Nhà máy nước sạch tập trung cụm xã Đại Lai, Xuân Lai do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư xây dựng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2015. Giai đoạn 1, công suất thiết kế 4.500 m3/ngày-đêm, nhà máy góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt, nâng cao sức khỏe cho hơn 4.000 hộ gia đình ở 2 xã: Đại Lai, Xuân Lai. Giai đoạn 2 của Nhà máy hoàn thành từ tháng 12-2016, công suất 8.500 m3/ngày, đêm gồm 4 modul sử dụng công nghệ lắng lamel, bảo đảm nước sinh hoạt cho 12.000 hộ dân ở các xã: Đại Lai, Xuân Lai, Vạn Ninh, Thái Bảo, Nhân Thắng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống, khắc phục tình trạng dùng nước kém chất lượng của người dân.
Với phương châm chất lượng nguồn nước là sự quan tâm hàng đầu, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hàng tháng, Nhà máy đều gửi mẫu kiểm nghiệm đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường để kiểm tra chất lượng nguồn nước. Kết quả kiểm nghiệm hàng tháng cho thấy, chất lượng nước tốt, luôn đạt các chỉ tiêu xét nghiệm về mùi, vị, màu sắc, pH, độ đục, clo dư, hàm lượng Asen, Coliform tổng số, coliform chịu nhiệt… Khắc phục tối đa tình trạng sử dụng nước giếng khoan của người dân, tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Công nhân nhà máy nước sạch Đại Lai- Xuân Lai kiểm tra hệ thống ống bơm nước.
Cùng với nhà máy nước sạch tập trung cụm xã Đại Lai, Xuân Lai, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nguồn vốn xã hội hóa, đến nay huyện Gia Bình được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 5 công trình cung cấp nước sạch tập trung cho người dân nông thôn ở 100% các xã. Với tổng công suất gần 30.000 m3/ngày, đêm, các nhà máy xử lý nước sạch tập trung trên địa bàn huyện đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch đạt QCVN02 của Bộ Y tế cho 31.061 hộ, đạt tỷ lệ 97,25 % số hộ, góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh của huyện đến hết năm 2020 đạt 100%. Các công trình cung cấp nước sạch tập trung không chỉ góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước sinh hoạt, nâng cao sức khỏe cho người dân mà còn góp phần quan trọng tạo diện mạo Nông thôn mới cho các địa phương. Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: "Từ khi công trình cung cấp nước sạch cụm xã Cao Đức, Bình Dương hoàn thành, đưa vào sử dụng đến nay tỷ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đường ruột, bệnh ngoài da trên địa bàn xã giảm nhiều so với trước đây. Người dân thay đổi thói quen sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi… đồng thời tạo diện mạo Nông thôn mới”.
Thực tế cho thấy, việc cung cấp nước sạch không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần vào mục tiêu chung tay thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Gia Bình tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai các dự án đấu nối đưa nước sạch cho người dân tại các thôn chưa có công trình cung cấp nước sạch tập trung. Huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng, cung cấp nước, đồng thời tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng, quản lý vận hành hiệu quả các công trình cung cấp nước sạch hiện có trên địa bàn.
Tác giả bài viết: Trung Nguyên
Nguồn tin: baobacninh.com.vn