Nhằm đảm bảo duy trì nước sinh hoạt cho người dân TP Hạ Long, TP Uông Bí và TX Quảng Yên, Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh đã phải lắp máy bơm di động giữa lòng hồ Yên Lập, tiếp đó cắm ống bơm xuống tận điểm sâu nhất để hút nước.
Hệ thống máy bơm được đặt trên một bè phao nổi, nước rút tới đâu thì máy bơm di động này chạy tới đấy để đảm bảo khai thác tối đa lượng nước còn lại.
Xe chở nước "cứu khát" nhiều khách sạn, nhà hàng tại TP Hạ Long
Theo Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh Trần Mạnh, việc này được thực hiện cách đây 1 tuần vì mực nước đã xuống quá thấp, trạm bơm nước đã không còn hoạt động được.
Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp tình thế trước mắt để ứng phó tình trạng này, phía TP Uông Bí vẫn đảm bảo nước vì có hồ chứa nước dự phòng trữ lượng 100 nghìn m3. TX Quảng Yên hiện đã phải điều phối việc cấp nước tới từng khu vực luân phiên nhau.
Lắp máy bơm dã chiến tại hồ Yên Lập
"Mực nước đã xuống thấp quá khả năng hoạt động của trạm bơm nước thô, vì vậy chúng tôi vừa hoàn thiện việc kéo dài đường ống kèm trạm bơm dã chiến ngay tại lòng hồ Yên Lập, việc này có thể duy trì khoảng 1 đến 2 tháng", ông Mạnh nói.
Cũng theo ông Mạnh, hiện tại đã có một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Hạ Long yêu cầu xe chở nước tới tận nơi để bơm nước "cứu khát" vì lượng nước sinh hoạt không còn.
Phía công ty đã cử lực lượng tới kiểm tra, nắm bắt tình hình và điều xe tới bơm trực tiếp, không để du khách thiếu nước sạch khi du lịch tại đây.
"Nhiều khách sạn, nhà hàng hiện tại dùng bơm cao áp để hút nhiều nước nhất có thể khiến áp suất dòng chảy ở ống nước giảm đi, việc này làm những nơi khác xảy ra tình trạng nước yếu, thậm chí không có nước nên phải điều xe chở nước trực tiếp tới", ông Mạnh băn khoăn.
Mực nước tại hồ Yên Lập xuống thấp, tiệm cận mực nước chết
Còn theo Giám đốc thuỷ lợi Yên Lập Nguyễn Xuân Tùng, hiện tại hồ Yên Lập chỉ còn khoảng 5 mét nữa là tới mực nước chết, khuyến cáo người dân dùng nước tiết kiệm.
"Việc tưới tiêu, thuỷ nông của người dân vẫn phải đảm bảo, tuy nhiên phải luân phiên cho dừng địa phương, giảm lịch cấp nước xuống còn 2 lần, mỗi lần 7 ngày", ông Tùng tâm tư.
Được biết, hồ nước ngọt Yên Lập có trữ lượng lớn nhất Quảng Ninh (127 triệu m3), được đưa vào hoạt động từ năm 1982, chưa từng có tiền lệ việc cạn nước tới mức báo động như hiện nay.
Theo Phạm Công/Vietnamnet