Đà Nẵng: Sẽ có giải pháp xử lý ô nhiễm tại hồ Bàu Trảng
- Cập nhật: Thứ ba, 18/2/2020 | 4:45:54 Chiều
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu xử lý mùi hôi tại hồ, tính toán lại toàn bộ hệ thống xử lý, máy bơm để có hướng xử lý nước thải triệt để tại hồ Bàu Trảng.
Ngày 14-2, qua buổi kiểm tra thực tế tại hồ Bàu Trảng (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các bên liên quan nộp báo cáo chi tiết phương pháp xử lý ô nhiễm để có hướng giải quyết trong tuần đến.
Giải thích việc không thể vận hành của hệ thống xử lý nước thải, ông Huỳnh Anh Vũ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (Chủ đầu tư dự án) cho biết do mực nước cống nằm trên ngưỡng tràn nên không thể vận hành được. "Cấu trúc của cống gồm 3 khoang riêng biệt. Nước thải sau khi được thu gom chảy trong hai rãnh 2 bên. Tuy nhiên, vì hệ thống xử lý nước ở tuyến dưới đang quá tải nên nước thải và nước mưa bị hòa vào nhau. Hệ thống không thể vận hành đúng mô hình dẫn đến ô nhiễm".
Công nhân môi trường dọn vệ sinh bên cạnh dòng nước ô nhiễm tại hồ Bàu Trảng
Ông Vũ cũng cho biết, hệ thống thu gom trên chỉ hợp lý khi thu gom nước thải từ nhà dân. Nhưng trong thực tế, hệ thống còn nhận lượng lớn nước thải ở khu vực Sân bay Đà Nẵng dẫn đến quá tải. Để giải quyết vấn đề này, ông Vũ đề xuất giải quyết ô nhiễm nước phần đầu vào (khu vực Sân bay Đà Nẵng) và tăng công suất trạm bơm xử lý nước thải ở tuyến dưới của hệ thống.
Tại buổi làm việc, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết từ khi nhận bàn giao thì công trình thu gom và xử lý nước thải đã rơi vào tình trạng quá tải, chưa vận hành được ngày nào.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng (đội mũ, hàng đầu) yêu cầu BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên có giải pháp xử lý ô nhiễm hồ Bàu Trảng trong tuần đến.
"Để giải quyết, tôi kiến nghị mở cửa thải Yên Khê, để lượng nước thải chảy ra kênh Phú Lộc, hạ mực nước về đúng thông số kỹ thuật, để hệ thống hoạt động. Về lâu dài, nên đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tại khu vực công viên 29-3 và Sân bay Đà Nẵng để giảm tải cho hệ thống", ông Mã cho biết.
Trước những ý kiến trên, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định không thể xả nước thải chưa xử lý từ hệ thống ra kênh Phú Lộc vì sẽ gây ô nhiễm trầm trọng.
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên khẩn trương kiểm tra toàn bộ lại nước thải tại hồ Bàu Trảng, đề xuất phương án giải quyết; giao Sở Xây dựng làm việc lại với Công ty Thoát nước và xử lý nước thải để có phương án xử lý tiếp theo là mùi hôi tại hồ; tính toán lại toàn bộ hệ thống xử lý, máy bơm để có hướng xử lý nước thải triệt để.
Hồ Bàu Trảng ô nhiễm vì phải tiếp nhận lượng nước thải từ khu vực Sân bay Đà Nẵng, trong khi hệ thống xử lý nước thải không thể hoạt động
"Trước mắt, Sở TN&MT phối hợp cùng Công ty Thoát nước và xử lý nước thải kiểm tra lại hệ thống sục khí. Phải xử lý mùi, xử lý nước thì mới tính được chuyện bơm để đưa nước ô nhiễm đi hết. Yêu cầu các ban ngành liên quan có báo cáo cụ thể vào tuần sau để quyết định cách xử lý từng giải pháp một", ông Đặng Việt Dũng cho biết.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, công trình thu gom, xử lý nước thải tại hồ Bàu Trảng thuộc một phần của dự án xây dựng Hệ thống thu gom, xử lý nước thải bao quanh kênh Phần Lăng và tuyến ống, trạm bơm nước thải dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành (thuộc dự án Phát triển bền vững của TP Đà Nẵng), có tổng mức đầu tư hơn 136 tỉ đồng.
Các tin khác
Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …
Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).