Quản lý bền vững tài nguyên nước ngầm để đảm bảo an ninh nguồn nước, cấp nước an toàn cho Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/2/2022 | 5:22:58 Chiều

Nước ngầm là một hợp phần tài nguyên nước, là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Hiện nay nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp ở Hà Nội phần lớn lấy từ nguồn nước dưới đất.

1. Đặc điểm nguồn tài nguyên nước ngầm thành phố Hà Nội

Nước ngầm là một hợp phần tài nguyên nước, là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Hiện nay nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp ở Hà Nội phần lớn lấy từ nguồn nước dưới đất. Do nằm trên dải đứt gẫy của sông Hồng chạy dài từ Tây Bắc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, thuộc vùng trũng trong Châu thổ Sông Hồng, khu vực Hà Nội có 4 thành tạo đất đá chứa nước gồm: thành tạo đất đá bở rời thuộc các trầm tích lục nguyên; thành tạo phun trào; thành tạo cacbonat và thành tạo biến chất. Trong đó, các thành tạo bở rời chứa nước lỗ hổng thuộc kỷ Đệ Tứ (tầng qh và qp) có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước thô. Mặt cắt địa chất thủy văn khu vực Hà Nội thể hiện trên Hình 1.

tm-img-alt
Hình 1. Mặt cắt địa chất thủy văn khu vực Hà Nội [1]

Tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích Holocen (qh) lộ ra trên bề mặt và phân bố rộng rãi trong vùng. Tầng chứa nước Holocen (qh) có thành phần thạch học chủ yếu là cát, sét pha cát lẫn sạn sỏi nhỏ. Phía trên tầng phân bố không liên tục gồm sét pha thuộc hệ tầng Hải Hưng (Q1-2hh) nằm  trên hệ tầng Thái Bình (Q23tb), có chiều dày từ rất nhỏ đến 10m, đất đá có tính thấm nước yếu, hệ số thấm từ 0,0036 đến 0,065 m/ngày, trung bình là 0,023 m/ngày. Phía  dưới tầng là cát lẫn sạn sỏi, chiều dày trung bình 13,3m, chứa nước tốt. Hệ số dẫn nước (Km) của đất đá chứa nước từ 65 đến 471 m2/ngày, cá biệt có nơi lớn hơn. Hệ số nhả nước trọng lực thay đổi từ 0,01 đến 0,17. Độ giàu nước của tầng thuộc loại nghèo đến trung bình. Chiều sâu thế nằm mực nước của tầng thường từ 3 - 4 m. Nước thường không áp lực hoặc áp lực rất nhỏ. Tỉ lưu lượng (q) các lỗ khoan thí nghiệm từ rất nhỏ đến 5,2 l/s.m, đôi chỗ còn lớn hơn. Nguồn bổ cập cho nước trong tầng chủ yếu là nước mưa, nước mặt do quan hệ thủy lực chặt chẽ với nguồn nước mặt từ các sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy. Nước trong tầng còn có quan hệ với tầng chứa nước qp ở dưới thông qua các cửa sổ địa chất thủy văn, nơi có sự gián đoạn của tầng cách nước, đặc biệt là dọc sông Hồng đoạn từ cầu Vĩnh Tuy lên thượng lưu. 

