Bình Định: Hàng ngàn hộ dân "chết khát" dù sống cạnh Nhà máy nước xã Mỹ Chánh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2020 | 3:20:31 Chiều

Sống cạnh nhà máy nước sạch, nhưng nhiều năm qua, hàng nghìn hộ dân ở xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) phải sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để “cầm hơi”, hàng ngày người dân phải qua các khu vực lân cận mua nước về sử dụng.

Anh143.
Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh.
 Sống cạnh nhà máy nước vẫn "chết khát"
Theo nhiều hộ dân ở xã Mỹ Chánh, trên địa bàn xã này có hệ thống nước sạch từ Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh, nhưng người dân chỉ sử dụng được một năm, sau đó nguồn nước này không về được nữa. Chính vì thế, hơn 5 năm nay, người dân ở địa phương này luôn sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Qua khảo sát của phóng viên, mặc dù khoảng cách từ Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh đến các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 và An Xuyên 3 chỉ từ 2 - 3km, nhưng nhiều năm nay nước sạch không thể đến được nhà dân. Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, người dân các thôn này phải mang thùng, can nhựa sang các địa phương lân cận mua nước. Thậm chí, nhiều hộ còn qua xã Cát Minh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) mua từng can nước sạch về dùng.
Chị Trương Thị Vân (ngụ thôn An Xuyên 3) cho biết: "Ngày nào tôi cũng phải lấy xe máy qua mua nước của một số hộ ở thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) về sử dụng. Một ngày, tôi đi chở từ 3 - 4 chuyến, mỗi chuyến thồ 5 can nước. Mỗi can nước 20 lít có giá tiền từ 1.000 - 1.500 đồng. Dù biết giá nước bán không đúng với quy định, thế nhưng để đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt, gia đình đành phải mua về sử dụng”.
Người dân phải mua nước sạch ở địa phương khác về sử dụng.
 Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm nắng nóng gay gắt, anh Đinh Văn Não (ngụ thôn An Xuyên 3) cũng phải đi mua nước về sử dụng. Mỗi ngày, anh thường đi mua 2 lần, lúc sáng sớm và chiều tối. "Mỗi lần đi mua nước là một lần khó nên hầu hết người dân đều đem đi rất nhiều can, thùng để chứa nước. Dù vậy, không phải tới là có nước để mua liền, mà có hôm chờ đợi rất lâu, bởi rất nhiều người tập trung để mua. Chở nước từ thôn này sang thôn kia mới có nước sinh hoạt, nấu ăn, tắm giặt”, anh Não bộc bạch.
Theo ông Lại Văn A (ngụ thôn An Xuyên 1), mặc dù đường ống nước nước sạch đã được bắt vào nhà, nhưng người dân phải bỏ tiền túi đi khoan, đào giếng, tìm nguồn nước để sử dụng trong gia đình. Một số hộ ở xa không khoan, đào được giếng, họ có nhu cầu sử dụng nước giếng khoan, đào chung với người có giếng thì trả tiền điện khoảng 10.000 đồng với một lần bơm. "3 năm nay, gia đình chúng tôi sử dụng nước giếng đào.
Giếng đào khoảng 20m thì có nước ngọt, nhưng khi thời tiết khô hạn là không có nước. Khi đó phải đào sâu hơn, nhưng đào sâu thì nước sẽ bị nhiễm mặn hoặc có phèn nên không dùng được”, ông A ngán ngẩm cho biết. Theo UBND xã Mỹ Chánh, hiện toàn xã có trên 85% hộ thiếu nước sinh hoạt.
Trong khi đó, Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh được đầu tư 12 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2004, công suất thiết kế 900 m3/ngày đêm.  Nhà máy cung cấp nước cho khoảng 3.300 hộ dân trong xã và hàng trăm hộ dân thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát). Vào thời điểm khô hạn, nguồn nước ngầm trên sông La Tinh cạn kiệt, Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh chỉ hoạt động cầm chừng.
