Giếng khoan, giếng khơi là nguồn cấp nước sinh hoạt chính của người dân xã Cổ Lũng. Tuy nhiên, nhiều khu vực trong xã thường trong tình trạng "khát nước” do nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng hoặc khan hiếm nước.
Do nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, nhiều hộ dân phải đi xin nước về sử dụng.
Giếng khoan, giếng khơi vẫn là nguồn cấp nước sinh hoạt chính của người dân xã Cổ Lũng, nhưng ở nhiều khu vực, nguồn nước khan hiếm hoặc không đảm bảo vệ sinh.
Gỡ khó cho bà con, ngày 7-11-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư Dự án cấp nước 9 - Cấp nước sinh hoạt xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: Nguồn vốn đầu tư Ngân hàng Thế giới WB; vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh và vốn đóng góp của người dân hưởng lợi. Thời gian thực hiện Dự án trong 2 năm 2017-2018.
Người dân dọc tuyến Quốc lộ 37 và 7 xóm trên địa bàn xã đã đóng góp đối ứng để thực hiện Dự án. Giai đoạn 1 là 300 nghìn đồng/hộ.
Tuy nhiên, việc khảo sát, lập hồ sơ không được tính toán kỹ, nhất là với việc hạ đường ống ven Quốc lộ dẫn đến chậm tiến độ. Mãi tới cuối năm 2020, Trung tâm mới tiến hành bơm thử nghiệm, 578 hộ dân đã được sử dụng nước sạch; còn 35 hộ đã đối ứng kinh phí nhưng vẫn chưa được lắp đường nước và công tơ.
Trong khi đó, những hộ không trong danh sách đăng ký tham gia Dự án ban đầu lại được lắp đặt đường ống, đồng hồ và được sử dụng nước sạch.
Bà Phạm Thị Hạnh, xóm Cây Cài, xã Cổ Lũng (Phú Lương) chia sẻ: Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng, tằn tiện lắm mới đủ nước sinh hoạt. Máy giặt mua về cũng không dám sử dụng. Chồng tôi đã 70 tuổi vẫn phải sang hàng xóm gánh nước về dùng…
Phóng viên Báo Thái Nguyên (bên phải) trao đổi với lãnh đạo UBND xã Cổ Lũng.
Ông Lưu Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cho biết: Khi bắt đầu triển khai, xã đã rà soát, lập danh sách các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia Dự án. Đồng thời vận động nhân dân đóng góp kinh phí. Nhưng trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công chậm tiến độ, không lắp đặt đường ống, đồng hồ nước theo đúng danh sách đã kê khai, kiểm đếm, dẫn đến việc hộ đăng ký thì không được sử dụng nước sạch, hộ không đăng ký thì lại được dùng nước. Cử tri ý kiến rất nhiều lần, xã cũng đã đề nghị chủ đầu tư hoàn thành việc lắp đặt đường ống, đồng hồ để cấp nước cho 35 hộ dân còn lại. Bởi đây đều là các hộ sinh sống ở những khu vực thiếu nguồn nước sạch để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu.
Tương tự, tại xã Tức Tranh, Tiểu Dự án cấp nước 3 - Cấp nước sinh hoạt cho nhân dân 15 xóm trên địa bàn xã cũng được triển khai cùng thời điểm trên, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) là trên 13,2 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh trên 970 triệu đồng và người dân đối ứng trên 700 triệu đồng.
Nhưng đến nay Dự án đã chậm tiến độ 3 năm, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, còn người dân vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Bà Trịnh Thị Hòa, xóm Đan Khê, xã Tức Tranh, bức xúc: Với mong muốn sớm có nước sạch, chúng tôi đã tích cực hưởng ứng chủ trương thực hiện Dự án, đóng góp tiền của, công sức. Thế nhưng sau thời gian dài triển khai thi công, đến nay, người dân vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.
Trước thực trạng trên, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn cần khẩn trương rà soát, lắp đặt, sữa chữa các hạng mục công trình còn thiếu hoặc đã hư hỏng, xuống cấp để sớm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân và tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Hoài Anh - Lăng Khoa
Nguồn Báo Thái Nguyên