TÓM TẮT:
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi các quy định xử lý vi phạm pháp luật môi trường còn chưa hiệu quả, ý thức, trách nhiệm của các cá nhân, các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chưa cao. Vì vậy, các quy định cụ thể, các chế tài xử lý, trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là biện pháp cần thiết. Bài viết tập trung phân tích về những nguyên nhân chính của thực trạng vi phạm pháp luật môi trường và các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường đối với các doanh nghiệp trong nước.
Từ khóa: pháp luật môi trường, thực thi pháp luật môi trường, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Những năm qua, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh. Những thiệt hại về môi trường là những thiệt hại có tính nghiêm trọng, làm phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn trong đó nguy hiểm nhất có thể dẫn tới thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ và tài sản của con người. Với những hậu quả trên, việc thực thi pháp luật môi trường là hết sức cần thiết nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, cũng như bảo vệ cuộc sống trong sạch của cộng đồng.
2. Khái niệm về pháp luật môi trường
Pháp luật môi trường được hiểu là những quy phạm pháp luật nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Pháp luật môi trường đưa ra các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình khai thác, sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố của môi trường trên cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả môi trường sống của con người [1]. Pháp luật môi trường được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm pháp luật về bảo vệ các sự vật tạo nên môi trường sống của con người như Luật Lâm nghiệp, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Tầm quan trọng của pháp luật môi trường đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Việc bảo vệ môi trường của doanh nghiệp sẽ góp phần gìn giữ hình ảnh và thương hiệu uy tín của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững hơn. Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng có nhận thức cao hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo vệ môi trường, việc doanh nghiệp tham gia đầu tư vào bảo vệ môi trường sẽ góp phần tạo ra niềm tin của xã hội và người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đó. Thêm vào đó, khi doanh nghiệp tham gia đầu tư, thực hiện nghĩa vụ về bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp [1]. Với chiến lược dài hạn, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn nếu doanh nghiệp chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường từ sớm.
Việc bảo vệ môi trường sẽ giúp cho các doanh nghiệp vừa có môi trường làm việc an toàn, đem lại lợi ích về sức khỏe cho người lao động, vừa thể hiện tốt trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Người tiêu dùng cũng sẽ có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ hơn nếu doanh nghiệp có những thay đổi tích cực đối với môi trường như sử dụng nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường hay có những tuyên truyền, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường. Với kế hoạch dài hạn trong các hoạt động có trách nhiệm với môi trường sẽ đem lại cho các doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh và tạo ra khác biệt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây sẽ là nền tảng bền vững để các doanh nghiệp trong nước dễ dàng hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Nguyên nhân của tình trạng vi phạm luật môi trường của các doanh nghiệp hiện nay
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh vì mục đích lợi nhuận. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng nhiều năm với công nghệ, thiết bị lạc hậu, phát sinh nhiều phế thải, hệ thống xử lý nước thải, khí thải không còn hiệu quả sử dụng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn nằm xen kẽ với khu dân cư hoặc gần khu vực đông dân cư có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, việc xây dựng và ban hành các chính sách luật về thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế còn thiếu những công cụ kinh tế nhằm bảo vệ môi trường. Điều này khiến việc thực thi pháp luật môi trường chưa phát huy được tác dụng, gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái. Một số quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường trong các lĩnh vực chưa phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm một cách triệt để. Do đó, hiệu quả của việc xử lý các sai phạm còn hạn chế.
Về phía các doanh nghiệp, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên trong nhiều trường hợp, khi thực hiện các dự án sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp chưa chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải do tiết kiệm chi phí. Về phía chính quyền cơ sở, nhiều nơi chưa thực hiện tốt các quy định trong việc quản lý, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, thiếu chủ động trong việc giải quyết các vấn đề vi phạm pháp luật môi trường. Nhiều địa phương, do chính sách ưu tiên phát triển kinh tế đã kêu gọi đầu tư, cấp phép kinh doanh chưa hợp lý, thiếu quan tâm đến việc thẩm định, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường. Điều này đã dẫn đến tình trạng việc chấp hành pháp luật môi trường trong các lĩnh vực bị lơ là trong thời gian dài, nội dung về bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai chỉ mang tính hình thức, đối phó, thiếu cơ chế giám sát thực hiện hiệu quả, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
5. Một số vấn đề về thực thi pháp luật môi trường của các doanh nghiệp Việt Nam
Hiện nay, vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp vi phạm về pháp luật môi trường. Các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về môi trường, chưa đưa ra báo cáo đánh giá tác động của hoạt động sản xuất - kinh doanh với môi trường theo quy định, chưa xử lý chất thải triệt để, các chất độc hại trước khi thải vào môi trường hay chưa đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải công nghiệp theo quy định. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, cây trồng thường kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm đất, nguồn nước tại các sông, hồ, ao, ruộng ở khu vực nông thôn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.