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp) có thành phần đất đá chủ yếu là cát cuội sỏi, phần trên có thành phần hạt nhỏ, cát chiếm tỷ lệ cao. Phần dưới kích thước hạt tăng dần, sạn sỏi, cuội chiếm tỷ lệ lớn hơn. Chiều sâu mái tầng chứa nước (qp) dao động từ 22,5 đến 54 m, trung bình là 38,5 m. Chiều sâu đáy tầng kết thúc từ 39 đến 95 m, trung bình là 65,6 m. Bề dày tầng chứa nước thay đổi từ 8 đến 75 m, trung bình là 28 m. Tầng chứa nước (qp) gồm hai lớp. Lớp trên (qp2) có thành phần đất đá là cát hạt trung đến thô lẫn sạn, sỏi, có chiều dày trung bình từ 10 - 15 m. Lớp dưới  (qp1) là cuội sỏi lẫn cát sạn, đôi nơi lẫn cát sét ở đáy. Chiều dày lớp từ 12 - 22 m ở phía Bắc sông Hồng và ở sông Đuống chiều dày lớp tới 30 - 35 m. Ở Gia Lâm và Nam sông Hồng cũng có nơi có chiều dày từ  30 - 35 m. Giữa chúng có một số khu vực tồn tại các thấu kính mỏng sét pha ngăn cách, còn đa phần nằm trực tiếp lên nhau. Hệ số dẫn nước (Km) của lớp trên từ 50 - 300 m2/ng, lớp dưới từ 260 - 700 m2/ng, vùng Sóc Sơn đến 300 - 1600 m2/ng, vùng Đông Anh và các vùng còn lại có nơi tới 1000 - 1600 m2/ng.

 

Nguồn bổ cập cho tầng chứa nước (qp) chủ yếu là nước các sông về mùa lũ và nước mưa thấm qua tầng chứa nước (qh) bên trên. Sông Hồng là nguồn bổ cập chính thông qua tầng cuội sỏi nằm dưới đáy sông, cho khoảng 90% trữ lượng nước ngầm của Hà Nội. Nguồn thoát về mùa khô một phần thoát trở lại ra sông, một phần cung cấp cho các tầng chứa nước phía dưới. Ở khu vực Gia Lâm, nước thoát còn hình thành dòng chảy ngầm về phía Tây Nam. Ngoài ra việc khai thác mạnh mẽ nước dưới đất cũng tạo sự thoát đáng kể của nguồn nước. Tầng chứa nước (qp) có quan hệ thủy lực chặt chẽ với các nguồn nước mặt trong vùng như sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, hồ Tây, hồ Quảng Bá. Tầng chứa nước (qp) còn có quan hệ thủy lực với tầng chứa nước qh ở trên và tầng chứa nước Neogen (N) bên dưới, dọc vùng ven sông Hồng, sông Đuống và các vùng có cửa sổ địa chất thủy văn.

Tầng chứa nước khe nứt  trong các trầm tích Neogen hệ tầng Vĩnh Bảo (N) có tuổi Neogen nằm dưới lớp phủ Đệ Tứ. Tầng chứa nước (N) phân bố ở sâu và trải rộng khắp vùng. Trầm tích Neogen ở phần Nam sông Hồng có thành phần đất đá gồm sạn cát, cuội kết, bội kết, sét kết có tính phân nhịp. Phần tiếp giáp với tầng Đệ tứ mức độ gắn kết rất yếu. Chiều sâu mực nước thường 2 - 4 m. Tỷ lưu lượng q = 0,66 - 3,75 (l/s.m). Do mức độ nghiên cứu, đánh giá về ĐCTV của tầng còn ít, nên chưa được coi là đối tượng khai thác phục vụ cấp nước qui mô lớn như tầng chứa nước trong trầm tích bở rời thuộc kỷ Đệ Tứ (Tầng qh, qp).

Các tầng cách nước và cách nước yếu trong vùng Hà Nội là tầng cách nước Holocen phân bố rộng rãi ở phần Nam sông Hồng, thành phần gồm sét, sét pha, bùn sét. Có hệ số thấm trung bình 0,049 (m/ngày) thuộc dạng tầng cách nước yếu;  tầng cách nước Pleisticen –Holocen phân bố ở khắp địa phận Hà Nội (trừ dải ven sông Hồng), chiều dày từ 5,58 - 11,9 m, thành phần chủ yếu là sét, sét pha, hệ số thấm trung bình là 0,023 m/ngày;  tầng cách nước Pleistocen-thượng phân bố rộng rãi ở các đới ven sông, thường bị vát mỏng hoặc bị bào xói. Chiều dày từ 0,4 - 23,7 m;  tầng cách nước Pleistocen - hạ: Nằm lót đáy tầng chứa nước (qp), thành phần là sét kết lẫn cuội sỏi, hoặc cuội kết lẫn sét và chiều dày từ 3,24 - 29,2 m; và  tầng cách nước Jura - Creta: Trầm tích Jura - Creta gặp ở Tây Bắc Hà Nội, thành phần gồm cát kết xen bột kết, sét kết, các phun trào ryolit porphyry và cuội kết là tầng cách nước hoàn toàn.

