Quản lý hồ chứa nước chưa đảm bảo quy trình

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/8/2013 | 10:35:32 Sáng

Trong những năm gần đây, hàng loạt nhà máy thủy điện đã và đang được xây dựng ở vùng thượng lưu các hệ thống sông, suối trên địa bàn tỉnh Lào Cai, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, khi các dự án thủy điện đi vào hoạt động thì công tác vận hành hồ chứa nước thủy điện đang bị xem nhẹ, đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân vùng hạ lưu.

“Đánh bạc với trời”

Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có gần 30 nhà máy thủy điện đã hoàn thành đi vào hoạt động, với tổng công suất trên 373 MW. Trong đó, đi liền với các nhà máy thủy điện thì các hồ tích nước cũng được xây dựng, có một số hồ thủy điện có dung tích lớn ở Lào Cai như: Hồ thủy điện Bắc Hà, Ngòi Phát, Tả Thàng, Nậm Phàng, Séo Choong Hô, Séo Mý Tỷ…

 

Theo qui định, khi các hồ thủy điện đi vào hoạt động thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý tài nguyên nước, trong đó có một số qui định như: Tuân thủ quy trình vận hành hồ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ chứa, an toàn hạ du hồ chứa, không làm cạn kiệt nguồn nước, không gây biến đổi lớn đến chế độ dòng chảy hạ lưu hồ; thực hiện việc quan trắc, thu thập thông tin, dữ liệu về thủy văn phục vụ yêu cầu bảo vệ, quản lý vận hành, khai thác hồ chứa theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân vùng hạ du trong trường hợp xả lũ, duy trì dòng chảy tối thiểu không đúng quy định, quy trình…

 

Phóng viên đã đi tìm hiểu công tác vận hành hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Bắc Hà thuộc Công ty Cổ phần thủy điện Bắc Hà và Nhà máy thủy điện Mường Hum của Công ty TNHH Một thành viên thủy điện Mường Hum. Đây được coi là hai hồ chứa thủy điện lớn nhất nhì trên địa bàn tỉnh hiện nay. Cả hai đơn vị này đều đã được Bộ Công thương phê duyệt qui trình vận hành hồ chứa xong khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động thì họ đã “quên” không thực hiện. Đặc biệt là ba nhiệm vụ rất quan trọng trong qui trình vận hành hồ chứa thì hai đơn vị nêu trên vẫn đang bỏ ngỏ, đó là: Xây dựng trạm quan trắc thủy văn tại khu vực hồ và vùng hạ lưu, tổ chức xả lũ đảm bảo an toàn vùng hạ du hồ chứa và duy trì dòng chảy tối thiểu cho các sông, suối…

 

Trao đổi với chúng tôi, Kỹ sư Lưu Minh Hải, Giám đốc Trạm Khí tượng thủy văn Lào Cai cho biết: Không riêng gì Nhà máy thủy điện Bắc Hà và Nhà máy thủy điện Mường Hum quên không thực hiện các qui định về qui trình vận hành hồ chứa thủy điện mà hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có trên 20 hồ chứa thủy điện lớn đã tích nước phát điện xong hầu hết đều không thực hiện đầy đủ những qui định về qui trình vận hành hồ chứa thủy điện. Đặc biệt là ba nhiệm vụ quan trọng, đó là: Xây dựng trạm quan trắc thủy văn tại khu vực hồ, lập phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du hồ chứa và duy trì dòng chảy tối thiểu… điều này cực kỳ nguy hiểm vì như vậy là các chủ đập thủy điện đang “đánh bạc với trời”, họ đang vận hành các hồ nước theo kiểu “cắm que đo nước và nhìn trời đoán mưa” làm như vậy là coi thường tính mạng, tài sản cũng như quyền lợi của nhân dân…

 

Coi nhẹ tính mạng người dân?

Ở Lào Cai, cũng chính vì các chủ đập không thực hiện nghiêm túc các qui định về vận hành hồ chứa thủy điện nên đã gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với nhân dân vùng hạ lưu. Cụ thể, hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Bắc Hà, đây là hồ chứa có dung tích lớn nhất tỉnh hiện nay, với nhiệm vụ trữ nước phục vụ chạy 2 tổ máy với công suất 90 MW và điều tiết lũ cho vùng hạ lưu. Hồ thủy điện Bắc Hà được thiết kế với diện tích lưu vực hơn 3.400 km2, cao trình mực nước dâng là 180m với diện tích mặt hồ là 6,8 km2 và dung tích toàn bộ hồ chứa là 171,1 triệu mét khối. Không nói thì ai cũng biết với diện tích lưu vực rộng lớn và dốc cùng với dung tích của hồ chứa như vậy thì công tác vận hành hồ chứa là cực kỳ quan trọng bởi nếu có sự cố thì sẽ gây thiệt hại thảm khốc đối vùng hạ lưu. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà sau hơn 2 năm đưa hồ chứa vào vận hành, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Bắc Hà vẫn chưa xây dựng trạm quan trắc thủy văn để phục vụ công tác vận hành hồ chứa và đảm bảo an toàn đập cũng như điều tiết lũ vùng hạ lưu. Bên cạnh đó việc thực hiện các qui định vận hành hồ như thông báo xả lũ, duy trì dòng chảy tối thiểu hầu như chưa được quan tâm.

