Dự án nước sạch ngoại thành: Dân thờ ơ, doanh nghiệp thiếu vốn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/11/2014 | 10:42:11 Sáng

(tapchicapthoatnuoc.vn)- Thực hiện chính sách xã hội hóa các dự án nước sạch và VSMT nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kêu gọi nhiều DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, khó khăn khi vay vốn đang trở thành rào cản đối với các DN.

Không còn tài sản để thế chấp 

Theo thống kê, toàn TP có 19 trạm cấp nước (TCN) được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ do các DN quản lý. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống các TCN này đang là bài toán khó đối với nhiều DN. Bà Nguyễn Thị Lê - Giám đốc Công ty TNHH Toàn Linh, đơn vị đang quản lý TCN Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) cho biết, DN này mới hoàn thành đấu nối nước sạch cho 600 hộ do thiếu vốn, trong khi mục tiêu cuối năm 2014 là 800 hộ.

Thiếu vốn, một số DN thậm chí phải chấp nhận thế chấp tài sản để tiếp tục các dự án. Đại diện Công ty TNHH Hùng Thành, đơn vị hiện quản lý 3 TCN tại các huyện Đan Phượng, Thanh Oai và Gia Lâm cho biết, DN đã thế chấp toàn bộ diện tích đất sở hữu để làm dự án nước sạch. Nay thiếu vốn, tìm đến Quỹ Đầu tư Phát triển TP Hà Nội, các ngân hàng, lại tiếp tục "được" yêu cầu phải có bất động sản để thế chấp mới cho vay vốn (!).
Không chỉ thiếu vốn để đầu tư, một số DN còn gặp khó do chưa nhận được sự ủng hộ của người dân. Ông Ngô Xuân Hải - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải cho biết, đơn vị hiện quản lý 3 TCN: một TCN ở huyện Quốc Oai và 2 TCN ở huyện Gia Lâm. Thực tế, đối với dự án TCN Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) mới hoàn thành được 168 trên tổng số 500 đấu nối dự kiến thực hiện trong năm 2014. Sở dĩ đạt thấp như vậy là bởi người dân vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng khoan, nước mưa, thay vì đồng ý trả tiền để sử dụng nước sạch.

Chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, 60% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, năm 2011, TP Hà Nội đã có chủ trương đầu tư xây dựng 6 TCN tập trung thí điểm với quy mô liên xã bằng nguồn ngân sách TP; thực hiện 7 dự án cấp nước sạch quy mô xã, liên xã thuộc Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng (PforR) do WB tài trợ; khôi phục đưa vào hoạt động 28 công trình xây dựng dở dang. Tuy nhiên, đến nay, trong bối cảnh các dự án thí điểm vẫn chưa thể thực hiện do ngân sách TP năm 2014 khó khăn và các dự án do WB tài trợ mới bắt đầu triển khai xây dựng, việc huy động sự tham gia của các DN được xem là hướng đi cần thiết. Để tháo gỡ những bất cập liên quan tới việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm yêu cầu, các DN kinh doanh nước sạch cần sớm tiến hành rà soát, tổng hợp các hợp phần - danh sách đấu nối gửi Sở NN&PTNT làm cơ sở kiến nghị Sở KH&ĐT, Sở Tài chính có hướng giải quyết; đề xuất WB hỗ trợ đầu tư. Sở sẽ phối hợp với các DN cung ứng trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác đấu nối, yêu cầu các DN này liên kết, hỗ trợ các khoản vay - nợ hợp lý để các DN kinh doanh nước sạch có thể tiếp tục thực hiện và hoàn thành mục tiêu đấu nối trong năm 2014. 

Trước thực trạng tại một số địa phương, người dân chưa "mặn mà" với nước sạch, ông Lê Văn Dương - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, Trung tâm sẽ ưu tiên xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền tại các địa phương đã có TCN, nhằm nâng cao nhận thức, tìm kiếm sự ủng hộ của người dân đối với vấn đề sử dụng nước sạch. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo nguồn kinh phí, tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư dài hạn cho các DN kinh doanh nước sạch trên địa bàn TP.
Trọng Tùng
  •  
Các tin khác

Sáng ngày 26/8/2023, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác từ Cục Cấp nước Osaka (OMWB), Nhật Bản.

Công trình cấp nước sạch liên xã Phượng Sơn - Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao để cấp nước cho người dân.

Ngày 16/8/2024, tại tỉnh Quảng Ninh, diễn đàn "Đối thoại chính sách nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn" đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp liên quan.

Công văn được ban hành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.