 

2. Hiện trạng chất lượng nước ngầm khu vực Hà Nội

Thành phần hóa học của nước trong tầng Holocen (qh) biến đổi khá phức tạp. Nhìn chung nước có tổng khoáng hóa nhỏ hơn 1 g/l, thuộc loại nước nhạt. Ở khu vực phía Nam thuộc địa phận Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, có nơi nước bị nhiễm mặn, độ tổng khoáng hóa lớn hơn 1 g/l, nước thuộc loại hình cloruanatri. Phần còn lại nước có tổng khoáng hóa nhỏ hơn 1 g/l, loại hình hóa học của nước là HCO3-Ca hoặc hỗn hợp HCO3-Cl-Na-Ca. Nhìn chung, nước có nồng độ sắt và amoni khá cao. 

Nguồn nước hiện đang sử dụng để cấp nước cho các nhà máy nước Hà Nội là nguồn nước ngầm khai thác chủ yếu từ tầng chứa nước Pleistocen (qp) và một phần là tầng chứa nước Neogen (N) bên dưới. Nước trong tầng Pleistocen (qp) có tổng khoáng hóa nhỏ hơn l g/l với loại hình chủ yếu là HCO3-Ca-Na và HCO3-Na-Ca. Ở khu vực phía Nam thuộc địa phận các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức nước bị nhiễm mặn, độ tổng khoáng hóa của nước lớn hơn 1 g/l và loại hình nước Cl-Na chiếm ưu thế [2]. 

 

Nguồn nước ở phía Tây Nam và Nam nội thành Hà Nội có hàm lượng sắt (trung bình từ 5,06-14,83 mg/l) và mangan ( từ 10-24,5 mg/l). Tại các bãi giếng của nhà máy nước Pháp Vân, Tương Mai, Hạ Đình hàm lượng sắt trung bình khoảng 8,24 - 11,1 mg/l, hàm lượng asen trung bình khoảng 3,6 - 7,3 µg/l, còn hàm lượng amoni trung bình lên tới 12,72 – 18,5 mg/l, nguồn nước đang có dấu hiệu bị nhiễm bẩn hữu cơ và amoni ở mức độ cao [3].

Khác với nguồn nước ngầm ở phía Nam, nguồn nước ngầm của các bãi giếng ở khu vực phía Bắc nội thành Hà Nội lại có hàm lượng mangan cao hơn. Trong khi đó hàm lượng sắt và amoni tại khu vực này lại rất thấp. Ngoài ra các khu vực Gia Lâm, Cáo Đỉnh thường xuất hiện sắt và mangan tồn tại ở dạng keo của axit humic và keo silic trong nguồn nước rất khó xử lý. Các chỉ tiêu chất lượng còn lại đều nằm trong phạm vi cho phép của tiêu chuẩn vệ sinh quy định. Đặc biệt ở khu vực Mai Dịch và phía Nam Thăng Long hàm lượng Fe, Mn lại rất nhỏ, thậm trí có giếng khai thác thuộc nhà máy nước Mai Dịch hầu như không có Fe, Mn. Riêng đối với các hợp chất nitơ, sự nhiễm amoni, nitrat, và nitrit trong nước không đáng kể.

