Thiếu nước quanh năm
Sau hơn 10 ngày đi thực tế, vượt qua nhiều cung đường gồ ghề, lầy lội, một bên là vực thẳm, một bên là đồi núi cao sừng sững với nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi đã khảo sát cơ bản một số huyện đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt như: Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè. Từ thị xã Lai Châu, chúng tôi mất gần 20 giờ đồng hồ mới tới được xã Thu Lũm (Mường Tè) với khoảng cách 300 km đường rừng. Ðây là xã đặc biệt khó khăn, xa nhất huyện Mường Tè với khoảng cách 120 km về phía tây. Thu Lũm có hơn hai nghìn dân với ba dân tộc Hà Nhì, Thái và Dao cùng sinh sống.
Tại Trạm Y tế xã Thu Lũm, qua giới thiệu, chúng tôi được biết ông Lý Mò Tư, 72 tuổi, người dân tộc Hà Nhì vừa nhập trạm y tế xã vì một số bệnh đường ruột, viêm a-mi-đan và cao huyết áp. Ở những phòng kế bên cũng có một số ca tương tự. Ông Tư cho chúng tôi biết, những ngày mưa nhiều, nước ở các khe, mó đục ngầu cho nên khi uống bị đau bụng. Mình ở nhà tự chữa mãi không khỏi nên đứa cháu nội đã đưa đến đây nhờ bác sĩ khám, lấy thuốc. Các bản ở đây không có nước sinh hoạt, nhiều nhà phải dùng ống nối dẫn nước từ trên khe, mó về gần 10 km. Từ huyện Mường Tè, sau nhiều giờ băng rừng, lội suối chúng tôi đến được xã Chăn Nưa (Sìn Hồ) khi cơn mưa vừa ngớt đi đôi chút. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa Lò Văn Dán tâm sự: Chăn Nưa có hơn ba nghìn người sinh sống ở 18 bản, trong đó 90% là đồng bào người Thái, bảy bản mới di dân ra khỏi lòng hồ thủy điện Sơn La. Ở đây thiếu nước sinh hoạt cả mùa mưa và mùa khô. Bước vào mùa khô, các khe, mó nước cạn kiệt nên người dân phải mang can nhựa đi khắp nơi tìm nguồn nước. Gia đình ông Dán và nhiều hộ dân phải khoan giếng sâu hơn 28 m, khi có nước thì lại bị nhiễm đá vôi nặng, không nấu ăn được. Nói đến đây, ông Dán chua xót: Thực tế, xã cũng được đầu tư một công trình nước sạch cho người dân tái định cư khoảng 12 tỷ đồng nhưng chỉ được vài tháng thì đã hỏng. Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình lên cấp trên để xin kinh phí sửa chữa, khắc phục nhưng chưa được.
Qua nhiều ngày khảo sát thực tế, chúng tôi đã có buổi làm việc với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Lai Châu để hiểu rõ hơn về thực trạng nguồn nước nơi đây. Ông Ðào Nguyên Quý, cán bộ trung tâm bộc bạch: Theo thống kê, đến nay có gần 70% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh theo chương trình quốc gia, nhưng thực tế thì không phải vậy. Nguyên nhân là trình độ quản lý, vận hành các công trình nước sau đầu tư cũng như ý thức bảo vệ tài sản của người dân còn rất hạn chế. Ðáng chú ý, việc triển khai các công trình nước ở tỉnh chồng chéo cho nên khi hư hỏng thường không được bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến hỏng luôn. Là tỉnh đặc thù, chủ yếu là huyện nghèo, thế nên các công trình cấp nước không chỉ do trung tâm thực hiện mà còn có nhiều đơn vị khác thuộc các dự án tái định cư, 134, 135 và 30 a. Do đó, hiện nhiều công trình có số vốn đầu tư hơn chục tỷ đồng đã "chết hẳn" trong khi các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ vào mùa khô người dân rất thiếu nước, còn mùa mưa nước lại rất đục, họ phải đi xa hàng chục ki-lô-mét để lấy nước.
