Hòa Bình: Hiện tượng sụt đất ở xóm Khi là do khai thác nước lớn tầng sâu
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/4/2014 | 10:55:56 Sáng
Sau hơn 1 tháng nghiên cứu về hiện tượng sụt đất tại xóm Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), Viện địa chất - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã có kết luận sơ bộ nguyên nhân là do khai thác lưu lượng nước lớn ở tầng sâu.
Trước đó (từ ngày 12/2 đến nay), tại xóm Khi, đã xảy ra hiện tượng sụt lún đất tạo thành gần chục hố sâu và những vết nứt kéo dài 250 m theo đường liên xóm; trong đó, có 2 hố sụt lớn ăn sâu vào taluy đường liên xã. Diện tích bị ảnh hưởng của khu vực sụt lún và vết nứt khoảng 4 ha, trong đó có 2 ha đất ở và 2 ha đất ruộng. Có 10 ngôi nhà của người dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nhẹ, một ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ đã được di chuyển gấp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Văn Toàn - Chủ nhiệm đề tài - nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát bằng phương pháp địa chất kiến tạo tại 30 điểm cả trong và ngoài khu vực hàng chục km, tìm hiểu đặc điểm biến dạng, phân bố đứt gẫy, hiện trạng nứt sụt đất. Phân tích ảnh viễn thám vùng nghiên cứu và lân cận, hỗ trợ cho nghiên cứu xác định đứt gẫy. Qua đó, xác định có 4 đứt gãy nhỏ là các nhánh của đới đứt gãy sông Đà, tạo ra hiện tượng sụt bậc trong cấu trúc các tầng nông. Tại một số nơi phát hiện có 2 tầng nước ngầm, tầng nông giới hạn đến độ sâu khoảng 30m, tầng sâu xuất hiện từ độ sâu khoảng hơn 40m. Một số nơi 2 tầng nước được ngăn cách bởi lớp đất, đá mỏng, chiều dày đến dưới 10m. Nếu lớp ngăn cách 2 tầng nước lại rơi vào vùng đứt gãy, đất, đá bị phá hủy thì khi bơm hút nước ở tầng sâu khả năng phá tầng ngăn cách là rất lớn.
Để có những kết luận cụ thể về hiện tượng ở xóm Khi, các nhà khoa học Viện địa chất sẽ tiếp tục nghiên cứu trong thời gian 3 tháng nữa. Trước mắt, các nhà khoa học khuyến cáo: Địa phương và người dân nên tạm dừng việc khai thác nước ngầm ở các tầng sâu khoảng từ 40 m hoặc lớn hơn. Sau khi khu vực lấy lại được trạng thái cân bằng mới, hiện tượng sụt đất, nứt đất không phát triển thêm, việc khai thác nước ở tầng này cũng nên ở mức hạn chế.
Ông Bùi Văn Hành, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cũng cho biết: Riêng các mỏ than tại xóm Khi và xã Vũ Lâm, huyện sẽ chỉ đạo kiên quyết không cho khai thác nữa, tiến hành san lấp và đề nghị nhân dân nếu phát hiện có hiện tượng khai thác cần báo gấp cho chính quyền địa phương để xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.