Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 Industry 4.0 Summit 2021
- Cập nhật: Thứ hai, 6/12/2021 | 9:32:48 Sáng
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao và xác định nhiệm vụ "tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đã nêu rõ quan điểm "phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài”, trong định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030 đã xác định "xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp”.
Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII cũng đã đề ra yêu cầu cần khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với Chiến lược tổng thể phòng, chống Covid - 19 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tình hình mới, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
Với mục đích đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid - 19; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời gắn với triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 năm 2022 theo phân công tại Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, được sự đồng ý của đồng chí Thường trực Ban Bí thư (thông báo tại Công văn số 542- CV/VPTW, ngày 20/4/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng), Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid – 19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, trong đó đầu cầu trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Năm 2021, Diễn đàn tiếp tục được tổ chức và là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời là hoạt động thiết thực phục vụ hoạch định chiến lược và chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hậu Covid-19 theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với chuỗi 10 phiên Hội thảo chuyên đề (diễn ra từ ngày 9/11-18/11/2021) tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn như: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã được tổ chức thành công tốt đẹp, thu hút sự tham dự đông đảo đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế với tổng số 7.995 đại biểu tham dự (trong đó có 522 đại biểu dự trực tiếp tại hội trường, 3824 đại biểu dự trực tuyến qua phầm mềm Zoom và 4171 đại biểu dự qua Youtube).
Tiếp nối thành công của các phiên hội thảo chuyên đề, ngày 6/12/2021, Phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn vinh dự được đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự đồng chủ trì và có phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tại phiên toàn thể sẽ tập trung vào các báo cáo chính gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19; Công nghiệp 4.0: xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid -19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số và chia sẻ kinh nghiệm thành công của Bang Utah trong vấn đề phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong khuôn khổ phiên Diễn đàn cấp cao sẽ diễn ra Tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận của các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào 2 nhóm nội dung lớn sau đây: (i) Thảo luận, đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; (ii) Đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.
Phiên toàn thể của Diễn đàn hứa hẹn quy tụ sự tham gia của khoảng 200 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế (trong điều kiện bảo đảm thực hiện chặt chẽ các quy định phòng chống dịch Covid-19) cùng hơn 2.000 đại biểu dự trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, các điểm cầu trong nước và quốc tế kết nối trực tuyến qua internet - là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương; đại diện các đại sứ quán, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội trong nước và các tổ chức quốc tế…
Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không "lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới. Đồng thời, các nội dung ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia và các nhà khoa học tại Diễn đàn sẽ được Tổ biên tập Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, hoạt động triển lãm thực tế ảo về các mô hình, sản phẩm, công nghệ 4.0, kết quả chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực của Việt Nam cũng được diễn ra trong suốt thời gian tổ chức Diễn đàn.
Đồng thời, song hành với hội thảo và triển lãm là hoạt động Kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp tiêu biểu về nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các công nghệ số.
Các tin khác
Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …
Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).