Định hướng phát triển KH&CN để ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/11/2021 | 4:18:58 Chiều

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, các hoạt động khoa học - công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong thời gian tới cần thực hiện theo 6 định hướng cơ bản.

Định hướng phát triển KH&CN để ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Ảnh minh hoạ. ITN
Thứ nhất, hình thành các dự án, nhiệm vụ KH&CN lớn mang tính liên ngành, liên vùng để nghiên cứu, giải quyết những vấn đề lớn, bức thiết, có tính hệ thống của khu vực.
Thứ hai, xây dựng, lắp đặt hệ thống đo đạc, giám sát tự động các thông số về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ văn… để kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng gồm thủy sản - cây ăn quả - lúa, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp KH&CN bảo đảm nguồn nước lâu dài, cấp nước ngọt chủ động cho các vùng khan hiếm nước ven biển ĐBSCL như: xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh và khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm bảo đảm về chất lượng, trữ lượng với quy mô khác nhau; hệ thống khử nước mặn sử dụng năng lượng tái tạo...
Thứ tư, sớm đưa vào ứng dụng thực tiễn các kết quả thành công của các nhiệm vụ KH&CN về các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Chương trình cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp KH&CN có tính tổng thể, trong đó chú trọng bảo đảm an toàn hạ tầng thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện hạn mặn kéo dài.
Thứ năm, đề nghị thành phố Cần Thơ nghiên cứu việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận, nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng ĐBSCL, trong đó, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ sáu, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần chú trọng đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Bạc Liêu, Trường ĐH Kiên Giang, Phân hiệu của ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre, các Viện nghiên cứu tại ĐBSCL... để phát huy hiệu quả thế mạnh nghiên cứu, cùng đồng hành với các doanh nghiệp - được xem là trung tâm của các hoạt động ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo. Liên kết này dưới sự hỗ trợ của nhà nước qua những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp sẽ tạo ra năng lượng cộng hưởng lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Ý kiến nhận định trên của Bộ trưởng bộ KH&CN được đưa ra tại tọa đàm: "Bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 29/9/2021. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, một trong những định hướng trọng tâm của Bộ KH&CN là ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu, đề xuất các mô hình thực tiễn, phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng với BĐKH một cách bài bản với tầm nhìn dài hạn. 
Tú Anh
Nguồn chuyên trang Quản lý Môi trường
  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).