Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước cần luật riêng

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2014 | 8:55:46 Sáng

(tapchicapthoatnuocvietnam.vn)- Theo đánh giá của Trung tâm Quan trắc môi trường quốc gia, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, ô nhiễm sông, hồ hiện nay tại nhiều tỉnh, TP đang vượt quá khả năng kiểm soát vì hoạt động sản xuất, khai thác, xả thải bừa bãi ngày càng tăng.

Theo đánh giá của Trung tâm Quan trắc môi trường quốc gia (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT), tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, ô nhiễm sông, hồ hiện nay tại nhiều tỉnh, TP đang vượt quá khả năng kiểm soát vì hoạt động sản xuất, khai thác, xả thải bừa bãi ngày càng tăng. Do đó, để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam phải khẩn trương xây dựng một luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước để có chế tài xử lý. 
Báo động "đỏ”về nguồn nước "đen”
Tại hội thảo mới đây về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, thông tin từ Trung tâm này cho biết, mức độ ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng do không kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm. Tình trạng này đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân, gia tăng nguy cơ gây ung thư, sẩy thai và dị tật bẩm sinh. Tại một số địa phương, sau khi quan sát các trường hợp bị ung thư, viêm nhiễm phụ khoa cho thấy, 40 - 50% do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Theo thống kê, đánh giá của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Hàng năm, gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới được phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Bà Lê Hoàng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường quốc gia nhận định, quá trình đô thị hóa dẫn đến thay đổi hiện trạng sử dụng đất, làm cho các ao, hồ, sông, mương trong các đô thị ngày một bị thu hẹp, bị lấp hoàn toàn để lấy đất xây chung cư, nhà máy, khu công nghiệp. Ở các đoạn sông chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất…, nguồn nước đều bị ô nhiễm trầm trọng. Bà Lê Hoàng Anh còn cho biết, số liệu khảo sát của Trung tâm cho thấy: Nước thải công nghiệp có hàm lượng dầu mỡ, chất hữu cơ khá cao và nước thải từ sản xuất nông nghiệp, làng nghề là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nước mặt các con sông ở khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư hầu hết là chưa qua xử lý mà xả thẳng ra kênh, mương và nước thải y tế cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm. Những đoạn sông chảy qua khu vực có nhà máy công nghiệp đều có thông số ô nhiễm cao hơn quy chuẩn. 
Chưa hết, qua kết quả khảo sát, Viện Khoa học môi trường và phát triển đánh giá, không có điểm nào ở các con sông trên địa bàn TP Hà Nội đạt loại I (không ô nhiễm hoặc ô nhiễm nhẹ). Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi mỗi ngày có hàng triệu mét khối nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp đổ xuống các dòng sông khiến mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. 
Cần thiết có luật riêng
Về nguyên nhân dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, các chuyên gia cho rằng, do chưa thống nhất trong phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về lưu vực sông, có sự chồng chéo giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT và một số bộ, ngành khác. Ngoài ra, các tổ chức như Hội đồng Quốc gia về tài nguyên nước, Ủy ban Quản lý quy hoạch lưu vực sông, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông và Văn phòng lưu vực sông chưa thực sự phát huy được vai trò; quy chế làm việc chưa chặt chẽ. Phần lớn thành viên của các tổ chức này làm công tác kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian tập trung cho trách nhiệm được phân công.
Theo PGS.TS Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Trong đó, công cụ chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước chưa hiệu quả, hiệu lực pháp lý thấp, chưa thực sự đi vào cuộc sống. "Mặc dù đã có một số luật và nghị định, tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản cụ thể quy định về kiểm soát ô nhiễm nước. Vì vậy, cần hệ thống hóa các quy định rải rác về kiểm soát ô nhiễm nước thành một văn bản nhất quán, như Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm nước" - PGS.TS Phạm Văn Lợi đề xuất.
Ông Đặng Ngọc Dĩnh - Liên minh Nước sạch cũng ủng hộ quan điểm này: "Các văn bản luật pháp về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước còn nhiều bất cập. Nội dung ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trong văn bản chưa đầy đủ, chi tiết. Vì vậy, cần thiết phải có Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm nước trong thời gian tới".

 
"Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đang tiếp tục được sửa đổi. Tổng cục đang tăng cường, phối hợp với các cơ quan Nhà nước liên quan để thanh, kiểm tra, hạn chế tình trạng vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước như trường hợp Nicotex Thanh Thái..." - Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
 
Phương Nguyên
  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.