Mở rộng không gian trữ nước cho ĐBSCL

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/7/2021 | 5:03:46 Chiều

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, bước vào trung tuần tháng 7-2021, nước mặn đã vào giai đoạn thấp do đóng góp đáng kể từ nhiều cơn mưa trên khắp đồng bằng, cộng với nước từ thượng nguồn bắt đầu lên. Mùa mưa đến và mùa nước nổi sắp về, đây là điều kiện để vùng ĐBSCL mở rộng không gian lưu trữ nước ngọt, phòng hạn mặn cho mùa khô.

Tranh thủ mùa nước nổi
Theo ghi nhận của cơ quan thủy văn, mực nước trên sông Mê Công đang tăng. Tại trạm Kratie (Campuchia), mực nước có xu thế tăng lên khoảng 0,05m so với tuần trước. Ghi nhận gần nhất tại trạm Kratie đạt 11,81m, cao hơn 2,81m so với năm 2020 và cao hơn 2,68m so với năm 2016. Tại Biển Hồ, dung tích nước là 2,02 tỷ m3, cao hơn 0,71 tỷ m3 so với năm 2020 và cao hơn 0,85 tỷ m3 so với năm 2016. Đây là thời điểm quan trọng để ĐBSCL tận dụng tích nước ngọt, chủ động chống hạn mặn cho mùa khô.
Sông Mê Công vào Việt Nam bằng hai nhánh, sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc. Vùng Tứ giác Long Xuyên rộng lớn khoảng 600.000ha, còn vùng Đồng Tháp Mười rộng khoảng 700.000ha, ngập sâu 3-4m vào mùa nước nổi, là nơi hấp thu được rất nhiều nước. Đến mùa khô, khi nước sông Mê Công từ trên đổ về yếu đi thì nước từ ba "túi nước” Tonle Sap, Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười chảy ra, góp cùng dòng sông Cửu Long cân bằng mặn - ngọt ở vùng ven biển.
Cần giảm đê bao ngăn lũ để sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) ở ĐBSCL, nhằm tích trữ nước lũ
Cần giảm đê bao ngăn lũ để sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) ở ĐBSCL, nhằm tích trữ nước lũ
Trong thời gian qua, để tối đa hóa sản lượng lúa, canh tác được 3 vụ lúa trong năm ở vùng ngập lũ sâu, hệ thống các ô đê bao khép kín mọc lên ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không cho nước vào, để canh tác lúa bên trong. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), đã ước tính rằng, với mực nước lũ năm 2000 thì Tứ giác Long Xuyên có khả năng hấp thu, tạm trữ khoảng 9,2 tỷ m3 nước, nhưng đến năm 2011, do các ô đê bao khép kín chiếm chỗ, cánh đồng này chỉ còn khả năng hấp thu 4,5 tỷ m3. Hiện nay chưa có con số ước lượng sự mất không gian hấp thu lũ của Đồng Tháp Mười, nhưng tình hình cũng tương tự như thế.
Không nên chạy theo sản lượng
Dòng sông Cửu Long bị mất không gian trong mùa nước nổi thì nước phải tìm không gian nơi khác, làm tăng ngập cho làng mạc, đô thị ở bên dưới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các ô đê bao đã làm tăng mực nước đỉnh lũ ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu và ghi nhận cao vượt mốc lịch sử trong những năm gần đây. Nước không vào tạm trữ được trong đồng ruộng thì sẽ thoát ra biển trong mùa lũ, đến mùa khô thì xâm nhập mặn sẽ càng sâu hơn vào các cửa sông, từ đó gia tăng nhu cầu xây dựng công trình kiểm soát mặn. Các công trình kiểm soát mặn cắt đứt liên lạc của sông biển, làm cho sinh thái biển suy thoái, thủy sản biển suy giảm, còn bên trong thì sông ngòi tù đọng, không còn tôm cá, nước không còn sử dụng được cho sinh hoạt, gây gia tăng sử dụng nước ngầm, gia tăng tốc độ sụp lún ở đồng bằng.
Các nhà khoa học lưu ý, xét về kinh tế, canh tác thêm một vụ lúa trong mùa lũ (lúa thu đông) không mang lại giá trị kinh tế lớn. Một nghiên cứu đã chỉ ra, với 1ha đất canh tác lúa 3 vụ liên tục trong 15 năm, nếu tính luôn chi phí đê, chi phí mất phù sa, tổn thất nguồn tôm cá trong đồng, thì cái thiệt sẽ nhiều hơn.
Thực tế, các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang… cũng đang hạn chế sản xuất lúa vụ 3. Nhiều người dân vùng đầu nguồn lũ cũng bắt đầu thích nghi với việc xả lũ, bỏ làm lúa vụ 3. Tuy nhiên, diện tích xả lũ vẫn còn hạn chế. Các nhà khoa học cho rằng, chìa khóa của vấn đề này là cải cách nền nông nghiệp, giảm thâm canh 3 vụ lúa, giảm đê bao khép kín, phát triển sinh kế khác trong mùa lũ để tái tạo không gian hấp thu lũ, mang lại phù sa, phục hồi nguồn lợi thủy sản mùa lũ, thủy sản sông, thủy sản biển; phục hồi sông ngòi để giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụp lún cho đồng bằng. Để giảm lúa vụ 3 trong mùa lũ, nhà nước cần giúp người dân phát triển các sinh kế thay thế dựa vào nước lũ như trồng sen, nuôi thủy sản mùa lũ, làm du lịch và đồng thời nâng giá trị của 2 vụ lúa còn lại bằng cách chuyển sang nông nghiệp sạch hơn và đầu tư vào chế biến để tránh bán nông sản thô giá trị thấp; tiến hành xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu.
Nguồn tin: sggp.org.vn

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.