Hơn 10.000 dân vùng cao quay quắt ‘khát’ nước sạch mùa khô hạn

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/7/2020 | 3:51:14 Chiều

Hơn 10.000 người dân huyện miền núi Nam Đông (tỉnh TT-Huế) thiếu nước sạch trầm trọng trong đợt nắng hạn kéo dài nhiều tháng nay. Hàng nghìn người dân vùng cao hằng ngày vẫn phải mang can, mang thùng vào khe suối nhiễm phèn, không bảo đảm vệ sinh để lấy nước về sinh hoạt.

 Cây trồng tại Nam Đông, tỉnh TT-Huế, thiếu nước tưới nghiêm trọng. Ảnh: Hiếu Lê

Cây trồng tại Nam Đông, tỉnh TT-Huế, thiếu nước tưới nghiêm trọng. Ảnh: Hiếu Lê

Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tình trạng thiếu nước sạch xảy ra tại nhiều xã, thị trấn trong liên tục các tháng mùa nắng nóng năm nay. Trong đó, những "điểm nóng” về khô hạn, thiếu nước sinh hoạt là các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Xuân.

Theo thống kê bước đầu, tại 5 xã vùng cao này hiện có gần 3.000 hộ dân, với hơn 10.000 nhân khẩu, sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt triền miên.

TT-Huế Hơn 10.000 dân vùng cao quay quắt ‘khát’ nước sạch mùa khô hạn - ảnh 1
Người dân xã Hương Hữu, huyện Nam Đông, chắt chiu từng can nhỏ nước khe suối để mang về nhà dùng dè sẻn trong mùa hạn hán.

Để tìm nguồn thay thế, người dân phải dùng nước các khe suối tự nhiên không đảm bảo vệ sinh, nước mưa tích lũy, nước giếng khoan nhiễm phèn dưới lòng đất... Nước để tắm giặt cũng được tận dụng triệt để từ nguồn các khe suối trên địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Xom (ngụ thôn 6, xã Hương Hữu, Nam Đông) cho biết, để tích lũy đủ nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình, người này phải dậy sớm mỗi sáng, mang can nhựa vào khe Vôn cách nhà khá xa để gùi nước về.

Nước khe Vôn ở xã Hương Hữu hiện là nguồn cấp duy nhất dùng cho sinh hoạt, chăn nuôi của khoảng 80 hộ dân (với hơn 350 nhân khẩu) của thôn 6. "Nếu nắng hạn kéo dài, nguồn nước khe Vôn cạn kiệt, tình hình sẽ căng thẳng hơn, dân trong vùng không còn biết "bấu víu” vào đâu”, anh Xom lo lắng.

TT-Huế Hơn 10.000 dân vùng cao quay quắt ‘khát’ nước sạch mùa khô hạn - ảnh 2
Nước khe suối tại vùng khô hạn Nam Đông là "cứu cánh” cuối cùng dành cho người dân vùng cao này.

Những ngày này, cứ mỗi sáng sớm hay chiều muộn đi dọc theo đường bộ men theo các khe suối ở Hương Hữu, Thượng Long, không khó để bắt gặp nhiều người dân đồng bào vùng cao đi gùi nước uống, hoặc kéo nhau ra suối để tắm giặt. Vì đây là nguồn cấp nước duy nhất còn lại của các địa phương vùng cao Nam Đông. Biết là nước không bảo đảm vệ sinh, bị nhiễm phèn, nhưng người dân không còn lựa chọn nào khác.

Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, thời điểm hiện nay, học sinh học bán trú trên các địa bàn bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng đã nghỉ hè. Nếu không, tình hình cấp nước cho các cơ sở giáo dục này hết sức khó khăn.

Được biết, gần một tháng trước, các trường phải thắt lưng buộc bụng "chơi sang" mua nước uống tinh khiết đóng sẵn trong các thùng nhựa lớn để về nấu ăn cho học sinh bán trú, vì các thầy cô không tìm nguồn nước nào khác trên địa bàn để thay thế.

TT-Huế Hơn 10.000 dân vùng cao quay quắt ‘khát’ nước sạch mùa khô hạn - ảnh 3
Không khó để bắt gặp người dân đồng bào vùng cao Nam Đông đi xách nước nơi khác về uống.

Liên quan chuyện thiếu nước sinh hoạt triền miên trên vùng cao Nam Đông, ông Tà Rương Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hữu chia sẻ, năm nào địa phương cũng chịu ảnh hưởng của khô hạn, đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng hết sức trầm trọng.

Người dân đã tìm phải đủ cách để khắc phục, bù đắp như dẫn nước tưới nơi xa hàng cây số về ruộng, đào giếng sâu từ 8 đến 10 mét, xây bể chứa nước..., nhưng tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, nước tưới vẫn diễn ra thường xuyên. Người dân từng kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt. Nhưng đến nay, công trình nhà máy nước mới chỉ hình thành trên giấy, sau khi UBND tỉnh TT-Huế đã có thông báo chủ trương đầu tư.

Cụ thể, vào năm 2018, UBND tỉnh TT-Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy nước Thượng Long, cùng mạng lưới cấp nước sạch công suất 2.000 m3/ngày đêm cho các 5 xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Xuân.

Dự án do Công ty Cổ phần Cấp nước TT-Huế làm chủ đầu tư, với trị giá hơn 50 tỷ đồng, trong đó, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh là 13 tỷ đồng.

TT-Huế Hơn 10.000 dân vùng cao quay quắt ‘khát’ nước sạch mùa khô hạn - ảnh 4
Nếu nắng hạn kéo dài, nguồn nước khe suối tại Nam Đông khô kiệt, người dân vùng cao sẽ không  biết "bấu víu” vào đâu để tìm nguồn nước sinh hoạt thay thế.

"Vấn đề đầu tư nhà máy cấp nước luôn được người dân, cử tri, đại biểu HĐND huyện, tỉnh quan tâm lâu nay”, ông Lê Thanh Hồ thông tin.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Nam Đông, công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy nước Thượng Long hiện đã hoàn tất, 11 hộ dân bị thu hồi đất giải phóng được đền bù hơn 700 triệu đồng đang thực hiện công tác bàn giao mặt bằng. Dự kiến, tháng 8 này, dự án cấp nước tại Nam Đông sẽ được khởi công.

 Theo Ngọc Văn/TPO

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.