng– Chủ tịch UBND xã Phan Thanh cho biết, thời gian qua, nắng hạn gay gắt, mà cứ 10 ngày thì mới có nước xả từ thủy điện Đại Ninh về sông Lũy để cung cấp nguồn nước thô cho các trạm bơm. Cho nên, việc người dân có ống dẫn nước máy về nhà nhưng không có nước máy đề dùng thường xuyên xảy ra.
Ông Lượng cho biết: "Đặc biệt là trong tháng 5 vừa qua, do nguồn nước về không đủ nên dòng sông Lũy gần như cạn kiệt. Trong thời gian đó đối với trạm bơm do Ban quản lý công trình công cộng quản lý hầu như không có nước, mà khi nước về thì nước cũng không đảm bảo, mặc dù Ban Quản lý công trình công cộng cũng cố gắng xử lý nhưng chất lượng nước lúc đó cũng không được tốt".
Không chỉ có những trạm bơm lấy nước thô trực tiếp từ các con sông, con suối, kênh dẫn mà tại các trạm bơm lấy nước thô từ mạch nước ngầm cũng bị thiếu hụt nước vào mùa nắng hạn.
Ông Thông Minh Linh, Chủ tịch UBND xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình,  cho biết, hầu hết người dân ở địa phương sử dụng nước sinh hoạt từ nhà máy nước của trạm bơm Phan Rí Thành – Phan Hòa, thuộc Ban Quản lý công trình công cộng. Nhà máy này được xây dựng từ năm 1992 với công suất 700m3/ngày đêm, phục vụ cho hơn 2.300 hộ. Nhu cầu của người dân quá lớn mà nguồn nước thì hạn chế nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xẩy ra, không riêng gì vào mùa nắng hạn: "Hiện nay mình chỉ sử dụng nước giếng khoan mà nước giếng khoan này đã xây dựng lâu lắm rồi. Dân số ngày càng phát triển, vì vậy mà không thể đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của bà con. Đồng thời, hệ thống nước tuy mình có cải tạo một số tuyến để đáp ứng nhu cầu dùng nước nhưng cũng chưa đảm bảo. Địa phương cũng đề xuất nên đầu tư bổ sung một nguồn nước nào đó để kết nối với hệ thống nước của mình, như thế mới đảm bảo".
diem cap nuoc tap trung tai binh thuan vua thieu vua yeu hinh 4
Hồ chứa nước thô của nhà máy nước Sơn Lâm.
 Toàn huyện Bắc Bình hiện có tổng cộng 16 công trình cấp nước do nhiều đơn vị quản lý, khai thác với tổng công suất thiết kế 14.830 m3/ngày đêm, cung cấp cho 14.189 hộ dân/61.485 nhân khẩu. Tuy nhiên, công suất khai thác hiện tại của 16 công trình cấp nước tập trung chỉ là 8.950 m3/ngày đêm, đạt 63,07% công suất thiết kế.
Theo ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, hầu hết các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện đều thiết kế theo kiểu lấy nguồn nước thô trực tiếp từ các sông, hồ, một số ít lấy từ mạch nước ngầm nên mùa nắng hạn thường thiếu nước. "Các công trình này phù hợp với điều kiện có nguồn nước thường xuyên. Trong mùa nắng hạn thì không thể sử dụng mô hình này được, mà phải trực tiếp lấy từ kênh dẫn nước hoặc phải bơm vô trong hồ để mình bơm lên cho dân. Đề nghị ngành chức năng phải tính lại, nếu không có nước thì phải làm hồ lớn lên, nửa a tháng ta xả vô một lần. Có nước đi ngang thì có nước bơm, không có nước đi ngang thì không có nước bơm là cái dở của công trình hiện nay"- ông Long nói.
diem cap nuoc tap trung tai binh thuan vua thieu vua yeu hinh 5
Nhà máy nước Sơn Lâm cung cấp nước cho 2 xã vùng cao Phan Sơn và Phan Lâm, huyện Bắc Bình.
 Đợt nắng hạn vừa qua, toàn tỉnh Bình Thuận có 38 xã, phường, thị trấn với hơn 97 ngàn dân thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Trong đó, riêng huyện Bắc Bình có đến 8 xã với hơn 44 ngàn nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt. Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt bền vững cho khu vực nông thôn trong thời gian tới, Bình Thuận cần đẩy mạnh việc xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sẵn có, ưu tiên lấy nước thô từ các công trình thủy lợi, đồng thời đầu tư xây dựng mới một số công trình cấp thiết. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng các công trình cấp nước tập trung vừa thiếu vừa yếu./.

Theo Đoàn Sĩ/VOV

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.