Nếu đi từ Bắc đến Nam thành phố cho thấy Mai Dịch có hàm lượng sắt, mangan và amoni nhỏ nhất, thấp hơn cả các tiêu chuẩn nước cấp. Càng về phía Nam, Tây Nam nồng độ amoni càng cao, cao nhất là khu vực Pháp Vân (trung bình gần 19 mg/l), sau đó là khu vực Tương Mai (14 mg/l), Hạ Đình (13 mg/l). Ở phía Bắc sông Hồng, khu vực Đông Anh có chất lượng nước tốt gần tương tự Mai Dịch, nhưng khu vực giữa sông Hồng và sông Đuống chất lượng lại kém tương tự khu vực Thanh Trì. Do đặc điểm địa hình có hướng dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam nên mức độ ô nhiễm của nguồn nước cũng tăng dần theo hướng này đặc biệt là hiện tượng ô nhiễm amoni ở khu vực phía Nam Hà Nội, khi hàm lượng amoni dao động từ 10 - 20 mg/l, thậm chí có những điểm cao hơn 20 mg/l. Nguồn gốc ô nhiễm amoni trong nước ngầm chủ yếu từ quá trình trầm tích nguyên thủy đã có sự phân hủy hợp chất hữu cơ tại chỗ [1].

Ngoài ra, có một hiện tượng phổ biến là nơi nào nguồn nước ngầm có hàm lượng sắt cao, độ nhiễm bẩn hữu cơ lớn thì ở đó phần nhiều hàm lượng amoni cũng cao, và ngược lại [3].

tm-img-alt
Hình 2. Bản đồ phân bố amoni trong nước ngầm Hà Nội [3]

Một số khu vực trên địa bàn Hà Nội nước ngầm bị nhiễm asen đặc biệt là khu vực phía Nam. Hàm lượng asen cao đến trên 20mg/l tại khu vực huyện Hoài Đức, hàm lượng amoni cao trên 100mg/l tại khu vực quận Hà Đông. Các yếu tố này đang có xu thế tăng theo thời gian cả về hàm lượng và diện tích phân bố. Các thành phần hóa học này tập trung chủ yếu tại những khu vực có khả năng gây ô nhiễm cao như các bãi rác, KCN, những vùng mực nước hạ thấp sâu hay nơi tập trung chứa lượng nước thải lớn như Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm, Gia Lâm, Long Biên, Hà Đông,... Tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín nước có độ khoáng hóa lớn hơn 1g/l [4]. 

Như vậy, đặc trưng của nước dưới đất khu vực Hà Nội là chất lượng nước không đồng đều ở các bãi giếng, hàm lượng một số yếu tố thành phần của nước dao động trong khoảng: Fe từ  0,4 – 47,4 mg/l, Mn từ  0,03-1,15 mg/l, As khoảng 0,33 mg/l, NH4-N từ 0,1-23,8 mg/l,... Tuy nhiên do nằm sâu nên tầng chứa nước ngầm khai thác cho cấp nước tập trung hiện nay ít chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động tự nhiên, trừ vùng ven sông Hồng [5].  

3. Hiện trạng khai thác nước ngầm Hà Nội

Hiện nay tổng công suất cấp nước cho  trên 7 triệu dân Thành phố Hà nội trên 1 triệu m3/ngày trong đó nước ngầm trên 700.000 m3/ngày chiếm khoảng 65%,  chủ yếu cung cấp cho khoảng 3,2 triệu người dân cho khu vực nội thành cũ. Để có nước sinh hoạt và phát triển sản xuất, thành phố Hà Nội đã khai thác nước dưới đất theo 3 hình thức: khai thác nước tập trung do các Công ty nước sạch Hà Nội thực hiện;  khai thác nước đơn lẻ do các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… tự khoan, phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất của đơn vị; và khai thác nước nông thôn với đa phần là các lỗ khoan đường kính nhỏ, dùng bơm tay theo phương thức mỗi nhà 1 giếng, lưu lượng mỗi giếng dao động trong khoảng 0,5 – 3m3/ngày.

