Sông ô nhiễm
Liên quan đến vụ việc nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị ô nhiễm, đục ngầu... mà Báo Tài nguyên và Môi trường đang phản ánh, ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện tại, nguồn nước này đang được HueWACO tích cực kiểm tra, khắc phục; nhiều hộ dân phản ánh nước đã trong trở lại, tuy nhiên rải rác ở một số hộ thì nước vẫn còn đục nên họ vẫn chưa dám sử dụng.
Người dân đi lấy nước từ khe, suối về sử dụng tạm
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, họ đã đi mua nước bình để dùng tạm, đồng thời dùng can nhựa và các loại chai nhựa có thể tích lớn để lấy nước suối về sử dụng cho việc giặt, tắm rửa...
Điều mà người dân tại đây quan tâm, lo ngại nhất là ở việc nước được lấy từ sông Thừa Lưu (xã Lộc Tiến) để xử lý. Đây là một con sông ô nhiễm nhiều năm qua, nằm gần các đồng ruộng, "gánh” lượng rác thải lớn từ chợ Thừa Lưu. Ngoài ra con sông cũng nằm cạnh mỏ đá đang khai thác bằng hình thức nổ mìn. Vì thế, tất cả bà con trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đặt câu hỏi nước lấy ở sông liệu có sạch, có hợp lý hay không?.
Rác thải ùn ứ ở sông Thừa Lưu
Anh Trần Minh (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến) nói rằng, lâu nay chúng tôi cử tưởng nước chỉ lấy từ khe suối trên địa bàn, nhưng sau khi nguồn nước bị bẩn thì bà con đi kiểm tra và phát hiện ra việc Nhà máy nước Chân Mây đã lấy nước từ sông Thừa Lưu để cung ứng cho khách hàng. Điều này khiến ai ai cũng "sốc”...
"Việc lấy nước từ sông Thừa Lưu không được đơn vị cấp nước trao đổi, thỏa thuận với người dân. Vả lại nước ở sông rất ô nhiễm, liệu xử lý xong vẫn đảm bảo sức khỏe để người dân sử dụng lâu dài hay không, ai mà dám chắc được. Việc sự cố nước bẩn vài ngày có thể cảm thông nhưng việc lấy nước từ sông này thì chúng tôi cần thông tin rõ ràng, chính xác...”, anh Minh bức xúc.
Người dân cũng cho rằng, quy trình lấy mẫu, thu thập mẫu nước ở sông Thừa Lưu liệu đảm bảo tính pháp lý hay không, đúng quy trình hay không?.
"Chúng tôi mong cơ quan chức năng kiểm định nguồn nước lấy cũng như nước cấp ra cho khách hàng, cần thông cáo báo chí để bà con yên tâm sử dụng. Liệu nước lấy từ sông có dùng để uống và nấu ăn được không? Hay chỉ để phục vụ cho các sinh hoạt khác...”, ông Nguyễn Văn Lành (xã Lộc Thủy) thắc mắc.
Nước được lấy từ sông Thừa Lưu để xử lý thành nước sinh hoạt
Đối với lượng rác thải ngày càng lớn ở sông Thừa Lưu, người dân kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý tình trạng ô nhiễm ở đây càng sớm càng tốt.
"Vừa sử dụng thì gặp sự cố”
Nhà máy nước Chân Mây của HueWACO đi vào hoạt động năm 2001 với công suất 8.000m3/ngày đêm, hiện cấp nước cho toàn bộ người dân tại các xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô, ước tính khoảng hơn 8.000 hộ dân.
Về vấn đề nguồn nước ở sông Thừa Lưu, HueWACO cho hay, trước tình trạng biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng cực đoan làm chất lượng nguồn nước suy giảm và không đủ lưu lượng cung cấp cho nhà máy, vào mùa khô hạn, đơn vị sử dụng thêm nguồn nước sông Thừa Lưu hòa với nước nguồn từ suối Voi, Khe Mệ, Bàu Ghè nhằm tăng lưu lượng nước, xử lý, cung cấp cho người dân. Việc sử dụng nguồn nước từ sông Thừa Lưu bắt đầu từ mùa hè năm 2019. Mỗi năm sử dụng khoảng 2 - 3 tháng trước khi mùa mưa bắt đầu.
Theo HueWACO, việc lấy mẫu nước từ sông Thừa Lưu đã thông báo cho chính quyền địa phương và kết quả mẫu thử cũng đảm bảo chất lượng.
Cụ thể trước khi khai thác, HueWACO đã tiến hành lấy mẫu gửi các trung tâm kiểm nghiệm bên ngoài (Quatest 2 và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế) phân tích các chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật và chất lượng nước sau xử lý được Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả chất lượng nước sông Thừa Lưu đạt QCVN 08:2015/BTNMT (chất lượng nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt); chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN 01:2009/BYT (chất lượng nước ăn uống).
Về điều này, ông Trần Bá Thanh – Trưởng khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) xác nhận chất lượng nước tại đây đảm bảo cho sinh hoạt và ăn uống.
