Gỡ vướng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/12/2021 | 6:11:19 Chiều

Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả kinh tế - xã hội, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Mặc dù nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị nhưng hiện còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế phát triển của Hà Nội. Đáng nói, có không ít mô hình đã khẳng định được vị thế, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất) với mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu kết hợp với du lịch và nghỉ dưỡng; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất; mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản, năng suất đạt 3 tấn/ngày...

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao F-Fame Mê Linh (huyện Mê Linh), F-Fame có hơn 3.800m2 trồng lan hồ điệp với 7 vạn cây. Toàn bộ khu vực trồng lan này được đầu tư xây dựng nhà lưới, có hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng và tưới nước cho cây... giúp lan có thể phát triển ổn định trong mọi điều kiện thời tiết và kiểm soát được thời điểm ra hoa lại không cần sử dụng nhiều lao động.

 

Tuy đã khẳng định được hiệu quả, nhưng với 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố thì vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế cửa nông nghiệp Thủ đô. Đáng nói, từ cuối năm 2020 đến nay, thành phố vẫn chưa tăng thêm được mô hình nào.

Nguyên nhân chính là do còn rất nhiều khó khăn, "rào cản” đặt ra đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp khi triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là về vốn, đất đai, cơ chế chính sách...

Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao F-Fame Mê Linh cho biết, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn (gia đình đã đầu tư khoảng 27 tỷ đồng để thực hiện mô hình). Cụ thể, chi phí xây dựng 4 nhà lưới (mỗi nhà khoảng l.000m2) có đầy đủ hệ thống điều hòa nhiệt độ là 12 tỷ đồng. Chưa kể việc lắp trạm biến áp riêng để có điện sản xuất và đầu tư cho giống hoa... Thế nhưng, gia đình ông vẫn chưa nhận được bất cứ chính sách hỗ trợ nào của chính quyền.

 

Tháo gỡ khó khăn, khai thông nguồn lực

Thực tế cho thấy, các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa đồng bộ và khó vận dụng vào thực tế. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt thông tin, thời điểm hiện tại, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới chiếm khoảng 15,7% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện. Các chính sách về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khó áp dụng vào thực tiễn nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia đâu tư vào lĩnh vực này.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chư Phú Mỹ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/ND-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ- CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành đủ định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng như ban hành các văn bản tháo gỡ vấn đề tích tụ ruộng đất để tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm so với yêu cầu thực tế…

 

Đây là những khó khăn khiến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội khó nhân rộng, rất cần được tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh nhũng khó khăn, bất cập nêu trên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, Hà Nội cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và chế biến; đồng thời, đẩy mạnh việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ nước ngoài. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kỹ năng giao dịch trên sàn thương mại điện tử và trình độ sản xuất của người lao động... Có như vậy, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh mới phát triển  mạnh mẽ, xứng tầm với vị thế của nông nghiệp Thủ đô.

tm-img-alt
Chính sách phát triển nông nghiệp sạch còn nhiều bất cập, khó mở rộng quy mô liên kết chuỗi, là những vấn đề cấp bách đang được đặt lên bàn cân, đòi hỏi các hợp tác xã (HTX) phải năng nổ hơn nữa trên thị trường. Ảnh minh họa

Đặc sắc tranh gạo Vân Quân

Xuất phát từ ý tưởng muốn làm ra các sản phẩm nghệ thuật mới lạ, chị Nguyễn Thị Vân (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) đã tìm hiểu và sáng tạo ra tranh gạo - tranh được sắp đặt từ những hạt gạo. Mới đây, chị Vân đã có 4 sản phẩm tranh gạo dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố năm 2021, sản phẩm được đánh giá cao.

Chị Nguyễn Thị Vân cho biết, chị chưa từng được học qua trường lớp hội họa nào nhưng là cô giáo mầm non nên chị thường vẽ và làm đồ chơi cho các em nhỏ. Năm 2015, chị Vân đã thực hiện bức tranh gạo với nội dung chữ "Tâm” được các doanh nghiệp đấu giá lấy tiền quyên góp làm từ thiện cho trẻ em trên địa bàn xã Đông Xuân. Sau đó, chị Vân tiếp tục làm thêm nhiều sản phẩm nữa để tặng người thân. Thấy các bức tranh đẹp, độc đáo, mọi người động viên chị sản xuất nhiều hơn để phát triển kinh tế. Năm 2016, chị Vân chính thức bán các sản phẩm tranh gạo ra thị trường. Hiện nay, mỗi tháng chị Vân làm được khoảng 170 bức tranh, đề tài chủ yếu là phong cảnh quê hương đất nước, tranh chân dung...

Để làm ra 1 bức tranh gạo đẹp, có chiều sâu, đòi hỏi người thợ phải rất cần cù, tỉ mỉ, có óc sáng tạo. Gạo để làm tranh, chị Vân chọn gạo lài sữa. Đây là loại gạo hạt thon, dài vừa, chắc. Để tạo ra màu sắc khác nhau cho bức tranh, gạo sẽ được rang. Quá trình mày mò, đúc rút kinh nghiệm khi rang, chị Vân đã tạo ra được 42 màu sắc của hạt gạo từ sáng đến tối. Người thợ phác thảo trên tấm gỗ bức tranh, sau đó bôi keo và đặt các hạt gạo theo ý tưởng của "họa sĩ”.

Hiện, cơ sở sản xuất tranh gạo của chị Vân đang tạo việc làm cho 11 lao động. Chị Vân mong muốn qua Chương trình OCOP, sản phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi để nhiều du khách và người tiêu dùng biết đến dòng tranh độc đáo này.

Mê Linh đẩy mạnh xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm

Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng rau màu của huyện Mê Linh đạt khoảng 3.500 ha/năm, sản lượng rau màu cung cấp cho thị trường 105.000-150.000 tấn/năm. Bên cạnh rau màu, huyện Mê Linh có 1.500 - 1.700 ha hoa, cung cấp cho thị trường hàng trăm triệu bông hoa các loại mỗi năm. Để nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, huyện đẩy mạnh xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện có tổng số 35 sản phẩm (chủ yếu là rau màu) được UBND thành phố Hà Nội phân hạng đạt 3 sao, 4 sao.

Thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP của chú thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm đầu ra thuận lợi. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh, nhất là tại những diện tích trồng hoa, cây cảnh…

Hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết trong nông nghiệp ở Phúc Thọ

UBND huyện Phúc Thọ cho biết, đến nay, huyện đã xây dụng được 8 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Các chuỗi tiêu biểu như: Bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, thịt lợn sinh học Phúc Thọ...

Thời gian tới, Phúc Thọ tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Các chủ thể tham gia liên kết sẽ được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; các chuỗi liên kết được ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR. Ngành Nông nghiệp huyện cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, từ đó hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức gắn tem truy xuất QR code cho sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nhằm giám sát chất lượng sản phẩm …

Hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số

Ngày 2/12/2021, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VI với chủ đề: "Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp”.

Thống kê cho thấy, đến tháng 11/2021, cả nước đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên các sàn thương mại điện tử... cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyên đổi số nông nghiệp.

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, rào cản; mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị... Do đó, diễn đàn này tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp phát triển công nghệ, chuyển đổi số cung cấp cho nông dân kiến thức, hành trang để nông dân tích cực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số...

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Mai "Gỡ vướng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. HNM 03/12/2021.
2. Quỳnh Dung  "Mê Linh đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm”.
3. Minh Phú "Hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết trong nông nghiệp Phúc Thọ ”. 
4. Đào Huyền  "Hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số”.

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).