So với những năm sau Giải phóng Thủ đô, do tốc độ đô thị hóa lớn, thời gian vừa qua lượng nước ngầm khai thác cho cấp nước sinh hoạt tập trung tăng lên rõ rệt, thể hiện trên Hình 3.

tm-img-alt
Hình 3. Biểu đồ khai thác nước ngầm để cấp nước sinh hoạt tập trung tại Hà Nội

Khu vực phía Nam thành phố là nơi tập trung khai thác nước ngầm lớn nhất chiếm đến 77% sản lượng khai thác, khu vực phía Bắc chiếm 15,3%, trong khi cả khu vực nông thôn rộng lớn chỉ khai thác có 5,2%, còn lại các riếng nhỏ lẻ là 2,5%. Tình hình khai thác nước ngầm hiện nay của trên địa bàn Hà Nội thể hiện ở Bảng 1.

tm-img-alt
Bảng 1. Tình hình khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố Hà Nội [6]

Theo Vinse (2014) hiện trạng khai thác nước tập trung của thành phố Hà Nội thể hiện trong Bảng 2 [7].

tm-img-alt
Bảng 2. Hiện trạng công suất khai thác nước mặt và nước ngầm của Hà Nội [7]

Nguồn nước ngầm Hà Nội khá phong phú, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (2010) tổng số trữ lượng khai thác tiềm năng (dự báo) là 8,243 triệu m3/ngày [8]. Tuy nhiên việc khai thác không hợp lý và quá mức ở một số khu vực, bố trí bãi giếng không theo quy hoạch đã tạo nên một số bất cập và tác động tiêu cực  như: hạ thấp mực nước và sụt lún đất ở một số bãi giếng, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước, xâm nhập nước mặt ô nhiễm và nước mặn,... 

Thành phố ngày càng mở rộng về phía Tây thì  càng xa nguồn bổ cập nước ngầm chính là sông Hồng, nên độ hạ thấp mực nước ngầm ngày càng lớn và lan xa. Đến nay trên địa bàn các quận thuộc nội thành Hà Nội cũ đã xây dựng 10 nhà máy nước ngầm, khai thác tổng cộng 500.000 m3/ngày, làm cho mực nước ngầm ngày càng hạ sâu. Trên các biểu đồ quan trắc mực nước động tại các nhà máy nước Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội Hình 4 cho thấy  2 nhà máy nước Hạ Đình và Mai Dịch nằm xa nhất cách sông Hồng 7-8 km mực nước ngầm hạ sâu đến 34,5m (nhà máy nước Hạ Đình) và 28,1 m (nhà máy nước Mai Dịch) [5].

tm-img-alt
Hình 4. Biểu đồ hạ mực nước ngầm tại các bãi giếng các nhà máy nước Hà Nội

Hạ mực nước ngầm cũng kéo theo sụt lún đất khu vực các bãi giếng. Sự sụt lún đất xuất hiện ở tất cả các trạm quan trắc (Nhà máy nước Ngọc Hà, Pháp Vân, Thành Công, Lương yên, Hạ Đình, Mai Dịch, Ngô Sĩ Liên, Tương Mai, Long Biên, Đông Anh). Mức độ lún đất cho thấy có xu hương tăng nhanh vào mùa khô khi it mưa.  

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy ranh giới mặn/ nhạt chạy ngang gần song song và nằm phía Bắc tỉnh lộ 73 từ Tía đi Đồng Quan. Ranh giới này dịch chuyển lên phía Bắc so với số liệu xác định vào những năm 80,  có thể do việc khai thác nước ở phía Nam Hà Nội tăng lên mạnh mẽ tạo phễu hạ thấp lan rộng đến Ngọc Hồi và có khả năng đến Thường Tín [5].

Theo Báo cáo của HAIDEP  (2007) chất lượng nước ngầm của các nhà máy nước phía Nam: Hạ Đình, Tương Mai, Pháp Vân, Nam Dư có hiện tượng ô nhiễm. Hay có thể nói nguồn nước ngầm phía Nam  Hà Nội đặc biệt là phía Nam vành đai 3 không phù hợp làm nguồn nước cấp cho sinh hoạt [9]. 

