Bí ẩn thuyết ngũ hành thay đổi vì đại dịch Covid-19?
- Cập nhật: Thứ tư, 26/1/2022 | 4:00:15 Chiều
Thuyết Ngũ hành cổ điển của người xưa đã thể hiện được tính khách quan về nhận thức vũ trụ, đã đưa ra 5 phạm trù vật chất cơ bản. Tuy nhiên, sự biến đổi của thời cuộc cho thấy, thuyết Ngũ hành còn nhiều điều thiếu logic.
F0 còn đáng sợ hơn La Hầu, Kế Đô
Cứ đầu năm mới, người ta lại bàn đến chuyện "hướng xuất hành” rồi tìm người hợp tuổi xông đất, chọn ngày lành giờ tốt để khai trương cửa hàng, lại tìm thầy để nhờ cậy cúng "dâng sao giải hạn”...
Điều đáng lưu ý là hầu hết các điều kiêng kỵ đầu năm đều tra cứu các sách của người xưa, lấy "tương sinh tương khắc” của thuyết Ngũ hành để làm nền tảng luận giải.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, do đại dịch Covid-19 tràn lan khắp địa cầu, người ta đã phải gác lại cách chọn hướng xuất hành theo "tương sinh tướng khắc”, bởi ngày nay hướng xuất hành không chỉ phụ thuộc vào Ngũ hành, mà còn phụ thuộc vào hướng và vùng bị phong tỏa do dịch Covid-19.
"Tương sinh tương khắc” bây giờ lại là phải tránh xa cái "hung tinh F0 của SARS-CoV-2”. Nó khủng khiếp hơn và tức thời hơn La Hầu - Kế Đô mà dân gian vẫn thường kiêng kỵ.
Và bỗng chốc ta nhận ra rằng những cách tính của thời xưa chỉ là "văn hóa tín ngưỡng” chứ chưa chắc đã hiệu nghiệm cho thời đại khoa học ngày nay.
Trên thực tế, quan niệm về tính "tương sinh tương khắc” trong thuyết Ngũ hành đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bởi nhận thức về khoa học vũ trụ của người xưa không còn phù hợp với trình độ về khoa học vũ trụ của thời đại hiện nay. Để mọi người dễ phân biệt về tầm ảnh hưởng và bản chất của thuyết Ngũ hành thì xin giới thiệu khái quát:
Sơ lược về thuyết Ngũ hành cổ điển
Thuyết Ngũ hành cổ điển của người xưa đã thể hiện được tính khách quan về nhận thức vũ trụ, đã đưa ra 5 phạm trù vật chất cơ bản (đặt tên gọi là ngũ hành). Tính "duy vật” của thuyết Ngũ hành là đã thoát khỏi tư duy thần giáo (vốn coi tất cả thế giới đều do sự cai quản của các vị thần linh như thần núi, thần sông, thần đất, thần sấm , thần sét, thần mưa, thần biển, thần rừng...).
Tuy đã thoát khỏi tư duy huyền bí mang tính siêu hình bằng việc đưa ra luận đề "tương sinh tương khắc” trong Ngũ hành, nhưng do nhận thức về Vũ trụ còn thô sơ, nặng về cảm tính chủ quan theo lý tính, chỉ dựa vào hiện tượng nên không tiếp cận được bản thể hóa tính của các đại lượng tự nhiên (cũng bởi người xưa chưa có khả năng nghiên cứu về phân tử, nguyên tử, lượng tử, plasma…).
Những mặt còn hạn chế trong luận thuyết Ngũ hành
Có thể nói, suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm phát triển khoa học của nhân loại, không có một lý thuyết nào mang nhiều tính khiếm khuyết, lại ảnh hưởng đến vô số người và nhất là kéo dài trong một thời gian quá lâu cho bằng thuyết "Ngũ hành”.
