Chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế từ những dòng kênh

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/4/2023 | 3:40:54 Chiều

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN: Phát triển kinh tế dọc bờ kênh

Chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế từ những dòng kênh ảnh 1
Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN.

Phát triển kinh tế dọc bờ kênh

Việc phải gấp rút chỉnh trang kênh rạch là một vấn đề bức thiết, đó không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn cả vấn đề cảnh quan đô thị và cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội cho TP. Do vậy, với mỗi dự án nên tổ chức giao thông đường thủy công cộng dọc ven kênh rạch phối hợp với việc chỉnh trang và phát triển khu vực hai bên bờ kênh và kết nối với mạng lưới giao thông công cộng chung.

Để làm được điều này thì trước hết các đầu mối giao thông phải được tích hợp thuận tiện gần với nhau để người dân dễ chuyển tiếp từ bến thuyền sang bến xe buýt, bãi xe… Trồng thêm cây xanh hai bên bờ kênh để tạo cảnh quan và bóng mát.

TP có hai dòng kênh được chỉnh trang khá tốt là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm nhưng mới chỉ dừng ở mức làm sạch. Để đảm bảo hiệu quả của hai dòng kênh này cần tiếp tục nạo vét và làm sạch bởi chúng đang có dấu hiệu ô nhiễm trở lại. Ngoài ra, cần tận dụng hai bờ ven kênh để trồng cây, chỉnh trang các con phố ven kênh, thân thiện với người đi bộ, kiến trúc hai bên phải góp phần tăng giá trị cho con kênh này.

 

Một số tuyến đường ven kênh rạch, thậm chí có thể tổ chức thành các phố đi bộ hoặc dịch vụ thương mại sầm uất, không những làm thay đổi bộ mặt quy hoạch - kiến trúc của TP, mà còn đóng góp nhiều hơn cho ngân sách TP thông qua hoạt động du lịch và mua bán.

Việc cải tạo kênh rạch cho chúng ta một cơ hội tốt để cải tạo hệ thống thoát nước giảm ngập lụt cho TP. Kênh rạch cần được khơi thông kết nối với nhau và với sông hồ để nước mưa có thể thoát ra các không gian chứa nước trung chuyển và từ từ thoát ra sông rạch. Trong quá trình đó cần có giải pháp đưa nước mưa thấm vào đất để vừa làm giảm ngập lụt vừa tăng trữ lượng nước ngầm, giảm tình trạng sụt đất gây ra hố tử thần.

Chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế từ những dòng kênh ảnh 2
GS-TS LÊ THANH HẢI, Viện trưởng Viện MT&TN, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Chú ý hệ thống xử lý nước thải sau khi cải tạo

 

Kênh rạch ở TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng. TP đã có nhiều dự án cải tạo kênh rạch mang lại nhiều lợi ích cho người dân từ cuộc sống tinh thần đến vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên để phát huy tính hiệu quả của những dòng kênh này thì phải thường xuyên quan tâm vệ sinh môi trường và xử lý nước thải.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang được thực hiện là rất cần thiết. Chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm từ bài toán cải tạo kênh rạch của các dự án trước đây có thể áp dụng cho dự án mới khởi công này. Cụ thể, ngoài công tác chỉnh trang lại hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ kênh, đắp bờ kè, nạo vét lòng kênh... thì phải đặc biệt chú ý việc đấu nối mạng lưới thoát nước, xử lý triệt để nguồn nước thải tại nguồn.

Mức độ quan trắc của Viện MT&TN và Sở TN&MT đã cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm nước ở nhiều dòng kênh là tương đối cao. Có nhiều con kênh chỉ số này vượt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt) nhiều lần. Khi thực hiện các dự án cải tạo cần xử lý triệt để nguồn nước thải thải ra từ nguồn.

 

Điển hình, với khu công nghiệp phải kiểm soát các trạm xử lý nước thải tập trung. Đối với các khu dân cư phải phát triển và chỉnh trang lại mạng lưới thoát nước, trong đó có việc kiểm soát các hoạt động của các bể tự hoại. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ đấu nối của các khu dân cư mới được xây dựng và cải tạo vào mạng lưới thoát nước chung trước khi xả vào hệ thống kênh rạch. Nếu làm tốt thì chất lượng nguồn nước kênh sẽ được cải tạo một cách đáng kể, hạn chế mùi hôi cho các dòng kênh sau khi cải tạo.


Nguyễn Châu



Nguồn PLO

  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).