Do việc khai thác nước ngầm không kiểm soát và quá tải dẫn đến sự suy giảm lưu lượng nước, làm hạ mực nước ngầm, gây lún sụt đất và kéo theo ô nhiễm nguồn nước. Những lỗ khoan bỏ đi đã không được trám lấp cẩn thận, tạo thành các đường thấm nước mặt ô nhiễm xuống tầng nước ngầm. Nhiều giếng khoan nước kiểu UNICEF ở khu vực ngoại thành đã bỏ đi, không dùng nữa, đó là các nguy cơ tạo ra các đường thẩm thấu ô nhiễm xuống tầng chứa nước dưới đất. Dò rỉ nước từ các bãi rác không được xây dựng đúng kỹ thuật, từ các bể tự hoại thấm qua các lớp đất hoặc theo các lỗ giếng khoan nước hoặc cọc bê tông, … của công trình xây dựng xâm nhập vào tầng nước ngầm. Từ những năm 90 trở lại đây tác động các hoạt động xây dựng như: khoan khảo sát, xử lý nền móng công trình, xây dựng các công trình ngầm,.. diễn ra mạnh mẽ, không chú ý đúng mức đến môi trường nói chung, môi trường nước ngầm nói riêng, đã góp phần làm suy thoái cả chất và lượng nước ngầm Hà Nội.

4. Các giải pháp quản lý bền vững tài nguyên nước ngầm Hà Nội

An ninh nguồn nước là năng lực thích ứng để bảo vệ khả năng được tiếp cận bền vững đủ về số lượng nước, chất lượng nước bảo đảm cho sức khỏe, sinh kế, môi trường sinh thái và hoạt động sản xuất kinh tế  Bảo đảm an ninh nguồn nước là phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, kết cấu hạ tầng ngành nước để cân bằng nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững [10]. Để đảm bảo an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn cho thành phố Hà Nội, cần thiết phải có các giải pháp quản lý bền vững tài nguyên nước ngầm.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 , đến năm 2030, dân số Hà Nội khoảng 9-9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65-68%; và đến năm 2050 đạt ngưỡng dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 80% [11]. Nhu cầu cấp nước cho thành phố Hà Nội theo  Quy hoạch Số: 499 về cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 [12] được nêu trong Bảng 3.

tm-img-alt
Bảng 3. Nhu cầu dùng nước trung bình (m3/ngày) theo Quy hoạch 499

Để bảo đảm nguồn nước thô cho các nhu cầu dùng nước nêu trong Bảng 3, bản Quy hoạch nêu rõ: phải  khai thác sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm có xem xét đến các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; ưu tiên nước mặt và dần thay thế nguồn nước ngầm.

Nguồn nước mặt sẽ được khai thác từ sông Đà với lưu lượng 1.200.000 m3/ngày giai đoạn đến năm 2030 và 1.500.000 m3/ngày tầm nhìn đến năm 2050; từ sông Hồng với lưu lượng 450.000 m3/ngày giai đoạn đến năm 2030 và 600.000 m3/ngày đến năm 2050; và từ  sông Đuống  là 475.000 m3/ngày đến năm 2030 và 650.000 m3/ngày đến năm 2050.

Như vậy, mặc dù vẫn còn trữ lượng tiềm năng nhưng để đảm bảo an ninh tài nguyên nước, nguồn nước ngầm phần lớn được dự trữ và sẽ khai thác hạn chế như sau:

- Giai đoạn đến năm 2030 khai thác 613.000 m3/ngày. Trong đó khu trung tâm Hà Nội khai thác 395.000 m3/ngày; khu vực phía Nam sông Hồng 36.000 m3/ngày; khu vực Sơn Tây 30.000 m3/ngày; khu vực phía Bắc Hà Nội 72.000 m3/ngày;  và khu vực phía Đông Hà Nội 80.000 m3/ngày.

- Giai đoạn đến năm 2050 khai thác 578.000 m3/ngày. Trong đó khu trung tâm Hà Nội khai thác 360.000 m3/ngày; khu vực phía Nam sông Hồng 36.000 m3/ngày; khu vực Sơn Tây 30.000 m3/ngày đêm; khu vực phía Bắc Hà Nội 72.000 m3/ngày; và khu vực phía Đông Hà Nội 80.000 m3/ngày đêm.