Ðiều đáng nói là không phải không có ai thấy, mà trái lại, đã có rất nhiều người thấy rõ vấn đề sai lầm trong quá trình phát triển của thuyết Ngũ hành. Nhưng vì lý thuyết của nó đã ăn sâu, bám chặt rễ vào nền văn hóa của Trung Hoa và các nước liên quan. Từ thiên văn, địa lý, cho đến y học, võ thuật, hay quân sự, văn chương, chính trị ... đều vận dụng luật Ngũ hành như là kim chỉ nam, như là nền tảng cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề, dựa vào hai luật "tương sinh” và "tương khắc”.
Sự thiếu tính logic của thuyết Ngũ hành cổ điển thể hiện ở chỗ không phân biệt được tính độc lập hay là tính phụ thuộc của các phạm trù trong ngũ hành. Ví dụ, hành Kim và hành Mộc là tập hợp con (là yếu tố phụ thuộc của đại lượng ĐẤT ). Đất đã bao hàm cả hành Kim và hành Mộc, mà lại đưa kim và Mộc tương đương với vị thế của Đất.
Như vậy, tuy gọi là Ngũ hành, nhưng thực chất thuyết này chỉ có 3 hành độc lập đó là Đất, Nước và Lửa. Chính sự thiếu logic này cho nên mới sinh ra sự võ đoán thiếu khách quan trong luận giải về các hiện tượng "tương sinh tương khắc” trong vũ trụ.
Hơn nữa, trong thuyết Ngũ hành còn thiếu yếu tố cơ bản của sự sống, đó là KHÍ.
Người xưa không nhìn thấy "khí” bằng trực giác nên không đưa vào thành phần cơ bản trong thuyết Ngũ hành. Nhưng ngày nay, sự hiện hữu của "khí " có thể đo được phương, hướng, cường độ, trường độ của nó một cách dễ dàng, tường minh.
Khi thiếu khí thì thực vật và động vật không thể tồn tại, tức là thiếu sự sống, do vậy các luận giải trở thành khiên cưỡng.
Chính sự thiếu logic và những khiếm khuyết của thuyết Ngũ hành mà kéo theo những sự thiếu chuẩn xác của một số môn khoa học huyền vi (vì các môn này đã lấy thuyết ngũ hành làm nền tảng để luận giải). Đó là những môn: Tử vi, Kinh dịch, thuật phong thủy, chẩn đoán bệnh lý trong giải phẫu bệnh lý của y học cổ truyền…
Do vậy, những nghi thức đầu năm (như hướng xuất hành, tuổi xông đất, khai trương cửa hàng, an vị tượng, an vị bát hương, dâng sao giải hạn tương sinh tương khắc…) mà dựa riêng vào thuyết Ngũ hành thì hoàn toàn không hiệu dụng.
Vận dụng lý nhân duyên quả
Bổ sung vào sự khiếm khuyết của thuyết Ngũ hành, thì với tư duy khoa học và logic, Đạo Phật đã chỉ ra các đại lượng cơ bản trong vũ trụ, đó là ĐẤT - NƯỚC - GIÓ - LỬA, (bổ sung đại lượng còn thiếu trong Ngũ hành đó là GIÓ tức là Khí).
Đạo Phật cũng chỉ ra rằng cơ thể vật lý của con người cũng là tổ hợp của tứ đại, còn gọi là thân tứ đại (Đất, Nước, Gió, Lửa).
Trong 4 đại lượng cơ bản này, không có việc đại lượng này sinh ra đại lượng kia. Do vậy khái niệm "tương sinh tương khắc” không được sử dụng trong thuyết Tứ Đại.
Trong thuyết nhà Phật sự tương quan của Tứ đại chỉ là tương tác của Lý Nhân Duyên Quả.
Từ đó, chúng ta cũng không cần quá nặng nề về xem "hướng xuất hành” hoặc chọn tuổi "xông đất” đầu năm theo tuổi của "Ngũ hành” như trước đây, mà chuyển sang vận dụng LÝ NHÂN DUYÊN QUẢ. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân và nhờ có DUYÊN mà NHÂN tạo thành QUẢ. Cho nên khi xuất hành hay mở cửa hàng, xông đất đầu năm tùy theo chữ DUYÊN mà có phương thức ứng xử cho phù hợp.
TS. Vũ Thế Khanh
Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …
Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).