Giải pháp giảm sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/1/2022 | 10:59:19 Sáng

​​​​Từ những kết quả nghiên cứu và xác minh nguyên nhân, tìm giải pháp giảm thiểu tác động sụt lún khu vực ĐBSCL tại tỉnh Cà Mau, cần thiết mở rộng quan trắc trên toàn bộ miền Nam cùng các hành động cần thiết làm giảm hoặc ngừng lún trong tương lai.

Nguyên nhân gây mất đất

Sụt lún ở khu vực ĐBSCL được các nhà khoa học trong nước, quốc tế nhận định xuất phát từ 4 nguyên nhân chính do: Bơm hút nước ngầm, cố kết tự nhiên, đói trầm tích và phát triển kinh tế có thể tăng tải trọng tĩnh của các khu đô thị. Cả 4 nguyên nhân này đều đang được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đào để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi nguyên nhân nào là chủ yếu gây ra sụt lún khu vực ĐBSCL, từ đó có các giải pháp phù hợp giảm thiểu tác động của sụt lún.

TS Nguyễn Quốc Định-Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết, nếu không có giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu cũng như tiến tới ngừng bơm hút nước ngầm mà vẫn khai thác với tốc độ như hiện nay có tốc độ lún 3-4cm/năm cùng hiện tượng nước biển dâng, thì việc mất đất ở khu vực ĐBSCL đặc biệt là vùng đất thấp ngập dưới mực nước biển là hoàn toàn có thể xảy ra trong những thập kỷ tới.

Giải pháp giảm sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long
Việc mất đất ở khu vực ĐBSCL hoàn toàn có thể xảy ra. Ảnh: Internet.

Theo Dự án nghiên cứu lún tại tỉnh Cà Mau giai đoạn 1 (2012-2013), việc khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính gây ra mất đất đáng kể dọc theo bờ biển tỉnh Cà Mau. Ước tính, tốc độ lún có thể đạt từ 3-7cm/năm và tổng độ lún có thể đạt trên 1m trong vài thập kỷ tới. Lo ngại rằng, nhiều tỉnh khác ở miền Nam của Việt Nam cũng có thể bị sụt lún tương tự, có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho cuộc sống của người dân nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Xác minh kết quả nghiên cứu

Để xác minh các kết luận rút ra từ giai đoạn 1 của Dự án nghiên cứu lún tại tỉnh Cà Mau, các nhà khoa học tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 bằng cách lắp đặt thiết bị quan trắc lún tại 3 địa điểm của tỉnh Cà Mau. Trong đó, lắp đặt các mốc quan trắc lún ở độ sâu 100m để theo dõi sự lún mặt đất. Tại mỗi mốc quan trắc, gương phản xạ công nghệ ra-đa khẩu độ tổng hợp giao thoa (InSAR) sẽ được lắp đặt nhằm phân tích InSAR trong tương lai, phục vụ quan trắc lún đất ở các khu vực theo diện rộng.

Lắp đặt các piezometers đo áp lực nước lỗ rỗng ở ba độ sâu khác nhau tại điểm lắp đặt mốc quan trắc lún, để quan trắc sự thay đổi mực nước ngầm theo chiều sâu ở các phân vị địa chất bị nén nhiều nhất và các phân vị trên nó.

 

Thực hiện thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (SPT) và thí nghiệm xuyên tĩnh kết hợp đo áp lực nước lỗ rỗng (CPTu) ở cả ba địa điểm, và thu thập một số mẫu đất đại diện để xác định các đặc tính cơ lý đất.

Thu thập và trình bày các kết quả của việc quan trắc lún và áp lực nước ngầm trong suốt thời gian của dự án (cho đến cuối tháng 8/2017).

Đánh giá và phân tích các kết quả quan trắc, trong mối tương quan đến khả năng lún ở Cà Mau trong tương lai.

 
Giải pháp giảm sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long
Sự sụt lún đất đang diễn ra ảnh hưởng trầm trọng đến cơ sở hạ tầng trong khu vực. Ảnh: Internet.

Kết quả quan trắc cho thấy, điều kiện nền đất ở Cà Mau rất không thuận lợi, lớp đất sét dẻo chảy trên cùng làm hạn chế bổ cập nước từ nước mặt xuống các tầng chứa nước nơi đang bơm khai thác nước ngầm, hầu hết lượng nước bơm ra từ các tầng cát chứa nước sẽ làm giảm thể tích tương ứng của nền đất.

TS Nguyễn Quốc Định cho biết, tổng độ lún kể từ khi bắt đầu bơm khai thác nước ngầm ở Cà Mau dao động trong khoảng 20-40cm, nhưng có thể thay đổi tùy theo đặc tính cơ lý đất cục bộ, sản lượng bơm khai thác và giảm áp suất lỗ rỗng (hoặc giảm mực nước ngầm) trong các tầng chứa nước ở các tỉnh.

Ngay cả khi tốc độ hạ thấp mực nước ngầm trong tầng cát chứa nước ổn định, lún sẽ tiếp tục xảy ra trong các lớp đất sét do cố kết. Ước tính có thể làm tăng tổng độ lún lên khoảng 100cm chỉ do sự cố kết của các lớp đất sét với sự hạ thấp mực nước ngầm của tầng cát chứa nước trong tương lai. Nếu sự hạ thấp mực nước ngầm trong tầng cát chứa nước tiếp tục gia tăng, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Khuyến nghị mở rộng quan trắc

TS Nguyễn Quốc Định cho biết, mực nước biển dâng do BĐKH theo dự báo của Hội nghị Liên Hợp quốc về BĐKH lần thứ 21 (IPCC 21) là tác động bổ sung sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở miền Nam của Việt Nam đến năm 2100, mực nước biển dâng dự kiến sẽ ở mức 60cm, tương ứng với mức trung bình khoảng 6mm/năm. Một cách tương đối, mực nước biển dâng sẽ có tác động nhỏ hơn nhiều so với sự sụt lún do bơm khai thác nước ngầm đang diễn ra. Tuy nhiên, đó là tác động bổ sung cần phải được xem xét về lâu dài.

Sự sụt lún đất đang diễn ra làm trầm trọng thêm sự gia tăng ngập lụt, gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống thủy lợi, xâm nhập mặn, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhà cửa và các cơ sở hạ tầng trong khu vực. Các vấn đề này cần được nghiên cứu sâu hơn để bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai của vùng ĐBSCL.

TS Nguyễn Quốc Định khuyến nghị, mở rộng chương trình quan trắc trên toàn bộ miền Nam Việt Nam (ĐBSCL) và có các hành động cần thiết làm giảm hoặc ngừng lún trong tương lai. Trong đó, thực hiện càng sớm càng tốt các biện pháp để dừng hoặc giảm bơm khai thác nước ngầm. Các biện pháp thay thế cung cấp nước ngọt cho các vùng này là sự kết hợp của các nhà máy lọc nước quy mô nhỏ và lớn sử dụng hệ thống nước sông Mê Kông làm nguồn cung cấp chính và các hồ chứa quy mô vừa và nhỏ để thu gom và trữ nước mưa.


Nguồn tapchixaydung.vn

  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).