Một số nguồn nước ngầm phía Nam Hà Nội có chất lượng xấu sẽ giảm dần công suất khai thác và ngừng hoạt động, như: vào năm 2025 đối với Nhà máy nước Hạ Đình và năm 2030 đối với Nhà máy nước Tương Mai, Nhà máy nước Pháp Vân. Thay thế nguồn nước ngầm này là nguồn nước mặt lấy từ Nhà máy nước mặt Sông Đà và từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Việc cải tạo công nghệ và nâng cấp nhà máy nước ngầm Bắc Thăng Long công suất 30.000 m3/ngày lên thành nhà máy nước mặt công suất 50.000 m3/ngày là một cách tiếp cận phù hợp, vừa đảm bảo nhu cầu cấp nước trong khu vực, vừa hạn chế sử dụng nước ngầm để dự phòng nguồn nước.

Dựa vào kết quả quan trắc động thái nước ngầm [8], thấy rằng bố trí các bãi giếng khai thác nước ngầm theo dạng hành lang chạy dọc theo hai bờ sông Hồng như các bãi giếng: Thượng Cát, Cáo Đỉnh và Nam Dư ở phần bờ Nam và Bắc Thăng Long, Gia Lâm ở phần bờ Bắc sông Hồng là hợp lý. Theo Nguyễn Văn Túc và cộng sự (2019), kết quả quan trắc thời gian dài động thái nước ngầm toàn vùng Hà Nội cho thấy tại 10 bãi giếng lớn trong vùng nội thành từ năm 2005 trở đi, mực nước ngầm không còn tiếp tục hạ sâu hơn nữa, toàn vùng có xu hướng phục hồi dần và tiến tới ngày càng ổn định [5]. Vì vậy có thể bố trí các bãi giếng công suất lớn dọc theo các dãi đất hai bờ sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy,... để tận dụng trữ lượng khai thác từ sông, đồng thời còn tránh gây sụt lún nền đất trong vùng nội thành.

Với công nghệ xử lý nước như  hiện nay của các nhà máy nước Hà Nội chủ yếu là chỉ hướng tới việc loại bỏ sắt, mangan trong nước ngầm với dây chuyền là làm thoáng, lắng tiếp xúc và lọc nhanh trọng lực. Chất lượng nước sau xử lý cơ bản đảm bảo quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2018/BYT về nước sinh hoạt, tuy nhiên tại  một số nhà máy nước  chỉ tiêu amoni, asen, hữu cơ,... vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong khi các công nghệ truyền thống không thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nước cấp, và thách thức ngày càng lớn của nguồn nước, cần có chiến lược và kế hoạch nghiên cứu đầu tư cải tiến, đổi mới và lựa chọn công nghệ phù hợp, khả thi với điều kiện của từng nguồn nước. Ví dụ trước kia sử dụng phương pháp sinh học trong xử lý nước cấp thường hạn chế do lo ngại đưa các vi sinh vật vào nước. Tuy nhiên do ngày càng nhiều chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng...  được phát hiện trong nước ngầm, việc xử lý bằng các phương pháp lý - hóa tốn kém và có nguy cơ sinh ra các sản phẩm phụ, trong khi các chất hữu cơ, amoni,…có thể chuyển hóa được bằng vi sinh vật, thì người ta bắt đầu áp dụng phương pháp sinh học trong xử lý nước cấp. Các kỹ thuật lọc màng, các công trình lọc sinh học với than hoạt tính dạng hạt (BAC),…là những hướng tiếp cận mới xử lý tiếp tục nước ngầm sau quá trình xử lý truyền thống để chất lượng nước sinh hoạt đảm bảo QCVN 01:2018/BYT.