HueWACO phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu thử sau khi xảy ra sự cố
Về công nghệ xử lý, theo HueWACO do nhà máy có khai thác nguồn nước sông Thừa Lưu hòa với nước suối Voi và Bàu Ghè (theo tỷ lệ 30% nước sông Thừa Lưu và 70% nước từ suối) nên công nghệ xử lý cũng phải thay đổi để phù hợp với nguồn nước. Cụ thể lắp đặt thêm công nghệ châm than hoạt tính và javel đầu nguồn diệt khuẩn, khử mùi, oxy hóa các chất vô cơ, hữu cơ trong nước; lắp hệ thống châm PAC (Poly Aluminium Chloride) để keo tụ thành phần cặn có trong nguồn nước… đảm bảo nước sau xử lý có chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong năm nay, ngày 6/7, HueWACO tiến hành bơm nước sông Thừa Lưu lên xử lý lấy mẫu phân tích chất lượng nước và đến ngày 21/7, sau khi có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn, công ty đã bơm nước sông Thừa Lưu xử lý cấp ra mạng.
HueWACO khẳng định, vậy là trong năm nay, nguồn nước từ sông Thừa Lưu cung cấp cho người dân là khoảng 1 tuần, tức là "vừa sử dụng đã gặp sự cố” nước bẩn như đã phản ánh ở trên.
Sau sự cố, trong ngày 29/7, HueWACO đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế Thừa Thiên Huế về lấy mẫu thử tại Nhà máy nước Chân Mây cũng như nguồn nước từ các hộ dân để về kiểm nghiệm.
Theo đó, xét nghiệm nhanh mẫu nước tại thôn Cù Dù (xã Lộc Tiến) cho kết quả Clo dư: 0,3 mg/l, độ đục: 0,37 NTU, pH: 7,1. Mẫu nước tại xưởng gỗ Quốc Bảo (thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy) cho kết quả Clo dư: 0,4 mg/l, độ đục: 0,61 NTU, pH: 7,08. Mẫu nước tại bể chứa nước sạch nhà máy Chân Mây cho kết quả Clo dư: 0,5 mg/l, độ đục: 0,48 NTU, pH: 7,2; các kết quả đều nằm trong giới hạn cho phép. HueWACO cũng tiến hành lấy mẫu thí nghiệm 99 thông số nước sạch theo QCVN 01-1:2018/BYT. Hiện đang khắc phục bể lọc số 2, dự kiến cuối tháng 7 cho vận hành chính thức.
Kết quả kiểm nghiệm tại Nhà máy nước Chân Mây ngày 21/7
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị HueWACO tăng cường giám sát chất lượng nước tại mạng phân phối của nhà máy, thường xuyên bảo dưỡng, phát hiện các sự cố để khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo chất lượng nước. Tăng cường thông tin cho người dân trên địa bàn khi có sự cố về chất lượng nước. Trung tâm này cũng đã lấy 3 mẫu nước, các mẫu nước hiện đang được phân tích tại Labo xét nghiệm của trung tâm.
"Việc nguồn nước đổi màu trong những ngày qua là một sự cố đáng tiếc, bởi chúng tôi luôn quan tâm đến khách hàng, muốn cấp nước an toàn, liên tục. Đặc biệt tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khách sạn... kéo theo nhu cầu tăng cao, vì thế chúng tôi không đánh đổi lợi ích trước mắt mà làm như vậy đâu. Bây giờ nguồn nước thiếu vì khô hạn, bà con thông cảm sử dụng. Khi nào có kết quả mẫu nước, chúng tôi sẽ cập nhật, thông tin thêm...”, đại diện HueWACO nói.
Riêng tại xã Lộc Thủy, do đang bị phong tỏa bởi COVID - 19 nên HueWACO đã phối hợp UBND xã, mặc đồ bảo hộ chuyên dụng để tiến hành súc xả nước, theo dõi chất lượng nước, tuy nhiên vẫn còn 5 thôn chưa được tiếp cận được là thôn Thủy Yên Hạ, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên và An Bằng, Thủy Cam nhân viên kỹ thuật HueWACO chỉ tư vấn từ xa để súc xả và lượng nước súc xả từ 3-5m3 sẽ do công ty chi trả. HueWACO cũng nói rằng tất cả các khách hàng trong phạm vi cấp nước Nhà máy nước sạch Chân Mây nếu vẫn còn sự cố thì liên hệ số 18000036, công ty sẽ cử nhân viên xử lý nhanh chóng 24/7 cho khách hàng.
Cũng theo HueWACO, để đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững cho khu vực Chân Mây - Lăng Cô, đơn vị đang điều chỉnh bổ sung quy hoạch, triển khai phương án lấy nước từ hồ Thủy Yên xây dựng nhà máy công suất 12.500m3/ngày đêm. Còn trước mắt khai thác nguồn nước từ suối Mơ (thị trấn Lăng Cô) để xây dựng nhà máy 2.000m3/ngày đêm.