Thi công khẩn cấp 10 km ống dẫn nước về Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2014 | 10:11:35 Sáng

(tapchicapthoatnuocvietnam.vn)- Ngày 27/5, lãnh đạo Hà Nội đã thống nhất phương án cho thi công khẩn cấp 10 km tuyến ống số 2 dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch ở một số khu vực nội đô.

Tại buổi làm việc với các công ty cấp nước ngày 27/5, trước đề xuất của Công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco) về việc đầu tư tuyến ống thứ 2 dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội để giảm áp lực cho đường ống hiện có, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã đồng tình và đề nghị Viwasupco khởi công dự án ngay trong tháng 6.

Theo lãnh đạo Viwasupco, áp lực nước trong đường ống số 1 đã đến ngưỡng, nếu tăng lên sẽ xảy ra vỡ ống, do đó không còn cách nào khác là phải đầu tư tuyến ống thứ hai để giảm áp lực.

Hiện Viwasupco đã lập dự án đầu tư 10 km đường ống thứ hai để chia sẻ áp lực với đường ống thứ nhất từ nút Hòa Lạc đến sông Tích nhưng đang khó khăn về vốn. Cụ thể, nếu vay vốn thương mại lãi suất 12%, thời gian hoàn vốn 15 năm thì công ty không có khả năng thu hồi. Vì vậy, công ty đề nghị thành phố hỗ trợ 6% tiền lãi vay. Trả lời vấn đề này, ông Hùng cho biết thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cả chênh lệch lãi suất theo cơ chế hiện hành.

Phó chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu các công ty cấp nước khắc phục ngay tình trạng thiếu nước hiện nay. Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) được yêu cầu đấu tăng cường 3 điểm cấp nước trực tiếp vào các khu Đại Kim, Bùi Xương Trạch, phía Tây đường Giải phóng.

Viwaco và quận Thanh Xuân thi công ngay đường ống qua phố Tôn Thất Tùng kéo dài để cấp nước cho phường Định Công.

Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội khai thác tối đa mạng nước ngầm để hỗ trợ Viwaco, nhất là các khu vực thuộc quận Cầu Giấy, Đống Đa.

Theo Công ty  MTV, đơn vị đang mua nước từ nguồn sông Đà khoảng 45.000 - 50.000m3/ngày đêm (cao điểm lên đến 53.000m3/ngày đêm) để cấp cho quận Đông Đa và một phần quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, lượng nước cấp đã giảm 10.000 m3/ngày đêm dẫn đến mất nước một số điểm: Nam Trung Yên (B10A), La Thành, Thành Công…

Để có nước, công ty đã điều tiết nước của Nhà máy nước Mai Dịch, Lương Yên, Hạ Đình. Tuy nhiên, việc này cũng phải phân khu, chia giờ, tập trung cho hai khung giờ cao điểm 5-8 giờ sáng và các buổi tối.

Đồ họa sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Thực hiện: Đồng Nguyên Anh.

Đồ họa sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Thực hiện: Đồng Nguyên Anh.

Trước đó, ngày 23/5 trong buổi làm việc với các đơn vị liên quan, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhận định, nguồn nước sạch sông Đà dư thừa nhưng hệ thống truyền dẫn không thể đưa đủ nước về nội thành; tỷ lệ thất thoát nước sạch rất cao (28-29%); vẫn còn tình trạng sử dụng nước lãng phí.

Đường ống nước sông Đà do Vinaconex đầu tư được đưa vào khai thác từ năm 2008 và đã 6 lần bị vỡ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai....  Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã lập đoàn kiểm tra toàn diện đường ống dẫn nước để có biện pháp khắc phục nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể.

Minh Minh (VNXP)

  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.