Mặt khác, hệ thống đường ống nước mới đưa vào sử dụng, nhưng có nhiều đoạn bị bể, một số hộ dân nuôi hải sản lén lút đục ống lấy nước ngọt cho vào hồ nên lượng nước thất thoát nhiều. Do đó, nước không thể tới được các hộ dân ở cuối đường ống. Các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 và An Xuyên 3 là những địa bàn thiếu nước nghiêm trọng nhất. "Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại địa phương kéo dài từ tháng 3 - 10, nhưng đỉnh điểm là từ tháng 6 - 9 do nguồn nước sông La Tinh bị cạn kiệt.
Đối với các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 và An Xuyên 3, do nằm sát với chân nước mặn ven đầm Đề Gi nên nguồn nước mạch ở đây đã nhiễm mặn. Vậy nên người dân khoan giếng cũng không thể lấy nước ngọt để sử dụng. Bên cạnh đó, hiện nguồn nước sông La Tinh cũng bị ô nhiễm do chăn nuôi gia cầm ven sông mật độ dày đặc”, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Phạm Thái Bình cho biết.
Nguyên nhân do chờ nâng cấp nhà máy nước
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhằm kịp thời giúp người dân sớm có nguồn nước sinh hoạt tạm thời trong mùa nắng nóng, UBND xã Mỹ Chánh đã làm tờ trình đề nghị UBND huyện Phù Mỹ và ngành chức năng xem xét, sớm có kế hoạch cấp nước cho người dân để sinh hoạt, ổn định cuộc sống. Ông Bình cho biết, hiện nay Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh đã bàn giao cho UBND huyện Phù Mỹ quản lý và đã có chủ trương đầu tư, nâng cấp nhà máy giai đoạn 2 với kinh phí 39 tỷ đồng.
Theo đó, để chủ động nguồn nước, Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh sẽ lấy nước ngầm từ đập Cây Ké (xã Cát Tài, huyện Phù Cát) đưa về nhà máy xử lý. Đến thời điểm này, nhà thầu đang triển khai thi công, khoảng gần một tháng nữa nước sẽ về nhà máy.
Tiếp đó, nhà máy sẽ đặt một đường ống nổi để giải quyết tạm thời một phần thiếu nước hoạt cho người dân. Đồng thời, xây dựng toàn bộ đường ống mới, tránh tình trạng thất thoát nước. Cảnh sống thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng không chỉ xảy ra cho người dân xã Mỹ Chánh, mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bình Định đều chung cảnh ngộ.
Chẳng hạn như ngay từ đầu mùa khô đã có hàng nghìn hộ dân tại các xã Mỹ Cát, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), Canh Thuận, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), Bình Thuận (huyện Tây Sơn)… bị thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng kéo dài khiến tình trạng xâm nhập mặn xảy ra tại nhiều địa phương thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Chưa hết, tỉnh Bình Định hiện có 88/165 hồ chứa nước thủy lợi đã cạn nước. Lượng nước các hồ chứa còn lại 236,5 triệu m3, đạt 40,1% so với dung tích thiết kế, bằng 68,2% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng nước tại các hồ chứa giảm kéo theo nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn. Hiện lượng nước tại các hồ chứa chỉ đảm bảo được 6.124ha cây trồng, còn 1.629ha sẽ không sản xuất được vì không có nước tưới.
Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền các cấp cần tích cực, sẵn sàng chống hạn, hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình nước sạch để cung cấp cho người dân. Các địa phương phải xác định cụ thể vùng chủ động nước tưới, vùng thiếu nước tưới theo mức độ khác nhau, trên cơ sở đó, xây dựng và chỉ đạo kế hoạch sản xuất phù hợp.
Được biết, để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các dự án chống hạn, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ nguồn vượt thu cho tỉnh là 205 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này là nhằm sớm triển khai các dự án chống hạn, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 1.425ha vùng đất thường xuyên bị khô hạn và cấp nước sinh hoạt phục vụ cho 64.200 người đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.
Theo Đình Phùng/Phapluatplus
  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.