Mở đầu
Công viên, cảnh quan cây xanh đóng một vai trò quan trọng trong đô thị, ngoài việc là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng, vui chơi giải trí thư giãn, đây còn được coi là máy lọc không khí tự nhiên, giữ sự cân bằng và đa dạng hệ sinh thực vật. Tuy nhiên, còn một yếu tố quan trọng của công viên, cảnh quan cây xanh ít được đề cập – Đó chính là khả năng chống ồn cho đô thị: Dựa vào khoảng không gian mở lớn, giúp tăng khoảng cách từ nguồn ồn đến không gian sử dụng hay khu dân cư lân cận; tính chất khuếch tán hoặc hút âm của các dạng cây xanh khác nhau giúp giảm tiếng ồn đô thị đáng kể. Do vậy, việc khảo sát, phân tích yếu tố âm học trong công viên dựa trên cơ sở nền tảng khoa học của vật lý kiến trúc là một việc làm cần thiết. Điều này sẽ là tiền đề để đưa ra các định hướng, phân tích, tính toán trong thiết kế để đem lại hiệu quả cao nhất cho không gian công cộng (KGCC) và các khu vực lân cận, hướng đến phát triển bền vững.
Các yếu tố âm học ảnh hưởng đến thiết kế công viên cảnh quan
Địa điểm nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn công viên Gia Định, TPHCM để tiến hành đo đạc, nghiên cứu. Diện tích của công viên Gia Định ngày càng bị thu hẹp dần, tới năm 2005 còn khoảng 32 ha nhưng vẫn là mảng xanh lớn nhất tại TPHCM. Công viên ở vị trí tiếp giáp 3 quận: Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, nút giao giữa các trục đường giao thông lớn; gần chợ Tân Sơn Nhất, sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là địa điểm nhận đồng thời nhiều nguồn tiếng ồn và các đặc tính nguồn ồn đặc thù, phù hợp cho khảo sát mức ồn và khả năng chống ồn của công viên, hệ thực vật.
Tổng mặt bằng vị trí Công viên Gia Định
Phương pháp và kết quả đo
Điểm đo: Một điểm trên tuyến đường Hồng Hà và một điểm trong công viên Gia Định.
Thời điểm đo: Từ 8h sáng đến 8h tối ngày 12/03/2024.
Phương pháp đo: Đo mức ồn của nguồn ồn trên đường, cách nguồn ồn 7.5m; trên độ cao 1m2. Đo ở độ cao 1m2 với điểm khảo sát trong công viên. Khoảng thời gian đo liên tục của mỗi phép đo là 10 phút, trong vòng 1 giờ tiến hành 3 phép đo, sau đó lấy giá trị trung bình. Kết quả thu được coi như giá trị trung bình của giờ đo đó. Xác định cường độ dòng xe (xe/giờ) bằng phương pháp đếm thủ công.
Thiết bị đo: Máy đo tiếng ồn 35dB – 130dB_Extech EN300 5-in-1 Environmental.
Kết quả đo thu được trong bảng dưới đây:
Công viên nằm ở khu vực có nhiều nút giao cắt của các trục đường lớn
Hướng nhìn từ công viên ra trục đường Hồng Hà
Có các dải cây xanh phân cách và đường đi bộ
Cơ sở vật lý kiến trúc về giảm mức ồn dựa vào khoảng cách và số dải cây xanh
Khoảng cách xa dần đường giao thông từ điểm khảo sát, có thêm dải cây phân cách và làn đường cho người đi bộ cho thấy sự giảm dần mức âm do 4 nguyên nhân chính: Mức âm giảm theo khoảng cách; do sự hút âm của không khí; tiêu hao âm do năng lượng âm bị hút và khuếch tán trong tán lá; năng lượng âm bị phản xạ trở lại từ các dải cây chắn.
Theo Giáo trình Âm học kiến trúc. Âm học đô thị [1]: "Tác dụng phản xạ tường chắn có thể làm giảm mức âm 1,5dB mỗi khi gặp 1 dải cây xanh. Khả năng hút và khuếch tán âm thanh của cây xanh phụ thuộc vào loại cây với mức độ rậm rạp của lá, có trị số khoảng 0.12-0.17 dB/m”
Bảng mức ồn hạ thấp theo chiều rộng dải cây và cấu trúc dải cây
Nhận xét và đánh giá từ kết quả đo
Mặc dù kết quả đo mức ồn chỉ diễn ra trong một ngày và số điểm đo còn hạn chế, chưa bao quát toàn bộ thông tin của mức ồn thực tế tại các hướng giao thông tiếp cận và các vị trí khác nhau trong công viên Gia Định, nhưng đây là cơ sở cơ bản để đưa ra các nhận xét và đánh giá trực quan dựa vào kết quả đo, trên nền cơ sở khoa học của vật lý kiến trúc.