5. Kết luận

Là một thành phố  mật độ sông ngòi dày, trong đó có sông Hồng với lưu lượng lớn, khả năng bổ cập cho nước dưới đất cao, nguồn nước ngầm ở Hà Nội khá phong phú. Tuy nhiên việc khai thác không hợp lý và quá mức ở một số khu vực, bố trí bãi giếng không theo quy hoạch, nguồn nước không được bảo vệ theo đúng quy định,... đã tạo nên một số bất cập và tác động tiêu cực  đến trữ lượng và chất lượng nước ngầm. Để đảm bảo an ninh nguồn nước cũng như dịch vụ cấp nước an toàn cho các đối tượng dùng nước của Hà Nội từ nay đến năm 2050, ngoài các biện pháp xử lý ô nhiễm nước và bảo vệ nguồn nước theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước 2012,.. cần phải tiếp cận quản lý bền vững tài nguyên nước ngầm vùng Thủ đô Hà Nội.

Một số giải pháp kỹ thuật để quản lý nguồn tài nguyên nước ngầm cho thành phố Hà Nội cho trước mắt và lâu dài là:

1). Để là nguồn tài nguyên dự trữ và đảm bảo an ninh nguồn nước cần phải dần dần thay thế nước ngầm để giảm dần việc khai thác nguồn này bằng nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống,… cho nguồn nước thô các nhà máy nước Hà Nội;

2). Bố trí các bãi giếng các nhà máy nước công suất lớn nội thành dọc theo các dãi đất hai bờ các sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy,... để tận dụng trữ lượng khai thác từ sông, đồng thời tránh gây sụt lún nền đất trong vùng; và

3). Để đảm bảo cấp nước an toàn cho các đối tượng dùng nước, cần thiết ứng dụng các công nghệ hiện đại và phù hợp trong việc xử lý các chất ô nhiễm đặc thù còn lại như: hữu cơ, amoni, asen,... trong nước ngầm khu vực Hà Nội mà các công nghệ truyền thống hiện nay chưa loại bỏ được. 

GS.TS Trần Đức Hạ
GVCC Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Quý Nhân (20140. Đề tài NCKH: Mã số: 01C-04/09-2008-2. Nghiên cứu đánh giá tiềm năng tài nguyên nước dưới đất khu vực Hà Nội, khả năng suy thoái trữ lượng và chất lượng nước, xây dựng chiến lượng khai thác hợp lý, bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển bền vững thủ đô. Sở KH &CN thành phố Hà Nội, 2014.
2. Nguyễn Tuấn Anh và nnk (2001). Báo cáo: Điều tra thực trạng khai thác nước ngầm, khối lượng, chất lượng nước ngầm ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng trọng điểm trong đó có thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh .Viện khoa học thuỷ lợi.
3. Trịnh Xuân Đức (2018). "Nghiên cứu, ứng dụng xử lý amoni trong nước ngầm vùng Hà Nội trên hệ thiết bị sử dụng vật liệu mang vi sinh chuyển động” Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
4. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (2009). Báo các khảo sát tài nguyên nước dưới đất khu vực Hà Nội.
5. Nguyễn Văn Túc, Trần Văn Việt, Nguyễn Gia Chính (2019). Đất nền, nước ngầm & địa kỹ thuật công trình lãnh thổ Việt Nam. Nhà xuất bản Xây dựng.
6. Quyết định Số: 499/QĐ-TTg ngày 21 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
7. Vinse (2014), Hồ sơ đề xuất cho phép chuẩn bị đầu tư dự án "Xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng”, Công ty nước sạch Hà Nội.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước 63 (2010). Báo cáo kết quả  quan trắc động thái nước dưới đất thành phố Hà Nội.
9. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản –JICA (2007). Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội Nước CHXHCN Việt Nam (HAIDEP).
10. Nguyễn Hồng Tiến. An ninh nguồn nước đảm bảo cấp nước an toàn - Thách thức và giải pháp. Bản tin Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tháng 2/2020.
11. Quyết định Số: 1259/QĐ-TTg ngày 26 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
12. Quyết định Số: 499/QĐ-TTg ngày 21 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050


Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).