Bình Định: Dân khát nước sạch vì xã được... “lên phường”
- Cập nhật: Thứ năm, 2/10/2014 | 8:18:38 Sáng
(tapchicapthoatnuocvietnam.vn)- Nguồn nước nhiễm dầu, nhiễm phèn, nhiễm đá vôi… trong khi dự án nước sạch do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ phải dừng lại do xã được “lên phường”. Hàng ngàn hộ dân ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, Bình Định, khát nước sạch suốt mấy chục năm nay.
Ông Lâm Xuân Vũ, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) cho biết, toàn phường có gần 20.000 dân với gần 8 ngàn hộ, trong đó gần một ngàn hộ dân sống khu vực dọc QL 19 đoạn từ cầu Bà Di đến trung tâm phường Nhơn Hòa, trong đó khu vực Huỳnh Kim, Phú Sơn, Tân Hòa, Trung Á luôn trong tình trạng thiếu nước nghiệm trọng, nhất là về mùa khô.
Trong khi đó, trước năm 1975, dọc QL 19 người Mỹ đã lắp đặt một hệ thống đường ống ngầm dẫn dầu từ Cảng Quy Nhơn lên Tây Nguyên. Khi còn vận hành, đường ống bị rò rỉ, vỡ nên xăng dầu ngấm sâu vào lòng đất rồi ngấm vào giếng của nhà dân, không thể sử dụng. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ở đây xả thải trực tiếp ra môi trường khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhà ở sát QL 19, gia đình anh Trần Văn Thanh (ở tổ 2 KV Tân Hòa, phường Nhơn Hòa) có 2 giếng. Cách đây 4 năm gia đình anh Thành đào một giếng nhưng sử dụng chưa được bao lâu thì nguồn nước bị nhiễm dầu đành phải bỏ. Hơn 1 tháng trước, gia đình tiếp tục đào thêm một giếng nhưng vẫn dính phải mạch nước ngầm bị nhiễm dầu không thể sử dụng”.
Anh Trần Văn Dũng khu vực phó khu vực Tân Hòa cho biết, nguồn nước sinh hoạt của người dân khu vực Tân Hòa không chỉ bị nhiễm xăng dầu mà còn bị nhiễm từ đá vôi. Đến tắm giặt dân còn không dám chứ nói gì đến ăn uống”.
Dẫn chứng cho lời nói của khu vực phó Tân Hòa, giếng nước của nhà anh Trần Văn Hải (41 tuổi, KV Tân Hòa) lắc đầu ngao ngán nói: “Đấy các anh thấy đó, nước giếng đục như nước vo gạo. Nhiều người không tin khi tôi múc từ giếng lên tận mắt chứng kiến mới dám tin. Nước như vậy rửa tay còn không dám huống gì dùng mà nấu ăn”.
Trong khi đó, nước giếng nhà bà Nguyễn Thị Tĩnh (82 tuổi) nhà kề bên lại có màu đen ngòm. “Khi mới đào giếng cũng còn dùng để tắm giặt nhưng hơn 10 năm này từ khi các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, luộc gỗ rồi xả trực tiếp ra môi trường làm giếng nhà tôi và nhiều hộ khư vực này chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dân tình phản ứng gay gắt, chính quyền địa phương phải vào cuộc, doanh nghiệp này ngừng luộc gỗ ở nhà máy nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa khắc phục được. Hơn 30 hộ dân ở đây thường xuyên phải mua nước bình 10.000 đồng/bình loại rẻ nhất để nấu ăn, còn tắm giặt thì tùy vào một giếng nước ở gần chợ khi có khi không”, bà Tĩnh ngao ngán kể.
Không chỉ bị nhiễm dầu, nhiễm đá vôi, nguồn nước nhiều khư vực ở phường Nhơn Hòa còn bị nhiễm phèn nặng, nhiều nơi người dân muốn khoan giếng thì gặp khó khăn do địa hình núi đá.
Khu vực trưởng khu vực Huỳnh Kim, ông Đào Xuân Ngọc cho biết: toàn khu vực này có gần 1.000 hộ dân, trong đó có trên 300 hộ dân thường xuyên thiếu nước sách, 100 hộ thiếu nước nghiêm trọng. Người dân phải kéo lên xóm Huỳnh Sơn Bắc xin nước, nhiều hộ phải mua nước. Ở đây chỉ có “đại gia” mới bỏ ra cả trăm triệu đồng để khoan giếng do địa hình núi đá bàn, đá hộc. Cả khu vực này chỉ có 3 hộ là gia đình ông Lê Văn Tánh, Ngô Xuân Tùng và bà Nguyễn Thị Hạnh dám bỏ ra cả trăm triệu đồng để khoan giếng sâu cả vài chục mét nhưng cũng chỉ đủ nước cho gia đình dùng. Số tiền quá lớn với người nông dân nghèo nên người dân còn phải sống trong cảnh khát nước sạch dài dài”.
Ông Phạm Văn Anh (64 tuổi, ở khối Huỳnh Kim Nam, khu vực Huỳnh Kim) dẫn chúng tôi ra cái giếng gia đình mới đào nhưng cạn đáy: “Từ khi sinh ra đến nay tôi chưa bao giờ biết đến dùng nước sạch. Mỗi năm may lắm chỉ 2 tháng mùa mưa là có nước dùng, còn lại đi xin hay đi mua. Khi nhà có việc hiếu hỉ phải thuê hẳn xe tải mua nguyên 5 khối nước 500 ngàn mới dùng đủ. Mong Nhà nước quan tâm đến người dân chứ thiếu nước ăn uống cực khổ lắm”, ông Anh bộc bạch.
Năm 2011 – 2012, gần 20.000 người dân phường Nhơn Hòa mừng thầm khi dự án cung cấp nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt, các ngành chức năng đã khảo sát, thiết kế. Hơn 4 tỷ đồng đã được chi trả cho đền bù, giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, bất ngờ huyện An Nhơn lên thị xã, dự án phải dừng lại vì người “thành thị” không nằm trong đối tượng tài trợ của dự án này.
“Nước đến miệng rồi còn tuột mất, bao nhiêu tiền của bỏ ra lãng phí, kỳ vọng của 20.000 người dân địa phương trong ngóng từng ngày bỗng dưng vụt mất, ông Lâm Xuân Vũ, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa, xuýt xoa tiếc nuối.
Ông Vũ nói thêm: “Dự án cung cấp nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do WB tài trợ dừng lại, người dân tiếp tục sống trong cảnh thiếu nước sạch, ảnh hưởng tới đời sống. Vì vậy, qua rất nhiều lần tiếp xúc cử tri của các cấp lãnh đạo, địa phương cũng như người dân nhiều lần khẩn cầu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp”.
Doãn Công
Các tin khác
Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.
Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.
Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.
Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.