Ứng dụng mô hình mới, giảm thiểu ô nhiễm tại làng bún Phú Đô

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/3/2020 | 10:17:15 Sáng

Làng nghề bún Phú Đô (phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những làng nghề lâu đời của Thủ đô chuyên về sản xuất bún. Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, người dân làng nghề đã có những thay đổi bằng việc ứng dụng mô hình tiết kiệm năng lượng, sử dụng máy móc hiện tại giảm lượng nước thải ra môi trường.

 Làm bún tại Phú Đô. Ảnh: Bùi Phương

Nan giải vấn đề ô nhiễm

Ông Bùi Cảnh – một người làm nghề lâu năm tại làng nghề bún Phú Đô cho biết, nghề bún của làng Phú Đô đã nổi tiếng Hà thành từ hơn 400 năm nay. "Toàn làng nghề hiện có hơn 500 hộ gia đình trực tiếp sản xuất bún và kinh doanh bún, cuộc sống mưu sinh của người dân phụ thuộc chủ yếu vào công việc này” – ông Cảnh cho hay.
Đại diện UBND phường Phú Đô cho biết, hiện tại, đã có trên 100 hộ sản xuất có máy móc hiện đại, giảm lượng chất thải đáng kể ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một lượng thải nhất định gây ô nhiễm. Đây là thực trạng chung của các làng nghề truyền thống, nên cần sớm có giải pháp xử lý triệt để.
Theo kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vấn đề nan giải nhất về ô nhiễm môi trường của làng nghề bún Phú Đô là ô nhiễm nguồn nước và không khí, do nước thải và khí than thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Kết quả điều tra trên 500 hộ làm bún của làng nghề cho thấy bình quân trong năm, mỗi hộ làm nghề tiêu thụ 17,59 tấn gạo, sản xuất 41,87 tấn bún, sử dụng 2,2 động cơ điện (công suất bình quân 3,7kw). Trung bình mỗi hộ tiêu thụ 19 - 22kg than, hiệu suất tiêu hao nhiệt là 618 mcal/tấn bún. Bình quân mỗi năm, làng nghề thải ra môi trường 1.586 tấn xỉ than và 6.158 tấn khí CO2. Công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý thải hoạt động kém khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phú Đô đang ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Văn Thỏa – một người dân tại làng Phú Đô cho biết, trước đây nước thải và các loại chất thải của làng nghề chủ yếu là xả trực tiếp ra kênh dẫn chảy ra sông Nhuệ. Không khí lúc nào cũng có mùi hôi, chua nồng nặc. Vấn nạn này kéo dài hàng chục năm trời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. "Sau khi được chính quyền địa phương phối hợp với Viên Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa công nghệ mới vào sản xuất, người dân đã nhiệt tình ủng hộ và điều kiện không khí, nước thải của làng nghề đã có nhiều cải thiện” – ông Thỏa cho hay.
Mô hình giảm thiểu ô nhiễm
Cũng theo ông Bùi Cảnh, trước đây nước thải từ sản xuất bún ít bỏ đi vì được tận dụng để chăn nuôi lợn, gà. Từ khi áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất bún, lượng nước sử dụng cũng giảm đi đáng kể, qua đó lượng nước thải từ làm bún cũng giảm khoảng 70% so với trước. "Nước thải từ làm bún bây giờ hầu như không có mùi, nếu đổ thẳng xuống cống cho chảy ra sông Nhuệ cũng không gây ô nhiễm môi trường nước” – ông Cảnh cho biết thêm.
"Chúng tôi cũng đang tích cực tìm giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững của làng nghề. Viện Khoa học năng lượng đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra 3 mô hình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và ô nhiễm môi trường tại làng bún Phú Đô” – đại diện UBND phường Phú Đô nói.
Theo đó, mô hình tiết kiệm năng lượng gồm: Đầu tiên là mô hình sản xuất phân tán, với chi phí thấp và có thể áp dụng riêng lẻ từng hộ. Mỗi hộ chỉ cần đầu tư 1 lò than cải tiến (có ống dẫn thải, hệ thống bảo ôn, tái chế nhiệt), hiệu suất đạt trên 30% (gấp 2 lần lò đốt cũ). Lượng nhiệt thải ra được "tái chế” vào các sinh hoạt (đun nấu, sấy khô, sưởi ấm…). Các lò được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nhằm duy trì sự ổn định, tiết kiệm năng lượng.
Thứ hai là mô hình sản xuất theo nhóm hộ. Mỗi nhóm gồm từ 3 - 5 hộ sản xuất, được trang bị nồi hơi với áp suất, lượng hơi, nhiệt độ phù hợp, giảm tối đa sự cố. Năng suất dự kiến từ 200 - 400 kg/giờ (cao hơn 2,5 lần công nghệ cũ). Theo kết quả tính toán của các chuyên gia, áp dụng mô hình này, các nhóm chỉ mất 5 tiếng/ngày để sản xuất, tiết kiệm 71% lượng than so với sản xuất thủ công. Mỗi năm làng nghề sẽ tiết kiệm được 1.300 tấn than, giảm phát thải 2.000 tấn C02.
Cuối cùng là mô hình sản xuất tập trung. Các công đoạn sản xuất (xay, nhào bột, làm bún, xử lý thải…) sẽ được thiết kế thành dây chuyền. Mô hình này là tối ưu hóa của sản xuất khi vừa nâng cao năng suất, vừa tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cao nhất và cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Cùng với đó là việc thực hiện quy trình xử lý nước thải bún bằng bùn hoạt tính dễ thực hiện, hiệu quả cao. Quy trình xử lý gồm ba bước cơ bản: Nước thải bún được để lắng 18 giờ, sau đó pha loãng theo tỷ lệ 1 nước thải sản xuất/2 nước thải sinh hoạt và bổ sung bùn hoạt tính theo tỷ lệ 5%, tại đây quá trình sục khí được diễn ra trong 21 giờ đồng hồ. Sau đó nước thải được để lắng rồi thải ra ngoài. Kết quả thu được là giá trị COD đã giảm từ 7.800mg/l xuống còn 192 mg/l, hiệu suất đạt 98%. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng khuyến cáo các hộ dân nên sử dụng biogas thay cho việc dùng than củi như hiện nay.
 
Theo Kinh tế đô thị
  •  
Các tin khác

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, giải pháp mang lại hiệu quả về kinh tế, sản xuất năng lượng bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang có những giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ngập úng đô thị khá hiệu quả, đó là các giải pháp kỹ thuật/công trình kết hợp với các giải pháp phi công trình …

Bảo vệ môi trường đang là một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc về hệ thống cơ sở hạ tầng. Các khu đô thị lớn hình thành, các khu công nghiệp mở rộng nằm bao quanh thành phố đã thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài thành phố đến làm việc sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng tương đối lớn về rác thải sinh hoạt (bao gồm cả khối lượng và chủng loại).