78% người dân nông thôn Hà Nội đã được sử dụng nước sạch

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/6/2020 | 9:07:33 Sáng

Với nỗ lực của Hà Nội, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn đang dần tăng.

Theo phân tích của các chuyên gia, nước hợp vệ sinh là nước không màu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.

Nước hợp vệ sinh có thể là nước mưa được trữ trong các thiết bị dự trữ, hoặc là nguồn nước mặt được bơm lên sau đó đưa vào bồn chứa và truyền dẫn đến người dân sử dụng, hoặc là nước từ các công trình nước sinh hoạt tập trung,..

Còn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người (viết tắt là nước sạch) đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT do Bộ Y tế ban hành.

78 nguoi dan nong thon ha noi duoc su dung nuoc sach
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2020 đạt 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. (Ảnh: TL)
Theo các chuyên gia về môi trường, nước hợp vệ sinh có thể được đánh giá bằng cảm tính. Còn với nước sạch thì phải kiểm định dựa vào thiết bị thí nghiệm theo QCVN 01-1:2018/BYT do các cơ quan, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân thực hiện. Để có nước sạch theo đúng QCVN 01-1:2018/BYT thì nguồn nước không bị ô nhiễm và phải có dây chuyền công nghệ xử lý nước phù hợp với từng nguồn nước.

Cũng theo các chuyên gia, nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E. Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, phẩy khuẩn tả gây bệnh tả…

Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi có 5 dự án cấp nguồn nước sạch được hoàn thành từ cuối năm 2019, tỷ lệ dân số nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đã lên 78%.

Theo đó, từ năm 2016 đến tháng 10-2019, TP Hà Nội đã có 5 dự án cấp nước nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn hiện nay đạt 1,52 triệu m3/ngày đêm, tăng 632.000 m3/ngày đêm so với năm 2016.

Trong khi nhu cầu sử dụng bình quân hiện khoảng 1,15 - 1,25 triệu m3/ngđ. Với tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trên 6%) và nhu cầu sử dụng nước của nhân dân vào thời gian cao điểm mùa hè tăng khoảng 5 - 10% thì sản lượng này cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và dự trữ cho phát triển, mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, thay thế nguồn nước ngầm kém chất lượng.

Trường hợp sự cố hoặc bảo dưỡng sửa chữa đường ống số 1 nước sạch sông Đà, việc đưa vào vận hành Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đấu nối bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống cho khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông thì thời gian cấp nước ổn định trở lại cho người dân khu vực sử dụng nguồn nước mặt sông Đà sẽ được rút ngắn xuống khoảng 1 ngày.

Hiện nay, có 5 dự án cấp nguồn trên địa bàn TP đang thực hiện, gồm: Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 2) nâng công suất lên 300.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II (hợp phần 2) nâng công suất lên 450.00 - 600.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Phú Sơn (huyện Ba Vì) giai đoạn 2 nâng công suất lên 60.000m3/ngày đêm; Nhà máy nước Mê Linh (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh) công suất 25.000m3/ngày đêm đang triển khai thi công (tiến độ thực hiện 2019-2020) với tổng công suất dự kiến tăng thêm khoảng 670.000m3/ngày đêm.

Để phát huy tối đa công suất các nguồn cung cấp hiện có, UBND TP đã giao các nhà đầu tư tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển mạng cấp nước cho khu vực nông thôn, mục tiêu đạt tỷ lệ 100% người dân nông thôn Hà Nội sử dụng nước sạch trong năm 2020.

Theo Minh Phong/Pháp luật và xã hội

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.