Nối dài những tuyến đê kiểu mẫu

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2022 | 2:38:55 Chiều

Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, những tuyến đê kiểu mẫu dần hình thành, vừa nâng cao chất lượng, công năng công trình, vừa giảm vi phạm về đê điều. Để nối dài những tuyến đê này, ngoài nỗ lực của các địa phương rất cần sự chung tay của người dân.

An toàn, sạch đẹp

Gần 4 tháng nay, chiều nào, ông Nguyễn Văn Hoạch, tổ dân phố Tân Ninh, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cùng một số người bạn cũng ra đê tả Thương, đoạn gần cầu Mỹ Độ tập thể dục. Theo ông Hoạch, trước đây khu vực này có nhiều bụi cây ven đường, mái đê phía sông bị các hộ tận dụng trồng rau.

Bắc Giang, xây dựng, tuyến đê, kiểu mẫu, chất lượng, công trình
Tuyến đê kiểu mẫu đoạn qua phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang).

Từ giữa năm 2021, đoạn đê được đầu tư cải tạo, nâng cấp lát mái sạch đẹp nên người dân có không gian sinh hoạt cộng đồng. Tương tự, bà con tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cũng được hưởng lợi từ dự án cải tạo, nâng cấp mái đê tại khu vực gần cầu Xương Giang. Không chỉ có cảnh quan đẹp, các hành vi xâm lấn đê tại đây cũng không còn.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, tổ dân phố Châu Xuyên cho biết: "Khu vực này từng có cây cối rậm rạp, tình trạng vứt rác, thậm chí kim tiêm sau khi sử dụng ma túy diễn ra khá nhiều khiến ai nấy đều ngại đi qua đây. Giờ khuôn viên sạch, điện chiếu sáng đầy đủ nên chúng tôi thường xuyên đến đây hóng mát, đi bộ".

 

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đăng ký xây dựng 9 tuyến đê kiểu mẫu với tổng chiều dài 26,42 km. Riêng năm 2021-2022 đăng ký hoàn thành 5 tuyến với tổng chiều dài 15,4 km.

Đó là cảm nhận của người dân về tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng thời gian qua.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh xây dựng 9 tuyến đê kiểu mẫu, tổng chiều dài 26,42 km. Riêng năm 2021 và 2022, các địa phương xây dựng 5 tuyến với tổng chiều dài 15,4 km.

 

Đến nay, tuyến đê hữu Thương, đoạn từ K14-K17 thuộc xã Liên Chung (Tân Yên); đê hữu Thương, đoạn từ K37 đến K39+500 và đê tả Thương, đoạn từ K10-K12+500 (cùng thuộc TP Bắc Giang) đã hoàn thành, chờ Tổng cục Thủy lợi thẩm định, công nhận.

Đoạn từ K17-K20+400 đê tả Thương, xã Hương Gián (Yên Dũng) và đoạn từ K30-K34 thuộc các thôn: Mai Hạ, xã Mai Đình, thôn Xuân Thành, xã Châu Minh (cùng huyện Hiệp Hoà) đang hoàn thiện các hạng mục cuối như: Phát quang hành lang, giải tỏa vi phạm, trồng tre chắn sóng.

Qua khảo sát cho thấy tuyến đê hữu Thương, đoạn K14- K17 thuộc xã Liên Chung được trồng tre chắn sóng tại các vị trí đủ điều kiện; mặt, mái, cơ, hành lang đê không có rác thải, phế thải và vật liệu xây dựng đổ trái phép. Hệ thống biển báo, cột mốc chỉ giới đơn vị hành chính, biển báo hạn chế tải trọng phương tiện, barie ngăn xe quá khổ cũng được lắp đặt đầy đủ.

 

Tại tuyến đê tả Cầu, đoạn K30-K34, người dân thôn Xuân Thành, xã Châu Minh và thôn Mai Hạ, xã Mai Đình tự nguyện tháo dỡ toàn bộ công trình, cây xanh trên hành lang đê, trồng thay thế bằng các loại hoa. Ông Trần Văn Trung, thôn Mai Hạ nói: "Trước đây tôi vẫn tận dụng khu đất ở mái đê trước cửa nhà để trồng rau. Khi được tuyên truyền, tôi trồng thay thế bằng hoa chiều tím, vừa bảo vệ tuyến đê vừa làm đẹp thôn xóm”.

Tuyên truyền để người dân cùng chung tay

Với 3 sông lớn chảy qua, Bắc Giang có gần 138,6 km đê, trong đó có một tuyến đê cấp II, 3 tuyến đê cấp III. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có tuyến đê hữu Lục Nam chưa phân cấp với chiều dài gần 15,5 km cùng hệ thống đê cấp IV, đê bối, đê bao. Cùng với nguồn lực từ T.Ư, tỉnh, những năm qua, các địa phương đã bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các tuyến đê.

Bắc Giang, xây dựng, tuyến đê, kiểu mẫu, chất lượng, công trình
Đoạn đê tả Cầu thuộc địa phận xã Xuân Cẩm (Hiệp Hoà) được đầu tư kè lát mái.

Tại TP Bắc Giang, từ năm 2021 đến nay, UBND TP dành 15 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí tuyến đê kiểu mẫu; vận động nguồn lực xã hội hóa để trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến qua khu dân cư. UBND huyện Hiệp Hòa vừa có thông báo yêu cầu Văn phòng HĐND và UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chi cục Thủy lợi rà soát các tiêu chí, nội dung về tuyến đê kiểu mẫu, từ đó tổng hợp, đề xuất kinh phí hỗ trợ cho các địa phương.

Mặc dù các địa phương đã vào cuộc song do duy trì chưa thường xuyên nên tại một số khu vực không giữ vững được các tiêu chí. Tại tuyến đê kiểu mẫu đang được xây dựng tại xã Hương Gián (Yên Dũng), tình trạng người dân đổ rác thải trên đê vẫn còn; một số vi phạm về đê điều chưa được xử lý dứt điểm. Dù đã hoàn thành các tiêu chí song do không được phát quang thường xuyên nên ở một số đoạn đê tại xã Liên Chung cỏ dại mọc cao, trùm lên mặt đê và bãi đá dự phòng.

Khắc phục những hạn chế này, Chi cục Thủy lợi vừa có công văn nêu rõ tồn tại, hạn chế, những tiêu chí còn "non” tại các tuyến, đồng thời yêu cầu các địa phương bố trí nguồn lực khắc phục. Căn cứ vào nguồn vốn được phân bổ, Chi cục ưu tiên, lồng ghép hỗ trợ các địa phương đang triển khai đoạn đê kiểu mẫu.

Đồng chí Khổng Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: "Ngay sau khi hoàn thành 5 tuyến đăng ký thực hiện năm 2021-2022, chúng tôi sẽ hỗ trợ triển khai 4 tuyến còn lại. Để nhân rộng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ven đê hưởng ứng, tự nguyện bố trí phần diện tích quỹ đất để xây dựng đường hành lang chân đê”.



Nguồn baobacgiang.com.vn

  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).