Hà Nội: Nước sạch có thật sự… sạch?
- Cập nhật: Thứ hai, 22/7/2013 | 9:40:44 Sáng
Đến nay cơ bản 100% người dân các quận nội thành Hà nội và một số khu vực ở các huyện ngoại thành đã có nước sạch sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng nước có thật sự “sạch” hay không vẫn là điều người dân đang lo ngại.
Hoàn Kiếm là quận trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại của Thủ đô, do đó, chất lượng cuộc sống có phần cao hơn nhiều nơi khác. Nhưng riêng về chuyện nước sạch, người dân nơi đây thỉnh thoảng vẫn phải chịu cảnh nước sạch mà… không sạch giống như nhiều quận nội thành khác.
Theo phản ánh của các hộ dân tại khu vực phường Phúc Tân, Bạch Đằng, Lý Thái Tổ, thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), vài tháng trước đây, nước sạch tại khu vực này có hiện tượng vẩn đục, nổi váng, và có cặn bám xung quanh các vật chứa nước. Hiện tượng này khiến người dân vô cùng lo lắng khi sử dụng nước trong sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở số nhà 8, ngõ 135, phố Hàm Tử Quan, phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Nước sạch bị vẩn đục, nổi váng, đóng cặn bắt đầu xuất hiện từ giữa năm ngoái, chúng tôi không dám sử dụng vào việc nấu ăn mà chỉ dám dùng để tắm, giặt. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND phường Phúc Tân, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm, và tình trạng này đã được khắc phục”. Tuy nhiên, chị Hoa vẫn băn khoăn: “Hiện tại nước sạch đã trong, không có hiện tượng bất thường, nhưng chất lượng nước có bảo đảm hay không thì chúng tôi không biết. Và thực sự là chúng tôi không tin tưởng vào chất lượng nước sạch đang sử dụng”.
Tại quận Cầu Giấy, những trọng điểm như các tổ 43, 45, 46 phường Quan Hoa đã không còn “khát” nước, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Minh, tổ 43, phường Quan Hoa thì nước sạch ở đây thỉnh thoảng có mùi thuốc sát trùng rất nặng, “không biết có phải do nước chưa được sạch nên công ty kinh doanh nước phải tăng lượng clo để sát trùng, và hàm lượng thuốc sát trùng lớn như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Mỗi khi có hiện tượng như vậy, gia đình chúng tôi phải mở nắp thùng chứa nước để cho bay hết mùi rồi mới sử dụng”. Ông Minh cho biết.
Chị Lê Minh Huyền ở nhà số 41, ngõ 83, Phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) phản ánh, nước uống của gia đình chị đựng trong bình thủy tinh thường có cặn bám rất nhiều, thậm chí uống vào thấy vướng trong cổ. Ban đầu gia đình chị nghĩ do ấm đun nước dùng đã lâu năm nên có cặn bám, nhưng khi đun nước bằng ấm mới, hiện tượng cặn nhiều vẫn xảy ra. Và cho đến thời điểm này, tình trạng nước đóng cặn vẫn chưa được cải thiện”.
Nước bẩn… nhà máy nước vô can?
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Việt Anh, Phó Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm thừa nhận: “Cách đây vài tháng có tình trạng nước sạch do xí nghiệp cung cấp bị nổi váng, vẩn đục”. Theo ông Phạm Việt Anh, hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân như: Công tác triển khai nâng cấp nhiều tuyến đường có thể đụng chạm, làm vỡ đường ống dẫn nước của xí nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng của nước. Hoặc trong quá trình cấp nước bị gián đoạn, khi cấp nước lại thì lượng nước đầu đường ống hay bị vẩn đục, nổi váng…
Ông Phạm Việt Anh cũng cho biết: “Sau khi khắc phục hiện tượng nước nổi váng, vẩn đục ở phố Hàm Tử Quan, xí nghiệp đã lấy mẫu nước tại 3 địa điểm trên địa bàn quận gửi lên Công ty nước sạch Hà Nội để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy “Các thành phần hóa lý và vi sinh đã phân tích của 3 mẫu nước trên đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước uống”. Hiện nay, xí nghiệp và Sở Y tế vẫn thường xuyên kiểm tra chất lượng nước định kỳ. Khi phóng viên đưa ra câu hỏi: “Liệu hiện tượng nước sạch…mà không sạch có lặp lại lần nữa?” thì ông Việt Anh không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.
Một số hộ dân do lo lắng về chất lượng nước đã tự mang mẫu nước đi xét nghiệm, kết quả cho thấy thường không đạt tiêu chuẩn nước sạch, có nơi hàm lượng amoni và asen cao vượt quá ngưỡng cho phép, nhưng theo báo cáo của các công ty kinh doanh nước sạch thì chất lượng nước luôn đạt tiêu chuẩn. Thắc mắc về vấn đề này, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy giải thích: “Sở dĩ có chuyện “vênh nhau” về kết quả xét nghiệm là do người dân thường lấy nước từ đầu máy ở nhà, nước đã đi qua một quá trình dài, đường ống có nơi đã cũ nên chất lượng nước bị thay đổi. Hoặc cách lấy mẫu nước không đúng, dụng cụ đựng mẫu không được bảo đảm…”. Ông Cương khẳng định: “Hiện nay, nước do xí nghiệp cung cấp đạt tiêu chuẩn nước sạch”.
Nguồn nước khai thác có còn bảo đảm?
Được biết, ngoài nguồn nước được khai thác từ các giếng ngầm, nước mặt sông Đà đã bắt đầu hòa vào mạng lưới nước sạch Hà Nội từ 30/07/2008. Tiến sĩ Lê Văn Cát, Phòng Hóa môi trường, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, từ năm 1991, nhóm khảo sát của Đại học Y Hà Nội đã phát hiện nguồn nước ngầm ở Hà Nội và hầu hết các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng đều nhiễm amoni. Theo tiến sĩ Cát, chất amoni không gây hại trực tiếp cho cơ thể người mà chỉ ảnh hưởng xấu đối với sự sống của động vật dưới nước như tôm, cá… Tuy nhiên, trong quá trình lưu trữ, amoni lại sinh ra nitrit và nitrat là hai chất rất độc, dùng nhiều có thể gây ung thư. Năm 2002, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố tình trạng nhiễm amoni trong nước ngầm đến mức báo động ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tại nhiều tỉnh, xác suất các nguồn nước ngầm nhiễm amoni ở nồng độ cao hơn tiêu chuẩn lên tới 80%.
Nguồn nước mặt sông Đà cũng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm do nạn đào, đãi vàng trái phép nơi thượng nguồn. Để phục vụ cho việc đào đãi vàng sa khoáng phải cần đến thủy ngân và cyanua, đó là những chất cực độc. Hàng ngày, hàng giờ những chất độc đó được hòa lẫn với nước sông Đà, dù lắng ở đâu, tự phân hủy ở đâu thì nó vẫn tồn tại và ngấm ngầm gây hại.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, đơn vị trực tiếp quản lý Nhà máy xử lý nước mặt sông Đà cho biết: “Chúng tôi chưa phát hiện có hóa chất ảnh hưởng đến khu vực nước mặt sông Đà mà công ty đang khai thác. Có thể ở thượng nguồn có hiện tượng nhiễm độc thủy ngân và cyanua, nhưng hàm lượng chưa nhiều, hơn nữa lưu lượng nước của sông Đà rất lớn nên đã pha loãng những độc hại có từ đầu nguồn”.
Phạm Thu Hà (TMMT)
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.