Từ kết quả đo thực tế có thể thấy công viên Gia Định với hệ thực vật phong phú, bố trí dải cây xanh xung quanh, hệ thống đường đi bộ trong công viên được thiết kế xen kẽ, diện tích công viên lớn, điều này giúp giảm mức ồn từ đường giao thông đáng kể.
Mức ồn tại công viên so với nguồn ồn đường chênh lệch từ 2.4-15.2 dB trong khoảng thời gian giờ cao điểm, trước 18h. Mức ồn cao nhất ghi nhận được trong khung giờ này là 84.3 dB, với lưu lượng xe moto hai hoặc ba bánh là 1918 chiếc, xe hơi là 284 chiếc. Với khung giờ sau 18h, mức ồn từ công viên so với nguồn ồn đường chênh lệch từ 3.7-10.9 dB. Mức ồn cao nhất ghi nhận được trong khung giờ này là 82.6dB, với lưu lượng xe 2 bánh là 1776 chiếc, xe hơi là 240 chiếc. Theo Phụ lục 1, TCXDVN 175:2005, Ảnh hưởng của tiếng ồn đến các hoạt động của con người, tại thời điểm mức ồn cao nhất đạt ngưỡng "Bắt đầu gây bệnh nặng tai và bệnh điếc (10% bị điếc sau 40 năm tiếp xúc)”.
Theo TCXDVN 175:2005, Mức ồn tối đa cho phép trong công trình công cộng là 60dBA, vậy công viên Gia Định đã giúp giảm mức ồn xuống dưới giới hạn cho phép trong các thời điểm từ 10h sáng đến 13h chiều.
Kết luận
Công viên cây xanh cảnh quan đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong việc nâng cao chất lượng sống, giảm ô nhiễm tiếng ồn, hạ mức ồn trong đô thị. Nhu cầu phân tích vật lý kiến trúc trước, trong và sau khi thiết kế công viên, cảnh quan là một nhu cầu thiết yếu, mang tính quyết định cho hiệu quả thiết kế hướng đến phát triển bền vững. Việc áp dụng cơ sở khoa học vật lý kiến trúc giúp người thiết kế chủ động xác định loại cây trồng, số dải cây xanh, khoảng cách mỗi dải cây đến nguồn ồn, định lượng chính xác mức ồn cần giảm để tránh ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, đánh giá mức ồn chỉ là một tiêu chí rất nhỏ trong quá trình thiết kế công viên, cảnh quan.
Áp dụng vật lý kiến trúc trong thiết kế công viên, cảnh quan bên cạnh yếu tố âm học còn là sự thấu hiểu địa phương để xác định phân vùng trong thiết kế, phù hợp, tối ưu hóa hướng nắng, thông gió, tận dụng đường đi của mặt trời để phân khu chức năng với thời gian được che nắng, chiếu nắng phù hợp, tăng hiệu quả thẩm mỹ, bóng đổ cho các chi tiết thiết kế trong cảnh quan. Nắm được các thông số, điều kiện vi khí hậu, các tính chất đặc thù để lựa chọn, bảo tồn và duy trì cân bằng hệ sinh thái giữa các thảm thực vật, động vật, hệ sinh vật trên cạn và dưới nước, thiết kế phù hợp giữa cây xanh, mặt nước.
Ngoài ra, để hướng đến thiết kế cảnh quan mang tính bền vững, còn là sự cần thiết của kết hợp KTS cảnh quan, kỹ sư cơ điện, chuyên gia thiết kế bền vững từ giai đoạn đầu. Để hướng đến thiết kế mang tính bền vững, các yếu tố vật liệu, hệ thống chiếu sáng, quản lý, thiết kế và xử lý mặt nước trong công viên, phân vùng và bố trí cây xanh, sinh vật dưới nước phải được nghiên cứu và có sự tham gia của các bên, từ thiết kế cảnh quan, cơ điện, bền vững, quản lý. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát năng lượng, phát thải carbon, cân bằng hệ sinh thái trong quá trình vận hành. Việc áp dụng quản lý thông minh, tăng tương tác giữa người sử dụng và cảnh quan công viên, sử dụng các thiết bị cảm biến được lập trình quản lý tự động cũng là xu thế phát triển hiện nay trên thế giới, hướng đến tăng hiệu quả sử dụng không gian công cộng và phát triển bền vững.
Việc cân nhắc tất cả các yếu tố này, và đặc biệt là khả năng giảm mức ồn đô thị của công viên sẽ giúp cho quá trình phân tích, đánh giá và quy hoạch, thiết kế, tổ chức, quản lý không gian công cộng, công viên, vườn hoa đô thị tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung được toàn diện hóa, nâng cao hiệu quả.
Nguyễn Thị An Anh
Tài liệu tham khảo:
1. PGS.TS. Phạm Đức Nguyên (2014) – "Âm học Kiến trúc, Âm học đô thị”. NXB Xây Dựng.
2. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 175:2005 – Mức ồn tối đa cho phép trong công trình công cộng
Theo Tạp chí Kiến trúc