Lại chuyện thiếu nước sạch ở nông thôn
- Cập nhật: Thứ năm, 15/8/2013 | 9:45:17 Sáng
Là nguồn nước duy nhất để phục vụ bà con sinh hoạt hàng ngày, kênh Cái Đầm dài khoảng 11km dần trở thành nỗi ám ảnh của hàng trăm hộ dân sống tại đây khi ngày càng ô nhiễm nặng. Bao nhiêu năm qua, nước sạch vẫn là ước mơ chung của người dân hai ấp Bình Đông 1 và Bình Đông 2, thuộc xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân).
Nhắc đến mùa nước năm trước, ông tư Nở (ấp Bình Đông 1), hộ sát bên kênh Cái Đầm còn nhăn mặt: “Sợ lũ tràn đồng nên chính quyền đóng hết các cống dẫn nước ra vào sông cái. Nước ngưng đọng không lưu thông, cá tôm chết không biết đâu mà kể. Cực chẳng đã, chúng tôi phải vớt xác cá lên để lấy nước sinh hoạt. Nhà nhà chịu đựng cảnh khổ đến mấy tháng trời. Tôi phải dùng xe đẩy ra tận ngoài sông cái, kéo từng thùng nước về để gia đình sinh hoạt. Những hộ khác dù biết nước không đảm bảo nhưng cũng bấm bụng xài. Ai tắm giặt cũng đều bị ngứa, sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều”. Một người sống tại ấp Bình Đông 1 cũng tỏ vẻ bức xúc: “Đã vậy, con kênh nhỏ, trải dài hàng cây số nuôi sống mấy trăm hộ còn phải “nhận” nước thải từ trong ruộng của hai cánh đồng lớn. Mấy năm nay, ngoài cách lóng phèn cho nước trong hơn, chúng tôi cũng không biết nên làm gì. Giờ chúng tôi chỉ mong được sử dụng nước máy để đảm bảo hơn cho sức khỏe lâu dài. Năm 2000, lũ lớn còn có cán bộ Y tế đến phát cho vài bọc thuốc khử trùng nước, trong khi hiện nay, nước kênh còn bẩn hơn cả nước lũ mà bà con chỉ biết lóng phèn xài, chứ cũng không được hướng dẫn cách nào để xử lý cho sạch hơn”.
Nước kênh bơm lên đục ngầu chỉ xử lý qua loa bằng cách lóng phèn. |
Kênh Cái Đầm có đến 3 cống thoát nước nằm trong Dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao. Hàng năm, khi mực nước lên cao, các cống này sẽ được đóng lại, ngăn nước tràn đồng ảnh hưởng sản xuất trong vùng. Tuy nhiên, tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân sống ven theo tuyến kênh vì dòng nước ứ đọng, không được lưu thông. Đặc biệt, vào mùa khô, nước đã khan hiếm lại càng quánh lại, ô nhiễm nặng hơn, không thể sử dụng sinh hoạt. Năm nay, theo chủ trương xả lũ nên các cống này sẽ không đóng, song nỗi lo nguồn nước nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các bệnh ngoài da vẫn khiến người dân không sao an tâm được. Bà Lê Thị Sáu, ấp Bình Đông 1, trần tình: “Tôi theo chồng về đây sinh sống cũng mấy chục năm trời, vẫn xài nước con kênh này, không có gì thay đổi. Giờ chỉ trông có nước máy xài, chứ nước dưới lòng kênh biết làm gì cho sạch nổi. Ăn uống thì chúng tôi mua thùng nước lọc và trữ nước mưa, nhưng tắm giặt hàng ngày vẫn phải dùng nước kênh thôi. Đã nhiều lần, chúng tôi kiến nghị với địa phương để được giải quyết, đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Nhà tôi không khá giả gì nhưng nếu được lắp ống nước máy, dù giá cao tôi cũng chấp nhận vì đây là nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”. Ông tư Nở nói thêm: “Thực tế, hộ dân cất nhà thưa thớt tại đây cũng không nhiều, huống hồ chúng tôi chấp nhận phí lắp đặt cao hơn những nơi khác”.
Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh Đông Lê Tấn Phát cho biết, hai ấp Bình Đông 1 và Bình Đông 2 có gần 800 hộ hiện chưa có nước máy sử dụng. Đây cũng là vấn đề bức thiết của địa phương và nêu ý kiến rất nhiều lần trong các đợt tiếp xúc cử tri, họp Hội đồng nhân dân. Khi tính toán chi phí lắp đặt cách đây 1 năm, tổng số tiền dự tính hơn 700 triệu đồng (chưa tính các chi phí khác). Theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã chủ trương hỗ trợ cho mỗi hộ 800 ngàn đồng, nhân dân đóng 1 triệu đồng/hộ để kéo nước về sử dụng. Tuy nhiên, do số tiền quá lớn nên nhiều hộ không đồng ý thực hiện phương án này. Hiện nay, vật giá các loại đều tăng, việc lắp hệ thống ống nước sẽ càng khó khăn hơn. Trước mắt, địa phương chỉ có thể trông chờ nguồn vốn từ cấp trên để hỗ trợ người dân kéo nước sạch về ấp. UBND huyện Phú Tân cũng đã đã yêu cầu Xí nghiệp Điện nước lập các danh mục cần đầu tư, khi có nguồn vốn sẽ lập tức thực hiện việc lắp đặt, giải quyết bức xúc của người dân nhiều năm nay.
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.