Giải pháp đập ngầm trên suối
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, năm 2009, tại Lai Châu, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) cùng với lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì Hội nghị KH và CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía bắc. Viện Thủy công (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) được Bộ KH và CN giao triển khai đề tài: "Nghiên cứu giải pháp hữu hiệu để cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các điểm di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Lai Châu". PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công, chủ nhiệm đề tài cho biết: Thống kê công trình cấp nước ở nhiều tỉnh cho thấy, số công trình đã xây dựng bị hư hỏng lên đến 50%, có tỉnh hư hỏng đến 70%.
Thi công công trình tường hào thu nước mái đồi tại xã Chăn Nưa.
Kết quả điều tra các công trình nước sinh hoạt vùng tái định cư trên địa bàn tỉnh Lai Châu, phần lớn đều là loại hình đập dâng trên suối, mới xây xong đã bị bùn cát, cây cối bồi lấp toàn bộ chiều cao đập, lấp bịt cửa nhận nước. Các loại hình công trình khác (mó nước, giếng khoan,...) bị hạn chế bởi điều kiện thiên nhiên. Công trình đầu mối nằm xa bản, phải dùng đường ống dẫn đi ven đường, cắt qua nương rẫy, qua các địa bàn hiểm trở do vậy nước bị tổn thất, ống dễ bị vỡ do quá áp hoặc bị dân chặt phá. Chất lượng nước không bảo đảm vệ sinh, về mùa lũ nước rất đục.
Nhóm đề tài sau thời gian nghiên cứu đã đề xuất hai mô hình công trình cấp nước theo công nghệ hoàn toàn mới, chưa có ở Việt Nam và trên thế giới. Ðó là mô hình tường hào thu nước mái đồi tại xã Chăn Nưa và mô hình đập ngầm trên suối tại xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ. Sau một năm triển khai, công trình cấp nước theo mô hình tường hào thu nước mái đồi đã đáp ứng nhu cầu dùng nước của 49 hộ gia đình với 219 nhân khẩu. Công trình cấp nước theo công nghệ đập ngầm đã đáp ứng nhu cầu dùng nước của 105 hộ gia đình với hơn 500 nhân khẩu ở Trường trung học cơ sở Nậm Cha và khu trung tâm xã.
Bác Ðiêu Thị Lam ở bản Chiềng Chăn 3, xã Chăn Nưa (Sìn Hồ) dẫn chúng tôi ra thăm bể nước ăn của gia đình, cho biết: Trước kia ăn nước trong khe có con tắc te nên rất sợ. Từ năm 2012, khi có công trình nước do Viện Thủy công thực hiện, gia đình tôi cũng như mấy chục hộ dân khác không phải dùng nước bẩn, đục mùa mưa cũng như không thiếu nước mùa khô.
Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Lai Châu Vũ Ngọc An sau khi kiểm tra chất lượng công trình ở đây khẳng định: Công trình đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá rất cao. Nguồn nước từ công trình này ổn định cả về số lượng và chất lượng giữa mùa khô và mùa mưa, chất lượng nước đạt Quy chuẩn Việt Nam, phù hợp với tập quán sử dụng của đồng bào vùng cao. Qua so sánh, chi phí xây dựng công trình này chỉ bằng 50% đến 60% so với giải pháp công trình hiện có. Hơn nữa, việc thi công đơn giản, phù hợp với loại công trình vùng núi, vật liệu dễ tìm, đáp ứng tiêu chí của chương trình nông thôn mới.
Hiện nay, các tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Tuyên Quang và Hà Giang đều đã có văn bản kiến nghị áp dụng các công trình này trên địa bàn, dự kiến giai đoạn đầu áp dụng khoảng 20 công trình.
"Trước kết quả đạt được của đề tài, Bộ KH và CN giao Viện Thủy công chuẩn bị phương án nhân rộng mô hình đập ngầm bằng các hình thức trực tiếp thi công, hỗ trợ thi công hoặc chuyển giao công nghệ. Hoàn thành nhiệm vụ đề tài đã khó nhưng nhân rộng kết quả vào sản xuất còn khó hơn nhiều. Tôi có cảm giác như các địa phương thích dự án hơn là giải pháp KH và CN. Một số nơi được giới thiệu công nghệ mới có vẻ tâm đắc, đánh giá cao, nhưng đặt vấn đề áp dụng thì hỏi đề tài có cho kinh phí không, còn kinh phí địa phương chúng tôi đã sắp xếp hết rồi!"
PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công