Các siêu thị giảm sử dụng túi nilon hoặc chuyển sang dùng các loại túi ít gây hại đến môi trường. Ảnh Khương Duy
Từ khi tham gia Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm 2021, các cuộc thảo luận về phát triển năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường đang được tiến hành rất tích cực tại Việt Nam.
Kỳ vọng của các nhà đầu tư
Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, khi kết thúc Quy hoạch điện VII (năm 2020), Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo. Nhiều dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài liên tục được cấp phép, như Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (vốn đăng ký 4 tỷ USD), dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (đều của Singapore, vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD); dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản, vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD)...
Với định hướng ưu tiên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với dòng vốn đầu tư chảy mạnh, các vấn đề về cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo vì thế cũng nóng lên trong các cuộc đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên vừa diễn ra, ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) mong muốn, sau hội nghị COP26, Chính phủ cần xem xét các xu hướng và cơ hội về năng lượng tái tạo để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và cơ chế thực hiện để triển khai quy hoạch.
Theo đó, quy định rõ ràng đối với các trang trại điện gió không kịp vận hành thương mại trước thời hạn được hưởng cơ chế giá FiT ưu đãi do đại dịch Covid-19 để tận dụng các nguồn lực đã đầu tư cho thị trường năng lượng. Một số doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang xúc tiến xây dựng nhà máy điện LNG ở Quảng Trị và cả ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam.
Đại diện cho các doanh nghiệp đến từ châu Âu, ông Alain Cany, Chủ tịch Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đặc biệt khuyến nghị Chính phủ tạm dừng phê duyệt nhà máy điện than mới trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Vì tại dự thảo vẫn quy định về việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch ở mức cao cùng với một mức công suất điện gió ngoài khơi còn khiêm tốn, có thể dẫn đến chi phí sản xuất điện năng cao một cách không cần thiết.
Trước những kiến nghị này, Bộ Công thương cho biết đang trong quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển năng lượng, quy hoạch điện. Trong đó có xem xét kỹ lưỡng vấn đề phát triển năng lượng tái tạo và sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để có sự điều chỉnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia, thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam.
Bổ sung nhiều điểm mới
Năng lượng và công nghiệp là một nội dung quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Vì vậy khi xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tăng cường, bổ sung một số yêu cầu mới trong lĩnh vực này nhằm đẩy nhanh thực hiện, hướng tới lộ trình giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.
Đó là tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia, tập trung xây dựng lộ trình phát triển cho các công nghệ mới nổi (pin, điện thủy triều, điện gió ngoài khơi, năng lượng hydro). Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản lý vận hành thị trường điện cạnh tranh nhằm bảo đảm sự phát triển mạnh năng lượng tái tạo cho sản xuất điện.
Thực hiện các giải pháp tổng thể về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, làng nghề bền vững... Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác cũng được cập nhật những nội dung mới theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 là giao thông, xây dựng, nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc theo đuổi mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì hiện nay, những vị trí phù hợp cho các dự án năng lượng sạch có thể thiếu hạ tầng lưới điện hoặc xung đột với các nhu cầu phát triển khác như nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ rừng, giao thông vận tải.
Cùng với đó, chuyển đổi xanh và phát triển các năng lượng sạch đòi hỏi phải được tiến hành không chỉ ở một doanh nghiệp, một khâu sản xuất mà trong toàn chuỗi cung ứng. Ngoài ra còn có những thách thức mang tính đặc thù theo ngành. Thí dụ, với ngành khai thác khoáng sản phải đầu tư lớn cho chuyển đổi sang dạng năng lượng xanh hơn trong khai thác và thiết kế, tổ chức lại quy trình khai thác, vận chuyển.
Đối với ngành sản xuất điện và khí đốt, yêu cầu phát triển xanh đang đặt ra những rủi ro tài chính cho cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng, trong khi khó khăn đối với ngành tài chính là phải định hướng lại nguồn đầu tư sang các dự án phát thải carbon thấp và giảm ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội có thể xảy ra đối với người dân trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh...
Tuy nhiên, việc theo đuổi mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 sẽ tạo áp lực phải chuyển đổi xanh cho các ngành, doanh nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ mới và sạch; đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức; mở ra thị trường mới, từ đó tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tiến trình phát triển kinh tế xanh đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và ở mức độ cao hơn do được thúc đẩy bởi tác động của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chọn tăng trưởng xanh như một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện.
Nguồn Nhân dân