Thêm vào đó, tình trạng doanh nghiệp lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do phần lớn lượng chất thải từ quá trình chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản thải trực tiếp ra ruộng, ao, hồ. Việc lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, các vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý triệt để. Ngoài ra, công nghệ sản xuất ở các doanh nghiệp nhỏ còn thấp, quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, thường là hộ gia đình, năng lực tài chính thấp, việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải chưa được coi trọng.
Tại các đô thị lớn, hiện nay vấn đề ô nhiễm bụi, tiếng ồn vẫn tiếp tục ở ngưỡng cao. Các doanh nghiệp vẫn còn tình trạng sử dụng phương tiện giao thông vận tải chưa được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.Ngoài ra, việc phát tán bụi, khí thải, chất thải ra môi trường trong quá trình kinh doanh, sản xuất vẫn còn tiếp diễn. Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng các yêu cầu về phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý các loại rác thải theo đúng quy định. Đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, chưa chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực y tế, do lượng chất thải y tế hàng ngày thải ra rất lớn đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng. Nhiều cơ sở y tế tư nhân chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ theo quy chế xử lý chất thải y tế. Nhiều loại rác thải y tế nguy hại như các bệnh phẩm, vỏ chai, dây dịch chuyền, bơm kim tiêm đã qua sử dụng vẫn lẫn cùng rác thải thông thường. Quy trình thu gom, xử lý chất thải chưa hiệu quả, kèm theo đó là các sai phạm thu gom để bán cho cơ sở tái chế vi phạm các quy định về quản lý, xử lý chất thải y tế.
Điều này cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật môi trường của các doanh nghiệp ở nước ta hiện vẫn còn diễn ra rất phức tạp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gây tác động xấu tới môi trường, cũng như có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
6. Biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường, hệ thống pháp luật môi trường cũng cần đáp ứng theo hướng thống nhất, đầy đủ, phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các văn bản pháp luật hiện hành cần cụ thể, rõ ràng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các chế tài xử phạt cần được thực thi một cách nghiêm minh [2].
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế để ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật môi trường của các doanh nghiệp trong nước. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật môi trường đối với các doanh nghiệp. Thêm vào đó, công tác phổ biến pháp luật môi trường tới các doanh nghiệp cần được tăng cường để nâng cao hiểu biết và ý thức về bảo vệ môi trường cũng như có những hướng dẫn cụ thể tới các doanh nghiệp về các giải pháp xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở vật chất, hỗ trợ thuế, nguồn vốn hay việc tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp đã thực hiện tốt hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần khuyến khích các hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, mức độ và phạm vi ưu đãi, hỗ trợ được điều chỉnh bảo đảm phù hợp với chính sách bảo vệ môi trường theo các thời kỳ cụ thể.
Các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin về các quy định mới của nhà nước trong lĩnh vực môi trường để áp dụng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đăng ký để được tư vấn về pháp luật môi trường, xây dựng báo cáo để thường xuyên đánh giá các tác động tới môi trường, lập bản cam kết bảo vệ môi trường trong trường hợp chủ doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, khi có nhu cầu sử dụng nước hoặc các nguồn tài nguyên khác để sản xuất, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục xin cấp phép và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động hướng tới việc bảo vệ môi trường trong nhà máy, khu sản xuất hoặc các bộ phận kinh doanh. Hằng năm, việc trích một phần quỹ của doanh nghiệp đóng góp vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ đem lại ảnh hưởng tích cực về mặt hình ảnh cho doanh nghiệp, mà còn góp phần tạo nên các giá trị ý nghĩa tới cộng đồng.
7. Kết luận
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong các nhiệm vụ hàng đầu mà các nước luôn quan tâm. Thực hiện việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nâng cao vị thế cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp trong nước cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm với môi trường thông qua các chính sách, hoạt động thiết thực trong sản xuất, vận hành kinh doanh nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay liên quan đến nguồn nước sinh hoạt, không khí và hệ sinh thái cân bằng đảm bảo cuộc sống xanh và sạch cho người dân.
ThS. Nguyễn Thị Minh Huyền
Trường Quốc tế - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trần Điện (2012). Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, tr.61
2. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2021). Tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Tạp chí Quản lý Nhà nước, tr.66.
Strengthening the enforcement of environmental protection regulations for domestic enterprises
Master. NGUYEN THI MINH HUYEN
International School, Vietnam National University - Hanoi
ABSTRACT:
Environmental pollution in Vietnam is becoming more and more complicated, while the regulations for handling environmental law violations are still ineffective. In addition, the awareness and responsibility of individuals and businesses toward protecting the environment are quite low. Therefore, it is necessary to have specific regulations and sanctions to handle environmental law violations. The paper analyzed the main causes of environmental law violations and proposed measures to strengthen environmental protection regulations for domestic enterprises.
Keywords: environmental law, environmental law enforcement,enterprises.