 

Lý giải những chậm trễ trong việc xây dựng trạm quan trắc thủy văn tại khu vực hồ, ông Tạ Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Hà, cho biết: Sau khi hồ thủy điện Bắc Hà chính thức tích nước, đơn vị đã đề nghị Trạm Khí tượng thủy văn Lào Cai tổ chức khảo sát để thiết kế xây dựng một trạm quan trắc thủy văn; tuy nhiên, do kinh phí quá cao nên đơn vị chưa thể tiến hành xây dựng. Để có kết quả quan trắc thủy văn, phục vụ công tác vận hành hồ chứa, Công ty đã thuê một người dân ở xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai làm nhiệm vụ quan trắc thủy văn ở vùng thượng nguồn; hàng ngày người này quan trắc bằng mắt thường và thông báo qua điện thoại cho bộ phận thường trực của công ty tại nhà máy phát điện để điều tiết nước…Còn về việc duy trì dòng chảy tối thiểu không được thực hiện là do thượng nguồn khô hạn, nước về hồ ít nên nhà máy phải đóng đập tích nước để phát điện. Nói như vậy cũng có nghĩa là Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Hà đang coi trọng lợi nhuận mà quên đi nghĩa vụ vô cùng quan trọng với nhân dân vùng hạ lưu hay nói cách khác là họ đang cố tình không thực hiện các qui định của nhà nước về vận hành hồ chứa thủy điện. Đối với Nhà máy thủy điện Mường Hum thì việc vận hành hồ chứa cũng không khác là mấy. Được biết, nhà máy thủy điện này đi vào hoạt động đã hơn 3 năm nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa thể thông qua phương án vận hành hồ chứa và qui chế phối hợp phòng chống lụt bão với một số ngành chức năng vì còn nhiều điều kiện chưa đáp ứng yêu cầu về qui trình vận hành hồ. Điều này cũng có nghĩa là trong ngần ấy thời gian chủ đập tùy ý thích đóng xả thế nào là việc của họ còn người dân các thôn bản của các xã Bản Vược, Bản Xèo, Dền Thàng nằm dưới vùng hạ du thì hàng ngày phải sống trong cảnh mùa khô thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, mùa mưa bão thì luôn nơm nớp lo lũ lụt.

 

Giải thích nguyên nhân việc Nhà máy thủy điện Mường Hum chưa thể thực hiện đúng qui trình vận hành hồ chứa theo qui định, ông Nguyễn Khắc Chính, Giám đốc Nhà máy, cho rằng: Hiện nay, trên thượng lưu vẫn còn 3 nhà máy thủy điện khác đang xây dựng vì thế đơn vị chờ các nhà máy này hoàn thành thì sẽ phối hợp lập các trạm quan trắc thủy văn một thể. Khi phóng viên nêu vấn đề nếu không có trạm quan trắc thủy văn thì chủ đập lấy căn cứ nào để vận hành hồ chứa, vị Giám đốc này rất thẳng thắn cho biết “trời mưa, nước về đầy hồ thì xả còn mùa hạn thì đóng đập tích nước”. Cần nói thêm rằng hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Mường Hum có dung tích hồ chứa là 2,14 triệu m3; hồ đón nước của 3 dòng suối ở thượng nguồn trên dãy Hoàng Liên (với diện tích lưu vực là 347 km2) đổ về có dốc rất lớn, vào mùa lũ lượng nước về hồ sẽ vô cùng lớn và nếu không vận hành hồ chứa đúng qui trình và có cơ sở khoa học thì nó sẽ như một trái bom nước treo lơ lửng trên hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ du.

 

Làm gì để tránh hậu họa?

Ông Nguyễn Duy Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, cho biết: Về công tác vận hành hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi, Chính phủ luôn nhất quán quan điểm chỉ đạo có tính nguyên tắc, đó là: Bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, đây là yêu cầu cao nhất; không được ảnh hưởng lớn đến môi trường; phải tính đến hiệu quả tổng thể, không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả về mặt xã hội, về mặt môi trường và việc vận hành phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật…Để làm tốt công tác vận hành các hồ thủy điện, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, theo ông Hùng, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tổ chức rà soát đánh giá lại công tác quy hoạch thiết kế các hồ chứa. Các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như chính quyền các cấp cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác vận hành các hồ chứa thủy điện. Hàng năm cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để xem xét bổ sung phương án vận hành một cách tối ưu; ngoài ra cũng cần có biện pháp xử lý các chủ đập không chấp hành quy trình vận hành hồ chứa hoặc bắt buộc phải bồi thường cho người dân vùng hạ lưu nếu việc vận hành hồ chứa gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng của người dân.

Bài và ảnh: Quốc Khánh

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.