Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: TP.HCM xử lý rác thải ra sao?
- Cập nhật: Thứ năm, 2/12/2021 | 2:41:11 Chiều
Theo số liệu Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM thống kê, mỗi ngày đêm thành phố thải ra khoảng 9.400 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm còn tăng thêm 10%.
Theo định hướng, thành phố đặt ra lộ trình sẽ giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp và tỉ lệ chôn lấp chỉ còn 20% vào năm 2025. Trước yêu cầu đó, nhiều đơn vị đang tiếp nhận xử lý rác thải cho thành phố đã dần chuyển đổi công nghệ xử lý từ chôn lấp sang đốt rác phát điện.
Hiện tại, để xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày của thành phố, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM vừa có văn bản điều phối khối lượng rác thải sinh hoạt về các cơ sở xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Sở này giao cho Ban quản lý các khu liên hợp xử lý rác thải rắn TP điều phối rác về 3 đơn vị xử lý rác.
Trong đó, 2 đơn vị thuộc khu vực Tây Bắc tăng thêm khối lượng xử lý rác so với trước đây. Cụ thể, Công ty cổ phần Vietstar với khối lượng 1.800 tấn/ngày (dao động thêm 5%), tăng thêm 400 tấn so với trước đây. Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa 1.400 tấn/ngày (dao động thêm 5%), tăng thêm 400 tấn.
Riêng Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước được giao 3.000 tấn rác mỗi ngày theo hợp đồng với thành phố cộng với lượng rác còn lại. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị sẽ nhận phần chất thải trơ sau xử lý với khối lượng khoảng 200 tấn/ngày.
Theo kế hoạch này, thành phố vẫn ưu tiên vận chuyển rác thẳng từ các điểm hẹn, điểm tập kết rác về khu xử lý tập trung. Việc đưa rác thải thẳng về khu xử lý tập trung sẽ tránh việc tồn đọng rác tại các điểm trung chuyển rác thải, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Sở Tài nguyên và môi trường cho biết thêm hiện nay trên địa bàn thành phố còn tồn tại tình trạng nhiều hộ gia đình, chủ nguồn thải vẫn chưa giao rác đúng thời gian quy định của địa phương.
Ngoài ra, việc quản lý lực lượng rác dân lập ở một số quận, huyện vẫn chưa được chặt chẽ. Các đơn vị thu gom rác dân lập chưa đảm bảo về tần suất và thời gian thu gom, phương tiện thu gom, hạ tầng kỹ thuật thu gom chưa hoàn chỉnh là nguyên nhân xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải như phản ánh.
Theo quy trình hiện nay, rác thải sinh hoạt người dân sau khi thải ra mỗi ngày sẽ được lực lượng thu gom rác dân lập thu gom. Rác được đưa về các điểm tập kết và được Công ty Môi trường đô thị TP.HCM hoặc công ty công ích các quận huyện thu lại, vận chuyển về các khu xử lý rác của thành phố.
Còn lại lượng rác thải công nghiệp, rác thải y tế sẽ được đưa về các khu xử lý riêng biệt cho các loại rác này. Ngoài ra trong giai đoạn dịch bệnh cao điểm, mỗi ngày TP phát sinh thêm khoảng 80 tấn rác có yếu tố dịch tễ COVID-19.
Nguồn TTO
Các tin khác
Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …
Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).