Người dân bức xúc
Có mặt tại Ban quản lý (BQL) Nhà máy nước thị xã An Khê (số 08 Ngô Mây, tổ 1, phường An Tân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) vào chiều ngày đầu tiên của tháng 9/2014, chúng tôi được tham quan hệ thống xử lý nước sông Ba cung cấp cho hàng ngàn người dân thị xã, đang tạm ngừng hoạt động vì lý do “nước đục quá”. Quả thực, quan sát trong các bể của dây chuyền xử lý nước, tại đây nguồn nước có màu vàng nâu như màu đất nung.
Di chuyển đến căn nhà nằm đối diện với BQL Nhà máy nước thị xã An Khê, chúng tôi gặp chị Trần Thị Hoài Thương, người đã sống ở đây gần chục năm. Khi được hỏi về chất lượng nước do Nhà máy nước thị xã An Khê cung cấp, chị bức xúc nói: “ Ôi trời ơi, nhà máy nước gì đâu mà cung cấp toàn nước bẩn, đục ngầu, có cả mùi hôi nữa. Các anh chị cứ xuống dưới kia một đoạn là thấy ngay dòng sông Ba, nơi Nhà máy lấy nước để cung cấp cho dân. Màu nước ở đấy cũng y như màu nước mà chúng tôi phải dùng hằng ngày”.
|
Ống thu nước từ sông Ba vào Nhà máy để xử lý |
Theo lời chỉ dẫn của chị Thương, chúng tôi men theo con đường đất nhỏ xíu, hơi dốc, hai bên toàn cỏ rậm để xuống tận nơi, nhìn tận mắt dòng sông Ba. Tại đây, có 3 đoạn ống lớn màu xanh dùng để lấy nước đưa vào nhà máy nước xử lý, 1 đoạn ống màu đỏ, theo như người dân ở đây nói là đường ống lấy nước của Nhà máy chế biến tinh bột mì An Khê, nằm cách Nhà máy nước thị xã An Khê khoảng mấy trăm mét. Tuy nguồn nước sông Ba vẩn đục là thế, nhưng nó vẫn là nguồn cung cấp nước chính cho nhu cầu sinh hoạt của người dân và cho các nhà máy chế biến nông sản hoạt động trên địa bàn thị xã An Khê.
|
Nước qua bể lắng có màu rất đục |
Cũng về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thanh, người dân phường An Phú, thị xã An Khê cho biết: Nhiều năm rồi, nước sinh hoạt của dân chúng tôi rất đục và bẩn, chưa kể còn rất ô nhiễm bởi xung quanh dòng sông Ba, nơi cấp nước sinh hoạt cho cả thị xã lại có rất nhiều nhà máy hoạt động như Nhà máy tuyển quặng Hoàng Anh Gia Lai, Nhà máy chế biến tinh bột mì, Nhà máy đường An Khê, Nhà máy ván sợi ép MDF Gia Lai… Nhiều gia đình xung quanh đây đã không dùng nước máy nữa mà chuyển trở lại dùng nước giếng, mặc dù nước giếng bị nhiễm phèn rất nặng. Nhà tôi phải mua bình lọc lớn, bơm nước giếng vào lọc trước khi dùng, còn nước ăn uống thì mua nước bình. Những nhà nào không có giếng thì cũng đành phải dùng nước do nhà máy nước cung cấp.
Nỗi niềm nhà máy nước
Hiện nay, trên địa bàn thị xã An Khê có khoảng 3.000 hộ dân sử dụng nước sinh hoạt do Nhà máy nước An Khê cung cấp, với năng lực bơm từ 2.400 đến 2.500m3 nước/ ngày. Tất cả nguồn nước này được nhà máy lấy từ sông Ba lên, bơm qua phễu thu nước đến bể phản ứng, tại đây nước được xử lý bằng vôi, phèn rồi chảy qua 2 bể lắng ngang thu nước ở cuối, sau đó bơm qua 2 bể lọc, xuống bể chứa, cuối cùng bơm ra để các hộ dân sử dụng.
|
Cáu bẩn đầy trong các bể lắng lọc của Nhà máy nước An Khê |
Trước thực trạng nước sinh hoạt bị vẩn đục và những bức xúc của người dân nơi đây, ngày 1/9, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online đã gặp và trao đổi với ông Đỗ Tuấn Diệp, Trưởng Ban quản lý Nhà máy nước thị xã An Khê. Ông Diệp cho hay: “Ở đây, chúng tôi chỉ làm “tay ngang” thôi, có gì thì dùng đó. Nước lấy từ sông Ba hút lên chỉ được xử lý chủ yếu bằng vôi và phèn, nếu đục quá thì thêm clo vào rồi bơm cho dân sử dụng. Nói thật, nếu hỏi sản phẩm nước đầu ra đã đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế chưa, thì mình phải nói là chưa đạt. Nhưng hệ thống xử lý chỉ có vậy, anh em cũng không biết làm thế nào!”.
|
Nhà máy nước An Khê đã cũ kỹ và lạc hậu |
Nói về lý do nhà máy tạm ngừng hoạt động trong quãng thời gian này, ông Đỗ Tuấn Diệp giải thích: “Hàng ngày, nhà máy bắt đầu hoạt động từ 5 giờ sáng đến 16 giờ chiều, những lúc nước đục quá thì ngừng hoạt động, đợi nước trong hơn rồi tiếp tục bơm. Với lại, những ngày qua nhiều hộ dân vì nước đục quá nên họ không nộp tiền nước nữa, nên nếu có dừng cung cấp nước khoảng mấy tiếng đồng hồ thì cũng chẳng sao, vì nếu có cung cấp thì nước lúc đó cũng rất đục, không thể dùng được. Còn vào mùa khô, do thủy điện An Khê – Ka Nak chặn dòng, rồi đổ hết xuống tỉnh Bình Định, nước sông Ba xuống thấp, lúc đó cũng không có đủ nước để xử lý và cung cấp cho dân”.
Theo chúng tôi được biết, Nhà máy xử lý nước này được xây dựng từ những năm 1996 – 1997 nên hệ thống máy móc, thiết bị đã quá cũ và xuống cấp. Vì thế, việc xử lý nước vừa tốn nhiều nhiên liệu lại không có hiệu quả cao. Do đó, nếu muốn có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe cho người dân thì việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý mới là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, có lẽ đây vẫn là vấn đề của tương lai xa và người dân vẫn phải “bắt buộc” sử dụng nguồn nước độc nhất này, trong tình trạng lo ngai ngái.
Bài & ảnh: Quế Mai – Thục Vy